Tín dụng tăng trưởng chậm có đáng lo ngại?
Trong quý 1/2019, tín dụng tại các ngân hàng tăng trưởng chậm lại, chứng tỏ sự phụ thuộc vào vốn tín dụng đã giảm dần đối với nền kinh tế Việt Nam.
Tính đến ngày 17/4/2019, tăng trưởng tín dụng ở mức 3,23% so với hồi đầu năm, thấp hơn nhiều so với mức tăng 5% của cùng kỳ năm 2018 và 2017, đồng thời cũng thấp hơn so với mức tăng bình quân 3,5% cùng kỳ các năm trước đó.
Những con số này cho thấy, tăng trưởng tín dụng đã và đang có chiều hướng chậm lại.
Trong quý 1/2019, tín dụng ngân hàng có xu hướng tăng trưởng chậm. (Ảnh minh họa: KT)
Nhiều ý kiến bày tỏ sự lo lắng bởi tín dụng tăng trưởng thấp chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh khi hiện nay tín dụng vẫn chiếm tới 70% trong nguồn thu của các ngân hàng. Thực tế, trong báo cáo kết quả kinh doanh năm 2018 và quý 1 vừa công bố đã thể hiện rõ điều này.
Một trong những ngân hàng chịu ảnh hưởng rõ nét là Ngân hàng VietinBank. Quý 4/2018 ngân hàng lỗ trước thuế 853 tỷ đồng do tín dụng sụt giảm hơn 26.000 tỷ đồng khiến cho ngân hàng không có nguồn thu từ lãi. Bước sang quý 1/2019, tín dụng của VietinBank giảm thêm gần 6.600 tỷ đồng tương đương mức 0,8% so với cuối năm 2018. Mặc dù lợi nhuận trong thời gian này vẫn tăng mạnh nhờ hoạt động dịch vụ lãi đột biến, song việc tín dụng khó tăng chắc chắn sẽ khiến nhà băng này phải lo lắng.
Tại Eximbank, quý đầu năm nay tín dụng cũng tăng trưởng âm 2,6% với dư nợ giảm xuống dưới 100.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế thấp hơn 38% so với cùng kỳ năm trước.
Tại các ngân hàng nhỏ như: VietCapital Bank, NCB, Saigonbank… tín dụng tăng yếu trong 4 tháng đầu năm đã phản ánh ở kết quả kinh doanh bởi tỷ trọng thu từ tín dụng còn quá lớn trong khi các mảng phi tín dụng lại không tăng trưởng tốt. Cụ thể, thu nhập lãi thuần tại VietCapital Bank giảm 2,6%, NCB giảm 22,7%, Saigonbank chỉ tăng 0,8%.
Theo nhận định của giới phân tích, với chính sách siết chặt tín dụng, đặc biệt là tín dụng vào các lĩnh vực có nhiều rủi ro như bất động sản, thì tín dụng ngân hàng năm nay sẽ khó có tăng trưởng đột biến, điều này đồng nghĩa với mức tăng trưởng lợi nhuận cũng không thể đạt được như những năm trước, ngoại trừ những nhà băng có các khoản thu nhập bất thường từ dịch vụ hoặc thoái vốn.
Nhìn nhận ở một khía cạnh khác tích cực hơn, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực phân tích, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14% trong năm 2019, điều đó là phù hợp vì thực tế đã tăng trưởng khá cao trong 3-4 năm liên tục. Trong khi đó, kinh tế vẫn tăng trưởng ở mức độ tích cực, tín dụng thì tăng trưởng chậm lại, chứng tỏ sự phụ thuộc vào vốn tín dụng đã giảm dần đối với nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh có nhiều dòng vốn khác đang được huy động.
Cụ thể, hiện nay có nhiều tổ chức tài chính cho vay ngang hàng, các tổ chức kinh tế vi mô khác rồi hệ thống thị trường cổ phiếu, trái phiếu. Đặc biệt trái phiếu doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã tích cực huy động vốn chung và dài hạn của kênh này.
Cũng theo ông Lực, hiện nay quy mô tín dụng khá lớn, tương đương 131% GDP, so với quy mô của nền kinh tế thì các tổ chức quốc tế cũng như các chuyên gia tài chính-ngân hàng nhận định sẽ có rủi ro về lâu dài.
Nhìn lại quá khứ, tín dụng tăng trưởng ở mức tương đối cao trong những năm qua, trong khi đó vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu không tăng tương ứng khiến hệ số an toàn vốn của Việt Nam và hệ thống ngân hàng đang ở mức giảm dần. Nếu áp dụng Base II thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu trong thời gian tới.
Do đó, tín dụng tăng trưởng chậm cũng là điều đáng mừng vì doanh nghiệp và người dân đã có nhiều kênh để huy động vốn, không bị phụ thuộc vào một nguồn vốn nhất định. ./.