Tín hiệu tích cực từ xuất khẩu, lợi nhuận doanh nghiệp thủy sản có thể tiếp tục khả quan quý II
Xuất khẩu thủy sản đạt trên 1 tỷ USD trong 2 tháng liên tiếp 4 và 5 đưa kim ngạch xuất khẩu lũy kế 5 tháng lên 4,6 tỷ USD.
Xuất khẩu thủy sản đạt trên 1 tỷ USD 2 tháng liên tiếp
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), xuất khẩu thủy sản sau khi lập kỷ lục vào tháng 4 với 1,1 tỷ USD thì có sự chững lại trong tháng 5 nhưng vẫn chạm mốc 1 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu tôm đạt 416 triệu USD, tăng 19%; cá tra đạt 245 triệu USD, tăng 65%.
Lũy kế 5 tháng, xuất khẩu thủy sản đạt 4,6 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tôm đạt kim ngạch xuất khẩu 1,8 tỷ USD, tăng 38%; cá tra đạt 1,2 tỷ USD, tăng 90%.
Đơn vị: 1.000 USD
Báo cáo của VASEP cho biết, xuất khẩu tôm 4 tháng đầu năm đột phá nhờ nguồn nguyên liệu dự trữ và tồn kho từ năm 2021, nhiều doanh nghiệp ký được hợp đồng từ cuối năm trước với mức giá cao trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, lạm phát… Song, từ tháng đầu tháng 5, thời tiết có chiều hướng bất lợi với nuôi tôm, mưa đầu mua sớm hơn mọi năm ảnh hưởng sản lượng tôm. Đồng thời, nhu cầu tôm của một số thị trường nhập khẩu chính có xu hướng chững lại sau khi tăng mạnh từ cuối năm tới nay. Do vậy, VASEP dự báo xuất khẩu tôm quý II vẫn tăng trưởng nhưng chậm lại so với quý I.
Với cá tra, lạm phát giá thực phẩm và thủy sản cao kỷ lục trên thế giới là lợi thế cho mặt hàng cá tra xuất khẩu của Việt Nam, sản lượng bán qua các thị trường tăng mạnh, đặc biệt là Mỹ, EU và Trung Quốc.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết giá xuất khẩu thủy sản được dự báo tiếp tục tăng trong nửa cuối năm. Nhu cầu thị trường vẫn lớn, đặc biệt sau khi các doanh nghiệp trở lại với các hoạt động và sự kiện xúc tiến thương mại như Hội chợ Thuỷ sản tại Bắc Mỹ tháng 3 và Hội chợ Thuỷ sản tại Tây Ban Nha tháng 4. Theo đó, xuất khẩu thủy sản có thể đạt 9,5-10 tỷ USD năm nay, tăng 6-12% so với năm trước.
Lợi nhuận doanh nghiệp thủy sản có thể tiếp tục tăng trưởng quý II
Trong bối cảnh khả quan của ngành, nhiều doanh nghiệp thủy sản công bố kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trong tháng 4 cũng như dự báo quý II tăng trưởng.
Ông Phạm Hoàng Việt, Tổng giám đốc Thực phẩm Sao Ta (Fimex, HoSE: FMC ) – đơn vị thành viên Tập đoàn PAN ( HoSE: FMC ) cho biết hoạt động chế biến xuất khẩu và nuôi tôm đều diễn ra thuận lợi với nhiều tín hiệu tốt, khả năng quý II doanh nghiệp sẽ vượt lợi nhuận ít nhất 20% so với cùng kỳ năm trước. Đây là nền tảng vững chắc cho Sao Ta hoàn thành toàn diện kế hoạch năm.
Quý II/2021, doanh nghiệp tôm ghi nhận 1.165 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt 81 và 82 tỷ đồng. Như vậy, ước quý II lợi nhuận hơn 98 tỷ đồng.
Năm nay, doanh nghiệp tôm đề ra mục tiêu doanh thu hợp nhất tăng 11% đạt 5.290 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ít nhất 320 tỷ đồng, tăng 10,7%. Riêng quý I, Sao Ta ghi nhận 1.328 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 37%; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 41 tỷ đồng, tăng 36,6% so với quý I/2021. Công ty lý giải lợi nhuận tăng nhờ doanh số tiêu thụ tăng, dự trữ nguyên liệu và ký hợp đồng có dự tính biến động giá cước tàu.
Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận Sao Ta quý I đến từ nhận nhiều đơn hàng từ Mỹ và công ty con Khang An ký thành công đơn hàng với Costco từ 2021.
Trong năm nay, 2 nhà máy mới đi vào hoạt động (nhá máy thủy sản Sao Ta/ dây chuyền sản xuất tôm của nhà máy Tam An) với công suất khoảng 25%/50% công suất thiết kế sẽ cung cấp thêm 3.805 tấn tôm thành phẩm cho công ty. Đồng thời, doanh nghiệp có kế hoạch tiếp tục mở rộng thêm 52 ha vùng nuôi năm nay và 48 ha vùng nuôi 2023. BVSC ước tính việc mở rộng 52 ha trong năm sẽ giúp doanh nghiệp có thêm khoảng 1.700-2.000 tấn tôm nguyên liệu từ ao nhà.
Việc mở rộng vùng nuôi sẽ đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào cho 2 nhà máy mới và định hướng tập trung sản xuất mặt hàng tôm giá trị gia tăng, thị trường nhắm đến của Sao Ta vẫn là Mỹ, EU và Nhật Bản.
Vĩnh Hoàn ( HoSE: VHC ) công bố doanh thu tháng 4 (đã bao gồm Sa Giang) đạt 1.651 tỷ đồng, tăng 98% so với cùng kỳ năm trước và tăng 20% so với tháng trước. Động lực đến từ thị trường Mỹ, giá trị xuất khẩu đạt 983 tỷ đồng, tăng 240% so với cùng kỳ và 51% so với tháng trước.
Doanh thu riêng tháng 4 năm nay đã tương đương với gần 70% doanh thu quý II/2021. Lũy kế 4 tháng, doanh nghiệp cá tra ghi nhận tổng doanh thu 4.924 tỷ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ 2021.
Tương tự, Thủy sản Nam Việt ( HoSE: ANV ) thông báo doanh thu tháng 4 đạt 433 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 116 tỷ đồng; lần lượt tăng 6% và 68% so với bình quân tháng trong quý I. Biên lợi nhuận gộp đạt mức 37,9%, cải thiện so với mức 29,4% của quý I.
Lợi nhuận riêng tháng 4 gấp gần 5 lần mức thấp 23,7 tỷ đồng ghi nhận trong cả quý II/2021. Lũy kế 4 tháng, doanh thu 1.644 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 323 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt 32%. Với kết quả này, doanh nghiệp đã hoàn thành 45% kế hoạch lợi nhuận năm.
NDH