Tín hiệu đáng sợ từ Indonesia: Trẻ em không còn "an toàn" với Covid-19, hàng trăm ca đã tử vong
Tỷ lệ này ở Indonesia thách thức quan điểm cho rằng trẻ em phải đối diện với nguy cơ rất thấp từ đại dịch Covid-19, NYT dẫn nguồn tin bác sĩ cho hay.
- 26-07-2021Số ca mắc Covid-19 tử vong tăng cao kỷ lục, Indonesia chuẩn bị thêm ICU
- 25-07-2021Chuyên gia cảnh báo: Nguy cơ sản sinh siêu biến chủng nguy hiểm hơn cả Delta tại "vườn ươm" Indonesia
- 23-07-2021Bức tranh trái ngược giữa Anh và Indonesia dù cùng có 50.000 ca Covid-19 trong một ngày
Hàng trăm trẻ em tại Indonesia đã tử vong vì Covid-19 trong vài tuần trở lại đây, trong đó nhiều trẻ dưới 5 tuổi. Tỷ lệ này ở Indonesia cao hơn bất kỳ quốc gia nào và là tín hiệu thách thức quan điểm cho rằng trẻ em phải đối diện với nguy cơ rất thấp từ đại dịch, NYT dẫn nguồn tin bác sĩ cho hay.
Nạn nhân ẩn giấu của đại dịch
Tình trạng tử vong ở trẻ em (hơn 100 ca/tuần trong tháng này) xảy ra giữa bối cảnh Indonesia phải đương đầu với làn sóng ca Covid-19 lớn nhất tính tới thời điểm hiện tại.
"Các con số của chúng tôi là cao nhất thế giới", người đứng đầu Hiệp hội Nhi khoa Indonesia, bác sĩ Aman Bhakti Pulungan nói về số ca tử vong, "Vì sao chúng ta không trao cho con cái mình những điều tốt nhất?"
Số ca tử vong tăng cao ở trẻ em trùng hợp với thời điểm biến chủng Delta trở nên phổ biến và hoành hành khắp thế giới.
Tháng này, Indonesia, đất nước đông dân đứng thứ tư thế giới, đã vượt qua Ấn Độ và Brazil về số ca nhiễm mới mỗi ngày và trở thành tâm điểm của đại dịch. Theo thống kê của chính phủ Indonesia, hôm qua nước này ghi nhận gần 40.000 ca nhiễm mới và hơn 1.200 ca tử vong.
Dựa trên báo cáo từ các bác sĩ, trẻ em hiện chiếm 12,5% số ca dương tính với SARS-CoV-2 ở Indonesia, như vậy là tăng so với tháng trước. Bác sĩ Aman cho hay, hơn 150 trẻ em Indonesia đã tử vong do Covid-19 chỉ riêng trong tuần 12/7, phân nửa trong số ca tử vong gần đây rơi vào trẻ dưới 5 tuổi.
Tính từ khi đại dịch bùng phát, đã có hơn 800 trẻ em Indonesia dưới 18 tuổi tử vong do mắc Covid-19. Ảnh: Reuters
Tổng cộng, Indonesia đã ghi nhận hơn 3 triệu ca bệnh và 83.000 ca tử vong nhưng các chuyên gia y tế cho rằng con số thực tế cao gấp nhiều lần bởi năng lực xét nghiệm hạn chế. Tính từ khi đại dịch bùng phát, đã có hơn 800 trẻ em Indonesia dưới 18 tuổi tử vong do mắc Covid-19.
Hôm qua, 25/7, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã gia hạn một số quy định về tụ tập đông người và buôn bán cho tới 2/8 nhưng quyết định nới lỏng một số hạn chế như cho phép nối lại hoạt động của các chợ truyền thống theo nguyên tắc chặt chẽ.
Vốn lưỡng lự áp đặt phong tỏa - biện pháp khiến nền kinh tế bị chững lại, ông Joko cho biết ông sẽ bắt đầu nới lỏng các hạn chế nếu số ca nhiễm giảm.
"Với nỗ lực chung, chúng ta có thể sớm thoát khỏi Covid-19 và các hoạt động kinh tế xã hội của cộng đồng có thể trở lại bình thường", ông Joko nói.
"Cho đến tận thời điểm này, trẻ em vẫn là nạn nhân ẩn giấu của đại dịch", bác sĩ Yasir Arafat - cố vấn y tế cho Save the Children nhận định, "Giờ thì không còn như vậy nữa".
Nguyên nhân do đâu?
"Không chỉ có những nước như Indonesia mới thấy kỷ lục số trẻ tử vong vì nhiễm SARS-CoV-2", ông Yasir nói, "Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhìn thấy tình trạng tăng cao đáng báo động về số trẻ để lỡ tiêm chủng định kỳ và các dịch vụ dinh dưỡng vốn quan trọng cho sự sống còn".
Các chuyên gia y tế cho rằng có nhiều yếu tố dẫn tới số ca tử vong tăng cao ở trẻ. Một số có thể dễ bị nhiễm Covid-19 do mắc các hội chứng nền như suy dinh dưỡng, béo phì, tiểu đường và bệnh tim.
Ngoài ra, tỷ lệ tiêm chủng thấp cũng là một trong những nguyên nhân. Theo thống kê của ĐH Oxford, chỉ mới có 16% dân số Indonesia được tiêm 1 liều vaccine và 6% tiêm đủ liều. Giống nhiều quốc gia khác, Indonesia không tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ dưới 12 tuổi và chỉ gần đây mới bắt đầu chủng ngừa cho lứa tuổi từ 12-18.
Hiện nay nhiều bệnh viện ở Indonesia đã bị quá tải do làn sóng ca mới tăng cao, nhiều bệnh nhân phải đợi ở hành lang hoặc các khu lều đông đúc để chờ có giường bệnh. Chỉ một số ít bệnh viện được thiết lập khu chăm sóc cho trẻ mắc Covid-19.
"Nếu trẻ em bị bệnh, chúng ta sẽ đưa các cháu vào đâu?", bác sĩ Aman đặt câu hỏi, "Vào khu cấp cứu ư? Khu cấp cứu chật kín người lớn. Và có thể thấy trong mấy tuần qua, người ta phải chờ đợi ở phòng cấp cứu suốt vài ngày. Làm sao trẻ con trải qua chuyện đó được?"
Thậm chí ngay cả trẻ sơ sinh cũng gặp nhiều nguy cơ bởi truyền thống bạn bè, hàng xóm tới thăm nhà có trẻ mới chào đời, giám đốc tổ chức chăm sóc y tế Project HOPE - Edhie Rahmat nhận định,
"Trẻ sơ sinh ra viện trong trạng thái âm tính với Covid-19 nhưng rồi lại nhiễm bệnh và tử vong sau khi hàng xóm, họ hàng tới thăm", ông Edhie nói, "Điều đó thật đau lòng".
Bác sĩ Aman thì cho rằng tuyên truyền cho cộng đồng và khiến nhiều người tuân thủ các quy định phòng dịch chính là khởi đầu tốt để bảo vệ trẻ em.
"Tất cả là do người lớn thôi", ông nói, "Người lớn là đối tượng cứng đầu. Họ không chịu đeo khẩu trang. Họ đưa con mình tới những nơi đông đúc".
Doanh nghiệp và tiếp thị