Tỉnh có ngành sản xuất ô tô, xe máy phát triển hàng đầu cả nước lọt top 5 về năng lực cạnh tranh
Theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID tại Việt Nam công bố, Vĩnh Phúc từ vị trí 29 vọt lên top 5 với 69,69 điểm.
- 15-07-2022Một doanh nghiệp năng lượng Việt Nam đầu tư hơn 173 triệu USD sang Mỹ, Canada, Đức, Pháp, Hà Lan
- 15-07-2022Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp mới nhất
- 15-07-2022Xếp hạng tăng trưởng GDP trung bình các nước từ năm 1990 đến nay: Việt Nam đứng thứ mấy?
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Theo Báo cáo PCI 2021, Vĩnh Phúc xếp thứ 5/63 tỉnh, thành cả nước với 69,69 điểm, tăng gần 6 điểm và 24 bậc thứ hạng so với năm 2020.
Từ năm 2006 đến nay, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Vĩnh Phúc có khá nhiều biến động.
Từ năm 2006 - 2009, Vĩnh Phúc luôn duy trì trong top 10 các tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cao nhất trên cả nước. Trong đó, năm 2008 là năm địa phương xếp hạng cao nhất, ở hạng 3 với 69,37 điểm.
Nguồn: PCI
Tuy nhiên, từ năm 2010 - 2013, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh sụt giảm. Đặc biệt, năm 2012, xếp hạng PCI của Vĩnh Phúc tụt xuống hạng 43 với 55,15 điểm. Đây cũng là năm tỉnh có xếp hạng và điểm PCI thấp nhất trong 16 năm trở lại đây.
Từ năm 2013 trở đi, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Vĩnh Phúc có dấu hiệu bật tăng trở lại. Năm 2015, Vĩnh Phúc nhảy bật lên hạng 4/63 tỉnh, thành cả nước với 62,56 điểm. 5 năm sau đó tuy PCI của địa phương có nhiều biến động nhưng đến năm 2021, Vĩnh Phúc đã quay trở lại top 5 trên bảng xếp hạng PCI.
Kết quả chi tiết 10 chỉ số thành phố PCI của Vĩnh Phúc từ 2017 - 2021. Nguồn: PCI
Trong 10 chỉ số thành phần, chỉ có 3 chỉ số thành phần giảm điểm và 7 chỉ số tăng điểm. Trong đó, chỉ số chi phí không chính thức tăng nhiều nhất với 8,05 điểm, tăng 1,8 điểm so với năm 2020 và xếp thứ 3 trên cả nước.
Từ năm 2020, chính quyền tỉnh đã đề ra mục tiêu “3 tốt” gồm: Môi trường pháp lý tốt và toàn diện, hạ tầng kỹ thuật tốt, và phục vụ doanh nghiệp tốt.14 Trong đó, công tác cải cách thủ tục hành chính được coi là nhiệm vụ trọng tâm, được triển khai quyết liệt theo hướng giảm thiểu thời gian và đơn giản về thủ tục. Chẳng hạn, tỉnh cam kết cắt giảm thời gian kiểm tra trước hoàn thuế giá trị gia tăng tại trụ sở người nộp thuế xuống còn 40 ngày làm việc và cắt giảm thủ tục hành chính để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước xuống dưới 115 giờ/năm.
Chương trình “Cà phê doanh nhân” tỉnh triển khai góp phần tháo gỡ khó khăn cho 1.794 lượt doanh nghiệp về nhiều vấn đề như giải phóng mặt bằng, hoạt động vận tải – giao nhận, thủ tục xuất nhập khẩu và các vấn đề liên kết chuỗi giá trị.
Trong năm 2021, các cơ quan chức năng của UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện 8 cuộc khảo sát lớn, trong đó có 5 cuộc khảo sát online để thu thập phản hồi về những khó khăn của doanh nghiệp trong lưu thông hàng hóa, tiếp cận tín dụng, lao động, và tìm kiếm giải pháp chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn COVID-19 bùng phát.
Những nỗ lực này đã giúp Vĩnh Phúc cải thiện điểm số và thứ hạng ở một loạt chỉ số thành phần như Chi phí thời gian (xếp thứ 3 cả nước), Chi phí không chính thức (xếp thứ 3), Cạnh tranh bình đẳng và Tiếp cận đất đai (cùng đứng vị trí thứ 7).
Cụ thể hơn, kết quả PCI 2021 ghi nhận 93,9% doanh nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá cán bộ giải quyết thủ tục hành chính làm việc hiệu quả (cao thứ 6 toàn quốc); 93,2% doanh nghiệp cũng đánh giá các cán bộ này có thái độ thân thiện (cao thứ 2 cả nước); và 89,5% doanh nghiệp đồng ý rằng nhìn chung thời gian thực hiện các thủ tục hành chính tại tỉnh ngắn hơn so với quy định (thành tích tốt thứ 3 cả nước).