Tín dụng tăng trưởng thấp thực tế là do đâu?
Với tiến độ tăng trưởng tín dụng như các tháng vừa qua thì khả năng cả năm chỉ đạt mức tăng trưởng khoảng 8%.
- 21-06-2023Mặt bằng lãi suất hiện đã giảm bao nhiêu so với đầu năm?
- 20-06-2023Liên tiếp giảm lãi suất điều hành: Cần đơn giản thủ tục hành chính
- 20-06-2023Đâu là vấn đề khiến các ngân hàng lo lắng nhất trong năm 2023?
Theo số liệu về tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố gần nhất cho thấy tín dụng 5 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 3,17%, thấp hơn rất nhiều so với con số hơn 8% cùng kỳ năm trước.
Theo lý giải của NHNN, mặc dù các tổ chức tín dụng có điều kiện để tăng tín dụng trong những tháng đầu năm do thanh khoản dồi dào và chưa bị giới hạn bởi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng; tuy nhiên mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chủ yếu là do cầu tín dụng giảm mạnh, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế gặp khó khăn (cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm, dẫn tới tín dụng cho sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng; cầu tiêu dùng giảm); một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa dáp ứng điều kiện vay vốn/ hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý.
Bên cạnh đó, sau một thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, nhất là khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả trong bối cảnh hiện nay (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu ở mức cao, trong khi thị trường đầu ra khó khăn, đơn hàng, doanh thu giảm,…); một số khách hàng chưa kịp thời hồi phục sau giai đoạn dịch COVID-19 đã phát sinh nợ xấu/ nợ quá hạn, nên các tổ chức tín dụng phải thận trọng trong quyết định cho vay do không thể hạ chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.
Liên quan tăng trưởng tín dụng, tại Hội nghị giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế tổ chức sáng 19/6 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đánh giá thực tế con số tăng trưởng tín dụng của 5 tháng chỉ hơn 3%, với tiến độ này, nếu trong 12 tháng (tức cả năm 2023- PV ) chỉ tăng hơn 8% là rất thấp (định hướng năm 2023 là tín dụng phải tăng 14-15%).
Do vậy, một trong những kết luận được đưa ra tại Hội nghị, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thông báo hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm cho từng tổ chức tín dụng để các tổ chức tín dụng chủ động kế hoạch cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, NHNN cần yêu cầu các ngân hàng thương mại nhà nước tích cực, chủ động hơn nữa, đóng vai trò chủ lực trong cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc triển khai thực hiện, không để xảy ra tiêu cực, vi phạm pháp luật.giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế.
NHNN cũng cần thực hiện ngay hiệu quả, thiết thực, cụ thể các giải pháp điều hành giảm lãi suất nhằm tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Khẩn trương chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số để giảm mặt bằng lãi suất cho vay; nghiên cứu giải pháp có các chương trình tín dụng ưu đãi đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên, sản xuất chủ lực trong nước và doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Rà soát, đánh giá toàn diện, phân loại và thống kê đầy đủ các khoản đã cấp tín dụng để xác định mặt bằng lãi suất cho vay trung bình hiện nay làm cơ sở để có giải pháp điều hành phù hợp.
Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chú trọng rà soát, kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính không còn phù hợp, được người dân, doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị theo giải pháp tại Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ; căn cứ quy định pháp luật hiện hành để nghiên cứu, rà soát và sửa đổi ngay trong tháng 6/2023 nhằm đơn giản hóa thủ tục cho vay, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Nhịp sống thị trường