MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỉnh có nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á

Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh này định hướng trở thành một cực phát triển quan trọng của vùng Tây Bắc; nền tảng kinh tế có đủ sức cạnh tranh với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Tỉnh có nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á- Ảnh 1.

Công trình thủy điện tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc

Sở hữu nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, tỉnh Sơn La có vị trí quan trọng trong chiến lược xây dựng và phòng thủ đất nước. Sơn La là tỉnh miền núi với 12 dân tộc sinh sống, nằm ở trung tâm vùng Tây Bắc, giáp ranh các tỉnh Lai Châu và Yên Bái ở phía Bắc; phía Nam giáp tỉnh Thanh Hóa và nước CHDCND Lào; phía Đông giáp tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ; phía Tây giáp tỉnh Điện Biên. Đây là tỉnh có diện tích lớn thứ 3 cả nước và lớn nhất miền Bắc.

Là dự án trọng điểm của quốc gia, tọa lạc tại xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, nhà máy thủy điện Sơn La là công trình thủy điện có công suất lớn nhất Việt Nam và của Đông Nam Á. Nhà máy được khởi công xây dựng vào ngày 2/12/2005 và được khánh thành sau 7 năm xây dựng, ngày 23/12/2012, sớm hơn kế hoạch 3 năm.

Nằm ở bậc thang thứ 2 trong hệ thống bậc thang thủy điện trên thượng lưu sông Đà, nhà máy có công suất lắp đặt 2.400MW, gồm 6 tổ máy, mỗi tổ máy 400MW. Nhà máy cung cấp điện lên hệ thống điện quốc gia với sản lượng điện trung bình hàng năm là 10,246 tỷ kWh, cung cấp nguồn điện năng để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.

Quá trình xây dựng nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á có nhiều điểm nổi bật. Điển hình, để tích nước hồ chứa thủy điện Sơn La, 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu đã phải di chuyển hơn 20.000 hộ dân trong lòng hồ tới nơi tái định cư mới. Tại quyết định của Thủ tướng năm 2012 về việc tạm phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh, dự án có chi phí gần 60.200 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách gần 16.900 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm 30/6/2024, tổng sản lượng điện phát của Nhà máy thủy điện Sơn La là 107,396 tỷ kWh, đóng hơn 13.000 tỷ đồng ngân sách nhà nước.

Kinh tế tỉnh Sơn La ra sao?

Theo Cục Thống kê tỉnh, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt hơn 67.700 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 51,7 triệu đồng/người/năm. Về cơ cấu, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất, với 41,55%, theo sau là khu vực công nghiệp và xây dựng (chiếm 27,04%), khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 24,55%.

Tăng trưởng kinh tế Sơn La chưa thật sự bền vững, với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 theo giá so sánh ước đạt 34.506 tỷ đồng, tăng 0,75% so với cùng kỳ năm trước, không đạt kế hoạch tăng 7,5% đề ra. Xét về tốc độ tăng GRDP, Sơn La đứng thứ 12 vùng Trung du và miền núi phía Bắc và đúng thứ 58 cả nước, đây cũng là mức tăng thấp của tỉnh trong giai đoạn 2019-2023. Năm 2024, Sơn La hướng đến mục tiêu GRDP tăng trưởng từ 7,5%; GRDP đầu người đạt 55,5 triệu đồng.

Tỉnh có nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á- Ảnh 2.

Tốc độ tăng trưởng GRDP tính Sơn La (Nguồn: Cục thống kê tỉnh Sơn La)

Sáu tháng đầu năm 2024, GRDP ước tính theo giá so sánh đạt gần 14.650 tỷ đồng, tăng 0,67% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 14 vùng Trung du và miền núi phía Bắc và đứng thứ 62 cả nước về tăng trưởng (chỉ sếp trước Bà Rịa - Vũng Tàu tăng trưởng âm). Trong đó, tăng trưởng mạnh nhất đến từ khu vực dịch vụ (5,74%), khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng nhẹ (0,59%). Khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 6,36%, làm giảm 1,60 điểm phần trăm trong tăng trưởng GRDP.

Bối cảnh kinh tế của Sơn La chịu nhiều ảnh hưởng bởi thời tiết. Báo cáo của Cục Thống kê tỉnh cho biết, 6 tháng đầu năm 2024 địa bàn tỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn do thời tiết mưa ít, lưu lượng nước về các hồ thủy điện thấp và một số nhà máy thủy điện lớn thực hiện pháp điện theo kế hoạch của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc qua, dẫn đến ngành sản xuất điện giảm mạnh. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết cực đoan, nắng nóng kéo dài, lượng mưa ít, mưa đá, giông lốc… ảnh hưởng rất lớn đến ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Từ đầu năm đến đầu tháng 8/2024, Sơn La đã cấp mới chủ trương đầu tư cho 6 dự án, với vốn đăng ký gần 128 tỷ đồng, tăng 1,5 lần số dự án và 5 lần tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ; điều chỉnh tăng tổng vốn đầu tư của 1 dự án, với số vốn tăng thêm 80 tỷ đồng. Lũy kế, toàn tỉnh có 15 dự án đã lựa chọn được chủ đầu tư theo quy định của pháp luật.

Định hướng trở thành một cực phát triển quan trọng của vùng Tây Bắc

Theo Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030, Sơn La trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và công bằng. Địa bàn rộng nhất miền Bắc phấn đấu trở thành một trong những tỉnh phát triển Khá của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, là trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc; trọng điểm du lịch của vùng biên giới Việt Nam – Lào và vùng Trung du miền núi phía Bắc; trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng Trung du miền núi phía Bắc.

Tỉnh phấn đấu kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng, cả nước, khu vực quốc tế thuộc tiểu vùng Mê Kông, các nước láng giềng và ASEAN.

Quy hoạch chỉ ra, tầm nhìn đến năm 2050, Sơn La là một cực phát triển quan trọng của vùng Tây Bắc; có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ và hiện đại; nền tảng kinh tế có đủ sức cạnh tranh với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 2021-2030 định hướng đạt trên 8%. GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 60 triệu đồng/người, đến năm 2030 đạt khoảng 100-120 triệu đồng/người. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến năm 2025 đạt trên 6.250 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt trên 8.00 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2021-2025 đạt trên 120.000 tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 đạt trên 150.000 tỷ đồng. Tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh tính đến năm 2025 mục tiêu đạt  khoảng 20,6% bà đến năm 2030 đạt khoảng 25,8%.

Nguyệt Lượng

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên