MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tín dụng tăng 20%: Không khó nhưng quan trọng là nền kinh tế có hấp thụ được?

18-08-2017 - 21:21 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 20% vẫn chưa lớn nhưng cần đi kèm điều kiện lãi suất giảm để tăng được sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

TS. Lê Xuân Nghĩa
TS. Lê Xuân Nghĩa
Chuyên gia tài chính ngân hàng
94 bài viết

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ cuối tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tính toán khả năng nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm lên 21-22%.

Việc đẩy mạnh và nâng cao mức tăng trưởng tín dụng được đặt trong tính toán các biện pháp mà Chính phủ tập trung thúc đẩy để quyết tâm thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay 6,7%.

Tuy nhiên, có thể đẩy tăng trưởng tín dụng lên 20% được hay không?

Chia sẻ với các phóng viên ngày 18/8, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho biết các điều kiện vĩ mô hiện nay đang thuận lợi để NHNN có thể xem xét nới lỏng tín dụng hay tăng cung tiền tệ và tạo điều kiện giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Khả năng nới tín dụng tới 20% là có thể.

Nhưng quan trọng hơn là doanh nghiệp hay nền kinh tế có khả năng hấp thụ nữa không. Theo ông Nghĩa, lãi suất cao thì không nhưng khi hạ lãi suất thì tăng trưởng tín dụng sẽ vào được lĩnh vực sản xuất kinh doanh, công nghiệp, chế biến. Nếu để lãi suất cao thì tiền sẽ vào những lĩnh vực không mong muốn như chứng khoán, bất động sản, các phân khúc có khả năng rủi ro cao như cho vay tiêu dùng.

Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa chỉ ra hai khả năng khi đưa tăng trưởng tín dụng lên 20% trong năm nay. Trường hợp nếu hấp thụ tốt với lãi suất thấp sẽ tăng tổng cầu và hỗ trợ GDP. Còn nếu không hạ được lãi suất mà duy trì mức cao sẽ không thể tăng tổng cầu an toàn. Ông Nghĩa còn cho rằng điều này sẽ dẫn đến lạm phát cao hơn các năm sau.

Đây là điều mà theo ông NHNN phải cân nhắc. Nhìn rộng hơn ở thế giới, ông Nghĩa nhận định xu thế nới lỏng tiền tề toàn cầu vẫn là xu thế chính chứ chưa phải thắt chặt. Đặt Việt Nam trong bối cảnh chung, dư địa để giảm lãi suất tăng tín dụng vẫn còn nhưng không nhiều nên không thể mạnh tay.

Có nhiều chuyên gia nói lãi suất Việt Nam hiện nay vừa phải, không quá cao khi so sánh với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng so sánh như vậy khá khập khiễng. Bởi mặt bằng lãi suất VN cao kể cả so với Trung Quốc hay một số nước ASEAN.

Là một chuyên gia cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT của một doanh nghiệp niêm yết trên sàn, ông Nghĩa cho rằng mức lãi suất hiện nay sẽ gây áp lực lên chi phí tài chính.

Trong bối cảnh đòn bẩy tài chính cao, doanh thu khoảng 150 tỷ, lãi vay ngân hàng một năm có khi lên đến 500 tỷ, vượt cả chi phí trích lập khấu hao. Sức ép của lãi vay ngân hàng đối với doanh nghiệp là rất lớn.

Đại bộ phận doanh nghiệp chế biến chế tạo đều nhập khẩu nguyên liệu, tận dụng nhân công giá rẻ và có vốn lưu động lớn. Như đối với ngành bao bì mà doanh nghiệp ông Nghĩa đang kinh doanh, tiền nguyên liệu chiếm 75-80% sử dụng vốn vay ngân hàng. Dù tăng vòng quay vốn thì chi phí lãi vay trở thành sức ép lớn. Thậm chí có trường hợp theo ông Nghĩa chia sẻ doanh thu tăng gấp đôi nhưng lợi nhuận giảm đi vì để tăng vốn lưu động cần vay vốn ngân hàng.

Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 20% vẫn chưa là nguy cơ lớn trong điều kiện hiện tại của Việt Nam. Nhưng vị chuyên gia này cho rằng cần đi kèm điều kiện lãi suất giảm để tăng được sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Theo Thanh Thủy

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên