MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tín dụng trung dài hạn có dấu hiệu tăng lại

09-04-2018 - 09:33 AM | Tài chính - ngân hàng

Tỷ trọng tín dụng trung dài hạn đã tăng 0,4 điểm phần trăm so với cuối năm nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng quý I vẫn thấp hơn cùng kỳ dù đã tăng khá trong tháng 3.

Tín dụng trung dài hạn có dấu hiệu tăng lại, dấu hỏi tăng trưởng tín dụng tiêu dùng

Tín dụng trung, dài hạn có dấu hiệu tăng trở lại trong các tháng đầu năm 2018. Quý I/2018, tín dụng trung và dài hạn tăng 4,3% trong khi tín dụng ngắn hạn tăng 2,6%. Tỷ trọng tín dụng trung, dài hạn khoảng 53,2%, cao hơn tỷ trọng hồi cuối năm 2017 (52,8%) nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ (55,2%).

Diễn biến trên đi ngược lại dự báo của UBGSTCQG trước đó. Báo cáo hồi tháng 1/2017, Ủy ban dự báo tín dụng ngắn hạn sẽ tăng nhanh do tín dụng tiêu dùng tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2017, và phục vụ nhu cầu dịp Tết nguyên đán. Đi kèm cùng đó là tăng trưởng của hoạt động tín dụng tiêu dùng. Từ mức 12,3% hồi cuối năm 2016, tỷ trọng cho vay tiêu dùng đã tăng lên 18% hồi cuối năm 2017 và 18,3% sau tháng đầu tiên năm 2018.

Báo cáo tình hình kinh tế tháng này không cập nhật chi tiết thêm về tỷ trọng cho vay tiêu dùng.

Liên quan đến mảng hoạt động tín dụng tiêu dùng, ngày 23/1, NHNN đã có văn bản số 563/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng và chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh. Trong đó, NHNN cũng yêu cầu kiểm soát tốt chất lượng, nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn để hạn chế rủi ro phát sinh. Các tổ chức tín dụng cũng cần giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán.

Bật tăng tháng 3, tín dụng quý I vẫn tăng thấp hơn cùng kỳ

Theo báo cáo của UBGSTCQG, tín dụng quý I/2018 ước tăng khoảng 3,5% so với cuối năm 2017, trong khi theo báo cáo trước đó tín dụng mới chỉ tăng 1% sau 2 tháng đầu năm. Dù đã bật tăng trong tháng 3 vừa qua nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn thấp hơn cùng kỳ 2017 (4,3%).

Ở chiều ngược lại, tăng trưởng vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân quý I năm nay lại tăng lên 3% so với mức 2,6% cùng kỳ.

Tín dụng bằng nội tệ ước tăng 3,3%, chiếm 91,9% tổng tín dụng trong khi tín dụng ngoại tệ tăng 5,4%, chiếm 8,1% tổng tín dụng. Tín dụng ngoại tệ đã tăng chậm lại so với mức tăng trưởng cuối năm 2017 là 7,9%. Huy động ngoại tệ giảm 3,1%, huy động VND tăng 3,7%. Tỷ trọng vốn huy động ngoại tệ trong tổng nguồn vốn huy động là 9,2% trong khi cuối 2017 là 9,7%.

Tín dụng trung dài hạn có dấu hiệu tăng lại - Ảnh 1.

Tín dụng trung dài hạn có dấu hiệu tăng lại

Đến cuối quý I/2018, tỷ lệ tín dụng so với vốn huy động (LDR) ở mức 88,2%, cao hơn 0,5 điểm phần trăm so với thời điểm cuối năm 2017 ( 87,8%).

Thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định, thậm chí có thời gian dư thừa phản ánh qua diễn biến lãi suất liên ngân hàng cũng như động thái hút/bơm ròng của NHNN. Một trong các nguyên nhân theo UGSTCQ là việc NHNN tăng mua ngoại tệ và giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ chậm.

"Kho bạc Nhà nước đã phát hành 38.758 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (TPCP) đạt 86% kế hoạch phát hành quý 1/2018. Tuy nhiên, việc chậm giải ngân vốn TPCP làm giảm hiệu quả sử dụng vốn", báo cáo cho hay.

Theo Ngọc Linh

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên