Tính “chơi chứng khoán” hết mình nhưng lại để chứng khoán “chơi” hết hồn, tôi nhận ra nếu “chơi” sẽ 5 ăn, 5 thua, còn đầu tư là một câu chuyện khác
Có thời điểm những người “chơi” chứng khoán nói đùa với nhau rằng, nhắm mắt đi lệnh cũng có lãi, và tôi đã từng trải qua giai đoạn như vậy, trước khi phải chứng kiến tài khoản “bốc hơi” dần từ lãi đến vốn.
Là thế hệ F0 trên thị trường chứng khoán vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, khi thị trường đang trên đà bùng nổ, tôi mua chứng khoán trong một tâm thế rất thoải mái: mở tài khoản, tham gia một vài hội nhóm, nghe nói về cổ phiếu này, cổ phiếu kia sắp có sóng tăng, mua và có lãi.
Rào cản gia nhập thị trường chứng khoán gần như không có, từ việc mở tài khoản, đến số tiền cần nạp vào và việc mua – bán, đi lệnh. Với số tiền tiết kiệm được không quá nhiều - vài trăm triệu ở thời điểm đầu năm 2021, tôi mở một tài khoản chứng khoán và tự tìm hiểu về cách mua bán. Thời điểm mua gì cũng lãi, chỉ có cổ phiếu lãi nhiều, cổ phiếu lãi ít hoặc sắp lãi, đi ăn trưa, đi cà phê tôi đều nghe thấy người ta bàn tán về việc "chơi" chứng khoán. Những tiếc nuối của thời điểm đó là, tiếc không giữ lâu hơn mà đã vội vàng chốt lời khi cổ phiếu tăng bằng lần nhưng mình chỉ lãi được 10%, vài chục % hay định mua cổ này nhưng lại không mua và chọn cổ phiếu khác tăng ít hơn….Từ người chơi mới, chưa từng có ý niệm vay margin để mua cổ phiếu nhưng khi thấy những cổ phiếu mình mua, chỉ vài phiên đã lãi nhiều hơn lãi vay margin của một năm, tôi cũng rón rén thử vay một khoản margin nhỏ để có cơ hội gia tăng lợi nhuận.
Ngày nào, giờ nào hầu như tôi cũng vào app chứng khoán để xem tài sản biến động ra sao, vui mừng chốt lãi lại trích một khoản lãi để mua sắm một vài món đồ mình thích, số tiền còn lại tiếp tục tái đầu tư. Thật ra đến khi càng có lãi từ chứng khoán, tôi lại càng trở nên tằn tiện hơn trong chi tiêu, khi quy đổi khoản tiêu sản đó sang tài sản là cổ phiếu và nghĩ nhỡ đâu đến lúc cổ phiếu tăng mấy chục phần trăm, đến tăng bằng lần, sẽ rất tiếc xót nếu như hạ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.
Tôi tích cóp toàn bộ số tiền mình có được ở tuổi 28 để mua cổ phiếu, nhưng không hiểu lý do vì sao mình chọn mua những cổ phiếu này, đơn giản chỉ vì theo dõi một số KOLs trên Facebook, họ khuyến nghị cổ phiếu và tôi thấy cổ phiếu đó tăng thật, một số hội nhóm trên Zalo cũng khuyến nghị và đúng như khuyến nghị, cổ phiếu đều tăng.
Vậy nhưng, khi tôi say sưa nhất, số tiền margin trong tài khoản tăng lên, số mã cổ phiếu trên 10 mã, vì không muốn để nhỡ bất kể con sóng nào, nên gần như ngành nào cũng có cổ phiếu đại diện ngành, thậm chí có những mã trong cùng một ngành, thì cũng là lúc thị trường chứng khoán trở nên khó khăn hơn. Thị trường sụt giảm và tài khoản của tôi thậm chí còn "bốc hơi" nhanh hơn tốc độ giảm của VN-Index khiến tôi không kịp xoay xở. Tôi bán dần những cổ phiếu có lãi để bảo vệ thành quả, giữ lại những cổ phiếu thua lỗ vì lo sợ bán đi mất tiền, nhưng rồi những cổ phiếu đó lại giảm tiếp, có những cổ phiếu khiến tôi gần như mất sạch vốn.
Tôi nhận ra rằng, cả quãng thời gian dài đó, tôi đã "chơi" chứng khoán, mua bán dựa trên cảm xúc, tin đồn, theo đám đông, không từng có sự phân tích, không từng đặt câu hỏi vì sao mua cổ phiếu này mà không phải cổ phiếu kia, chưa từng đi đại hội cổ đông của bất kỳ doanh nghiệp nào, đọc báo cáo tài chính, báo cáo thường niên của doanh nghiệp… Tôi cũng không hề có kỷ luật giao dịch ra sao, ngoài việc biết mua, biết bán, thấy lãi thì vui, thấy lỗ thì buồn. Với tâm lý "chơi" chứng khoán, lợi nhuận kiếm được chẳng được bao nhiêu, nhưng khi mất tiền lại là số tiền rất lớn với tôi.
Tôi đi qua mùa hoa đẹp nhất của thị trường chứng khoán mà không thu được gì, thậm chí phải trả học phí cho quãng thời gian đấy. Một vài người đồng nghiệp tôi biết cùng mua chứng khoán với tôi, có người rút ra kịp để mua nhà, mua xe, có người cũng như tôi, mất mát đến mức không muốn mở tài khoản của mình ra để xem lại.
Thất bại như vậy, nhưng tôi đã gắng gượng và bắt đầu việc học, tìm hiểu chứng khoán là một kênh đầu tư. Thay vì thời gian ngồi hóng các diễn đàn, đội nhóm phím cổ phiếu, tôi tìm đọc báo cáo của các công ty chứng khoán về các ngành, báo cáo doanh nghiệp, lại tiếp tục tìm đọc báo cáo tài chính doanh nghiệp, các bài báo viết về doanh nghiệp… Tôi hạn chế việc mua, bán liên tục và lên danh sách theo dõi cho 2-3 cổ phiếu. Coi chứng khoán là một kênh đầu tư, với kỳ vọng lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm, tôi tìm kiếm những cổ phiếu tăng trưởng ổn định, chi trả cổ tức đều đặn. Dù vẫn còn nhiều thiếu sót, nhưng việc đầu tư một cách nghiêm túc, có trách nhiệm, có kiến thức, thay vì "chơi" chứng khoán một cách mạo hiểm, thiếu kiểm soát đang dần mang về cho tôi "trái ngọt" và ngày "về bờ" không còn bao xa.