Tín hiệu tích cực từ dệt may Bình Dương
Doanh nghiệp dệt may Bình Dương tìm cách vượt qua khó khăn.
Đối diện với khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương đã chủ động, linh hoạt tìm cách thích ứng tạo ra việc làm và thu nhập cho người lao động.
- 16-02-2023Để thu nhập bình quân (PPP) tăng gấp đôi lên 10.000 USD, Thái Lan cần 14 năm, Indonesia cần 13 năm, Việt Nam cần mấy năm?
- 14-02-2023Đối tác thương mại duy nhất của Việt Nam có kim ngạch xuất nhập khẩu trên 10 tỷ USD trong tháng 1/2023
- 13-02-2023Một thành phố trực thuộc TW đặt mục tiêu GRDP bình quân trên 29.000 USD
Ông Đào Văn Vỹ - Tổng Giám đốc Công ty CP May mặc Hải Biên (TP Thuận An) cho biết, là công ty hoạt động chuyên ngành trong lĩnh vực thiết kế và may đo quần áo như đồng phục thời trang trẻ em, thời trang nam - nữ; suốt 2 năm nay công ty gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhiều đơn hàng bị đình trệ. Tuy nhiên, nỗ lực vượt khó khăn nên từ đầu năm 2023 đến nay công ty đã ký được nhiều đơn hàng, trong đó có 2 đơn hàng lớn từ Nhật Bản và Đức. Từ đó đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 3.000 lao động, số công nhân nghỉ việc chỉ chiếm 2%.
Còn theo báo cáo của Công ty cổ phần May mặc Bình Dương (BDG), quý IV/2022, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 500 tỷ đồng và lãi gộp xấp xỉ 100 tỷ đồng, tăng tương ứng 58% và 107%. Kết quả, doanh nghiệp (DN) báo lãi sau thuế 86 tỷ đồng trong quý IV/2022, cao gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế cả năm qua, BDG doanh thu thuần gần 1.900 tỷ đồng và lãi sau thuế 216 tỷ đồng, tăng tương ứng 65% và 230% so với cùng kỳ.
Lãnh đạo BDG đánh giá, kết quả trên là tín hiệu khởi sắc không chỉ cho công ty nói riêng mà là toàn ngành dệt may của tỉnh Bình Dương nói chung.
Tuy nhiên, bên cạnh những DN hoạt động hiệu quả, tại Bình Dương vẫn còn không ít DN đang gặp khó khăn. Theo Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương, hiện chỉ có 72% DN có đơn hàng đến hết quý I/2023, số còn lại đang cạn dần, một số DN chỉ sản xuất cầm chừng hoặc cắt giảm công suất.
Bà Phan Lê Diễm Trang - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương cho biết, Hiệp hội đang nỗ lực tìm mọi cách thức nhằm hỗ trợ thêm DN về đơn hàng. “Đối với các DN, họ cũng tận dùng thời gian này để cơ cấu lại sản xuất theo hướng nâng cao chuỗi giá trị, mở rộng thị trường xuất khẩu” - bà Trang thông tin.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương, Sở đang xúc tiến tìm thêm các nguồn từ thị trường như Ấn Độ, EU, Trung Quốc, Trung Đông... để tăng đơn hàng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, xuất khẩu của DN, tạo việc làm cho người lao động. Trong khi đó, Công đoàn ngành Dệt may Bình Dương còn giúp Công đoàn cơ sở thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động. Đến nay, có hơn 60 DN đã ký kết thoả ước với các điều khoản có lợi cho người lao động. Đồng thời, Công đoàn đang phối hợp thực hiện chương trình "Phúc lợi công đoàn" với các đơn vị lớn, DN nhằm cung cấp dịch vụ, sản phẩm ưu đãi giảm 10%-50% cho đoàn viên, người lao động.
Không chỉ Bình Dương, khi thị trường xuất khẩu khó khăn, nhiều DN dệt may trong nước cũng đang nỗ lực đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa. Theo chuyên gia kinh tế, thị trường trong nước với 100 triệu dân đang là “miếng bánh ngon” nên DN dệt may cần phải nhanh chóng nắm bắt.
Báo cáo chiến lược triển vọng thị trường Việt Nam của Công ty TNHH Chứng khoán Á Châu (ACBS) ngày 16/2 cho hay, thị trường dệt may Việt Nam sẽ gặp những tiêu cực trong ngắn hạn, tuy nhiên vẫn có những tín hiệu tích cực đối với thị trường này trong năm 2023.
Thị trường nội địa rất tiềm năng, tuy nhiên thời gian qua nhiều nhãn hàng thời trang lớn của thế giới, từ hàng trung bình đến cao cấp như Chanel, Mango, Zara, H&M, Uniqlo …đã có mặt, khiến sự cạnh tranh giữa DN nội và ngoại ngày càng khốc liệt, vì vậy đòi hỏi các DN phải có các hướng đi riêng để lấy lại vị thế.
Đại đoàn kết