MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tín hiệu khả quan cho ngân sách 2016

Trao đổi với phóng viên về tình hình ngân sách 5 tháng qua, ông Đào Xuân Tuế - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho rằng, có nhiều dấu hiệu khả quan nhưng vẫn còn nhiều khó khăn để đạt được kế hoạch cả năm.

Giảm thu – thấp chi

Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài chính, tổng thu cân đối NSNN thực hiện 5 tháng đầu năm 2016 đạt 396,2 nghìn tỷ đồng, bằng 39,1% dự toán, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2015. Đối chiếu với cùng kỳ, có thể thấy, đây là mức tăng thấp nhất so với hai năm gần đây vì 5 tháng đầu năm 2014 số thu NSNN bằng 45,8% dự toán, tăng 16,9%; còn 5 tháng đầu năm 2015 đạt 41,8% dự toán, tăng 7,9%.

Cụ thể hơn, thu nội địa cũng đang có tiến độ chậm, đạt 321,2 nghìn tỷ đồng, bằng 40,9% dự toán, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2015. Mức tăng trưởng này cũng được đánh giá là thấp hơn khoảng 5-9% so với hai năm trước. Số thu từ dầu thô có cải thiện so với tháng 4 do giá dầu thế giới tăng khoảng 10%. Thực hiện tháng 5-2016, thu từ dầu thô đạt 3,4 nghìn tỷ đồng, đưa luỹ kế 5 tháng xấp xỉ 15,9 nghìn tỷ đồng, bằng 29,2% dự toán. Thu từ hoạt động XNK đạt 58,7 nghìn tỷ đồng, bằng 34,1% dự toán, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2015; hoàn thuế GTGT theo chế độ 43,3 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán.

Để triệt để chống thất thu NSNN, trong 4 tháng đầu năm 2016, cơ quan Thuế các cấp thực hiện thanh tra, kiểm tra được 14.028 DN. Tổng số tiền thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 3.346 tỷ đồng, tăng 39,4% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó, đã nộp vào NSNN 1.223 tỷ đồng. Tổng cục Hải quan cũng đã chỉ đạo, đôn đốc các Cục Hải quan địa phương đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu và tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan; tăng cường kiểm tra xuất xứ hàng hóa (C/O) của những hàng hóa NK thuộc đối tượng được hưởng thuế suất ưu đãi theo các Hiệp định thương mại tự do.

Về chi NSNN, theo thống kê, tổng số chi 5 tháng đạt 466,3 nghìn tỷ đồng, bằng 36,6% dự toán, tăng 4,7% so cùng kỳ năm 2015. Trong đó: Chi đầu tư phát triển xấp xỉ 68 nghìn tỷ đồng, bằng 26,7% dự toán; chi trả nợ và viện trợ đạt 64,55 nghìn tỷ đồng, bằng 41,6% dự toán, đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản nợ đến hạn theo cam kết; chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính đạt 332 nghìn tỷ đồng, bằng 40,3% dự toán. Riêng về thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản, ước đến hết tháng 5-2015, vốn giải ngân cho các dự án là 67,1 nghìn tỷ đồng, đạt 26,6% dự toán, vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân ước đạt khoảng 21% kế hoạch, đều thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2015.

Bội chi NSNN 5 tháng ước đạt 70 nghìn tỷ đồng, bằng 27,6% dự toán năm.

Không ban hành chính sách tăng, giảm thu

Trao đổi với Báo Hải quan về tình hình ngân sách 5 tháng qua, ông Đào Xuân Tuế - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho rằng, có nhiều dấu hiệu khả quan nhưng vẫn còn nhiều khó khăn để đạt được kế hoạch cả năm.

Ông Tuế phân tích: Thu nội địa không gặp nhiều khó khăn do tăng trưởng kinh tế đang được duy trì ở mức độ lạc quan. Giá dầu đang nhích dần lên cũng phần nào bù đắp số thu nhưng khả năng vẫn hụt so với dự toán vì giá tăng lên vẫn chưa đạt bình quân của năm 2015. Số thu từ XNK được cho là khó đánh giá chính xác nhất vì chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như giá dầu, sự chuyển thị trường do cam kết tại các Hiệp định thương mại tự do.

Vừa qua, để chủ động hơn trong điều hành thu, Bộ Tài chính đã họp với các địa phương có nguồn thu điều tiết về ngân sách Trung ương để tính toán các giải pháp hợp lý. Có thể khẳng định, ngoài các nhiệm vụ tạo thuận lợi cho người dân và DN đã và đang được thực hiện, trước mắt các đơn vị cần triển khai mạnh mẽ, tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra thu hồi nợ đọng thuế, nhất là với những đối tượng có khả năng thu hồi cao; phấn đấu giảm nợ đọng xuống dưới 5% so với số thực thu.

Một vấn đề quan trọng nữa được đại diện Vụ Ngân sách Nhà nước nhấn mạnh là giải ngân nhanh vốn đầu tư, vốn trái phiếu Chính phủ để kích thích tăng trưởng kinh tế, kích thích các hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó sẽ thu được thuế, đảm bảo được nguồn thu tốt hơn. Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ hướng tới đảm bảo chủ động điều hành NSNN. Kết quả cuối cùng vẫn phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng kinh tế và một số yếu tố khác. Nếu người dân, DN chấp hành pháp luật tốt, chỉ số tăng trưởng đạt chỉ tiêu đặt ra, lạm phát giữ được trong mức độ cho phép, chính sách tiền tệ ổn định và hài hòa với chính sách tài khóa, không có trường hợp đột xuất về lãi suất hay thị trường giá cả thì tình hình thu NSNN nói chung sẽ tốt, đặc biệt là nguồn thu từ kinh tế trong nước.

Trả lời câu hỏi liệu có phải điều chỉnh các chính sách thu để đảm bảo cân đối ngân sách 2016, ông Đào Xuân Tuế khẳng định: Muốn thay đổi các chính sách thu ngân sách Nhà nước phải tuân theo quy định của pháp luật hiện hành chứ không phải theo biến động thực tế. "Nói muốn làm gì thì làm để đảm bảo ngân sách là không đúng. Chúng ta phải làm theo luật lệ, đó là nguyên tắc. Nguyên tắc trong cân đối ngân sách Nhà nước đã được Luật Ngân sách Nhà nước quy định là Quốc hội quyết định dự toán và Chính phủ giao. Việc nghiên cứu và đưa ra các chính sách thu phải được tính toán về lâu dài, tránh tác động đến nhiều mặt của kinh tế - xã hội. Đứng ở giác độ ngân sách, sẽ không đưa ra các chính sách tăng hay giảm thu vào lúc này” – ông Tuế nói.

Để bổ trợ cho các giải pháp thu, công tác chi NSNN cũng sẽ được điều hành một cách chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo cân đối ngân sách, giữ bội chi trong phạm vi Quốc hội đã thông qua.

Theo Hồng Vân

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên