MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tín hiệu tích cực xử lý nợ xấu

05-10-2017 - 07:35 AM | Tài chính - ngân hàng

Việc Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vừa mạnh tay mua đứt cả chục ngàn tỉ đồng nợ xấu đã tạo được sự lạc quan trong xử lý nợ xấu vốn ì ạch lâu nay.

Khi bán đứt được nợ xấu, các ngân hàng (NH) thu hồi được vốn, giảm thiểu chi phí hoạt động, góp phần ổn định lãi suất.

Ngân hàng sớm thu hồi vốn

Động thái mới nhất là Sacombank vừa ký hợp đồng bán 2.850 tỉ đồng nợ xấu từ 3 khoản nợ của 3 doanh nghiệp (DN) cho VAMC. Các khoản nợ này đều có tài sản thế chấp là bất động sản, máy móc thiết bị có giá trị tại Đà Nẵng và TP HCM. Theo đó, 2 khoản nợ của nhóm Công ty Hoàn Cầu (bao gồm Công ty CP Hoàn Cầu Khánh Hòa và Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang) có giá trị hơn 2.577 tỉ đồng, trong đó nợ gốc là 2.400 tỉ đồng, lãi phát sinh và phí hơn 177 tỉ đồng.

Đây là giá trị khoản vay (số tiền cho vay cộng với lãi và phí phát sinh) mà hơn 7 năm trước nhóm Công ty Hoàn Cầu đã vay tại Sacombank với tài sản thế chấp là 8 lô đất có tổng diện tích hơn 51.000 m2 tọa lạc phường Tân Thuận Tây và phường Bình Thuận (quận 7, TP HCM). Lúc đó, Sacombank định giá các tài sản thế chấp này là 2.418 tỉ đồng.


Dự án cao ốc Sài Gòn M&C vừa bị VAMC thu giữ, bán đấu giá để thu hồi nợ xấu Ảnh: Tấn Thạnh

Dự án cao ốc Sài Gòn M&C vừa bị VAMC thu giữ, bán đấu giá để thu hồi nợ xấu Ảnh: Tấn Thạnh

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank, nhìn nhận điểm khác biệt của việc bán nợ cho VAMC lần này là các NH nhanh chóng thu hồi vốn, tăng thêm năng lực tài chính. Còn VAMC có lãi mới quyết định mua nợ. "Việc VAMC mua nợ theo giá thị trường và hỗ trợ xử lý nợ xấu sẽ giúp các NH cơ bản giải quyết mục tiêu giảm tỉ lệ nợ xấu. Riêng Sacombank phấn đấu từ nay đến cuối năm giảm 15.000-20.000 tỉ đồng nợ xấu, rà soát các khoản nợ để tiếp tục bán đứt cho VAMC 1.000 tỉ đồng. Có lẽ, vì thế 2017 được xem là năm bản lề xử lý nợ xấu, tạo tiền đề cho Sacombank và các NH khác giảm nhanh tỉ lệ nợ xấu" - ông Minh nói .

Trong khi đó, ông Võ Văn Châu, Tổng Giám đốc NH TMCP Kiên Long (Kielongbank), cho biết ngân hàng này đang rà soát phân loại nhiều khoản nợ xấu, trong đó sẽ bán đứt cho VAMC phần không nhỏ.

Nhiều NH cho rằng trước mắt, với các khoản nợ xấu mua đứt, VAMC đều thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt bởi số vốn của tổ chức này hiện chỉ có 2.000 tỉ đồng. Như thế, VAMC đã gián tiếp thanh toán tiền mua nợ xấu thông qua trái phiếu đặc biệt và đến một lúc nào đó, tổ chức này bán được tài sản thế chấp sẽ thanh toán bằng tiền "tươi" và NH trả lại trái phiếu đặc biệt cho VAMC.

Cách đây 1 tháng, VAMC cũng ký hợp đồng mua nợ với 2 NH đối với khoản nợ của Công ty Sài Gòn One Tower, Công ty Liên Phát, Công ty Minh Quân, Công ty Superdeck M&C với tổng dư nợ (gốc và lãi) trên 7.000 tỉ đồng. Đồng thời, VAMC cho biết đang thành lập hội đồng thẩm định giá, xác định giá khởi điểm để tiến hành bán đấu giá công khai dự án này trong thời gian tới. Riêng 8 lô đất là tài sản thế chấp của nhóm Công ty Hoàn Cầu, VAMC đã thông báo tìm kiếm đơn vị thẩm định giá để chuẩn bị tổ chức đấu giá các tài sản này.

Hình thành thị trường giao dịch

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, nhận định nhiều năm qua, các NH thương mại đã hết sức nỗ lực nhưng việc xử lý nợ xấu vẫn hết sức gian nan vì có quá nhiều vướng mắc về thủ tục khi xử lý thông qua tòa án. Thậm chí, nhiều khoản nợ kéo dài 20 năm vẫn chưa giải quyết xong, như các khoản nợ liên quan đến vụ án Epco - Minh Phụng. Mặt khác, do việc bán nợ xấu cho VAMC dưới dạng sổ sách, mỗi năm NH vẫn phải dùng lợi nhuận để trích lập 10%-20% phòng trừ rủi ro nên việc xử lý nợ xấu chưa ổn.

Tuy nhiên, gần đây, Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 15-8, cho phép VAMC mua đứt nợ xấu theo giá thị trường. Khi đó, VAMC trở thành chủ nợ, tiếp tục thỏa thuận với con nợ về các điều kiện xử lý tài sản, tìm kiếm đối tác mua tài sản thông qua hình thức đấu giá. Từ đó, nợ xấu bắt đầu được xử lý theo hướng thuận mua vừa bán. Đặc biệt, Nghị quyết 42 quy định việc bán tài sản thế chấp phải thực hiện bằng hình thức đấu giá công khai, không hạn chế tổ chức, cá nhân tham gia... đang từng bước hình thành thị trường mua - bán nợ.

Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐTV VAMC, cho biết Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có chỉ thị giao cho VAMC nhiệm vụ đặc thù chuyên trách xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42. Do đó, trước mắt, VAMC sẽ phối hợp hỗ trợ tối đa với 6 NH (ACB, Sacombank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank) vừa được NH Nhà nước chọn lựa thí điểm triển khai Nghị quyết 42 để xử lý nhanh nợ xấu của hệ thống NH .

"Năm 2018, VAMC sẽ tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỉ đồng lên 5.000 tỉ đống và đến năm 2010 tăng lên 10.000 tỉ đồng. Tuy số vốn này không lớn so với 10 tỉ USD nợ xấu mà VAMC đang quản lý nhưng với nguồn lực này cùng với chức năng nhiệm vụ được giao là thực hiện Nghị quyết 42, sự hỗ trợ của các bộ ngành, chính quyền các đại phương sẽ làm cho việc xử lý nợ xấu chuyển biến tích cực" - ông Đông kỳ vọng.

Đẩy nhanh việc xử lý

Lãnh đạo nhiều NH đánh giá với tư cách chủ nợ và trên cơ sở Nghị quyết 42, VAMC có thể đề xuất các cơ quan quản lý tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý, định giá tài sản thế chấp, trình tự thủ tục hành chính… khi khởi kiện con nợ thông qua tòa án, từ đó có thể giải quyết nhiều nút thắc nợ xấu, đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ, sớm thu hồi vốn, tăng năng lực tài chính cho hệ thống NH.

Theo giới phân tích, sau khi bán đứt nợ xấu cho VAMC bằng trái phiếu đặc biệt, NH gần như đã thu hồi được vốn vì trái phiếu đặc biệt có thể chuyển hóa thành tiền bất cứ lúc nào.

Giả sử, VAMC mua đứt khoản nợ 100 tỉ đồng bằng trái phiếu đặc biệt từ một NH thì NH đó không còn dùng lợi nhuận để trích lập dự phòng 10-20 tỉ đồng/năm, bởi khoản nợ xấu đã được đã hạch toán. Mặt khác, trong thời gian chờ VAMC bán được tài sản thế chấp, NH có thể thế chấp 100 tỉ đồng trái phiếu đặc biệt cho NH nhà nước để vay tiền, giảm áp lực huy động vốn từ dân cư, chi phí hoạt động… Nhờ vậy, tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất, đồng thời có điều kiện tăng trưởng tín dụng từ 18%-20% lên 20%-22% theo yêu cầu của Chính phủ.

VAMC sẵn sàng bán đấu giá tài sản

Ngày 2-10, VAMC cho biết đã hoàn tất các công việc chuẩn bị cho việc tự bán đấu giá tài sản. Theo đó, tổ chức này đã ban hành quy chế bán đấu giá tài sản và quy chế hoạt động của hội đồng đấu giá tài sản, trang bị đầy đủ các thiết bị cần thiết cho việc bán đấu giá và chuẩn bị hội trường để thực hiện việc tự bán đấu giá tại tầng 6 (trụ sở VAMC) - số 22 Hàng Vôi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngoài ra, VAMC còn tổ chức 2 phiên đấu giá thử, trong đó 1 phiên đấu giá tài sản theo hình thức bỏ phiếu trực tiếp và 1 phiên đấu giá trực tiếp bằng lời nói. Qua đó, VAMC có thể khẳng định các đấu giá viên hoàn toàn có khả năng và tự tin thực hiện nhiệm vụ điều hành các phiên đấu giá. Như thế, VAMC đã sẵn sàng thực hiện việc bán đấu giá tài sản thế chấp của các khoản nợ đã mua từ các NH.

Theo Thy Thơ

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên