Thu nhập bình quân cao nhất, điểm cơ sở hạ tầng tốt nhất cả nước, Bình Dương giàu đẹp ra sao?
Sau 25 năm tái lập tỉnh, Bình Dương hiện đang là “thủ phủ công nghiệp miền Nam” cũng như có thu nhập bình quân đầu người thuộc top đầu cả nước.
- 13-12-2022Thiếu vốn, doanh nghiệp đề nghị thống đốc Ngân hàng Nhà nước 'thấu hiểu'
- 13-12-2022Hải Phòng: Các doanh nghiệp nợ hơn 803 tỷ đồng tiền bảo hiểm
- 13-12-2022WTO xếp Việt Nam vào nhóm 30 nền kinh tế xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới
Bình Dương là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, phía Nam giáp TP. HCM, có diện tích 2.694 km2, dân số 2,4 triệu người (số liệu năm 2019). Ngày 1/1/1997, Bình Dương được tái lập sau khi tách khỏi tỉnh Sông Bé. Nơi đây được Trung ương xác định là một trong những tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Nền kinh tế của Bình Dương luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm liên tục. Trong giai đoạn từ 1997 đến 2021, GRDP tăng từ 3.919 tỷ đồng lên 408.800 tỷ đồng, tăng gấp 104 lần. Với kết quả này, Bình Dương có quy mô kinh tế đứng thứ ba cả nước, chỉ sau hai thành phố lớn là TP. HCM và Hà Nội.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng 75 lần, từ 817 tỷ đồng lên 61.200 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người tăng 26 lần từ 5,8 triệu đồng/năm lên 152,25 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 của tỉnh cao nhất cả nước, đạt 7,12 triệu đồng/người/tháng, cao hơn TP. HCM (6,008 triệu đồng) và Hà Nội (6 triệu đồng).
“Thủ phủ công nghiệp miền Nam” hiện đang đứng thứ hai cả nước với 31 khu công nghiệp (sau Đồng Nai), tỷ lệ lấp đầy đạt 95% trong số hơn 10.000 ha. Nhóm ngành công nghiệp, dịch vụ cũng chiếm 89,23% tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trong ảnh là KCN VSIP I nằm tại TP Dĩ An. Đây là kết quả của sự hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Singapore.
Cùng chủ trương “trải chiếu hoa mời nhà đầu tư”, Bình Dương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đạt hơn 2,5 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2022. Một số nhà đầu tư lớn vào Bình Dương là Tập đoàn Tokyu, Tập đoàn AEON… và gần đây nhất là Tập đoàn LEGO đã đầu tư nhà máy 1 tỷ USD tại KCN VSIP III. Trong ảnh là nhà máy sản xuất nước giải khát của Tập đoàn Tân Hiệp Phát.
Hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu ở Bình Dương diễn ra sôi động. Toàn tỉnh hiện có hàng chục trung tâm thương mại, siêu thị, hơn 100 chợ nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh, mua sắm của doanh nghiệp và người dân. Trong ảnh là chợ Thủ Dầu Một có tuổi đời gần một thế kỷ, là một trung tâm thương mại tiêu biểu của Bình Dương.
Kể từ năm 1997, tỉnh Bình Dương đã trải qua nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính và chính thức ổn định vào năm 2020 với 3 thành phố, 2 thị xã và 4 huyện. Đặc biệt, thị xã Tân Uyên và Bến Cát đang được hoàn thiện thủ tục để nâng cấp lên thành phố. Như vậy, Bình Dương sẽ có tổng cộng 5 thành phố trực thuộc. Trong ảnh là trung tâm TP Thủ Dầu Một.
Vào năm 2004, Dự án Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị được xây dựng. “Bộ não và trái tim” của tỉnh được quy hoạch trên diện tích 4.196 ha, tổng vốn đầu tư khi đó là 3.000 tỷ đồng, nằm trên địa bàn của TX Bến Cát, TX Tân Uyên và TP Thủ Dầu Một. Khu liên hợp này nhắm đến mục tiêu biến Bình Dương trở thành thành phố công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, tạo dựng được diện mạo đô thị và hỗ trợ quá trình phát triển tỉnh.
Trong đó, Thành phố mới Bình Dương (TP Thủ Dầu Một) là một trong những công trình quan trọng làm thay đổi bộ mặt của tỉnh. Dự án có quy mô 1.000 ha, khởi công vào năm 2010. Trong ảnh là Trung tâm hành chính tập trung tỉnh Bình Dương. Công trình được đầu tư 1.400 tỷ đồng, gồm toà tháp đôi cao 20 tầng, bãi đáp trực thăng… Đây là nơi làm việc của 60 cơ quan, đoàn thể, sở, ngành tỉnh Bình Dương.
Ngoài ra, vào năm 2016, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt đề án Thành phố Thông minh Bình Dương. Cụ thể, đề án đặt con người và tri thức làm trọng tâm, lấy kết nối, hợp tác làm phương châm để phát triển. “Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp” được coi là mô hình “kiềng ba chân” để Bình Dương huy động nguồn lực xã hội cùng phát triển thành phố thông minh.
Theo báo cáo của PCI 2021 (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), chỉ số cơ sở hạ tầng tại đây được đánh giá tốt nhất cả nước. Trong ảnh là Quốc lộ 13, có 68,5 km chạy qua tỉnh Bình Dương. Tuyến đường đóng vai trò kết nối các KCN trên địa bàn với TP.HCM và tỉnh Bình Phước.
Bình Dương cũng chủ trương thực hiện các dự án thông qua nguồn vốn xã hội hoá. Trong ảnh là đường Mỹ Phước - Tân Vạn dài 62 km, tổng vốn đầu tư 4.300 tỷ đồng. Trong tương lai, tỉnh tiếp tục triển khai dự án Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua Bình Dương trị giá 19.280 tỷ đồng, nâng cao khả năng kết nối các đô thị vệ tinh xung quanh.
Để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, Bình Dương chú trọng khai thác hiệu quả các hoạt động logistics. Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt hơn 27,4 tỷ USD , gấp 75,5 lần so với năm 1997 (363,2 triệu USD). Trong hình là Tân cảng Sóng Thần ở TP Thuận An, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hoá, vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Cách trung tâm TP Thủ Dầu Một 45 km là hồ thuỷ lợi nhân tạo Dầu Tiếng, trải dài trên địa bàn 3 tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước. Với diện tích mặt nước 27 km2, dung tích chứa trên 1,58 tỷ m³ nước ; hồ đã cung cấp nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, mang lợi nhiều lợi ích phát triển kinh tế không chỉ cho huyện Dầu Tiếng mà còn nhiều địa phương khác.
Năm 2021, Bình Dương lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh là một trong 21 đô thị có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới theo ICF (Diễn đàn Cộng đồng Thông minh Thế giới). Nơi đây cũng thuộc nhóm có tốc độ đô thị hoá nhanh nhất cả nước. Năm 1997, tỷ lệ đô thị hóa của Bình Dương chỉ khoảng 18%, đến năm 2020, con này tăng lên 82%. Trong ảnh là tổ hợp trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê Becamex Tower, nằm trong Becamex City Center.
Là một tỉnh có nền công nghiệp phát triển, Bình Dương hiện thu hút hơn 1,1 triệu lao động đến từ các tỉnh thành trên cả nước, khiến nhu cầu nhà ở tại đây tăng. Để hỗ trợ cho người lao động, Bình Dương đã khởi công 25 dự án nhà ở xã hội với trên 1,4 triệu m2 sàn.
Trong 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương luôn xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển lâu dài, bền vững, là một yếu tố then chốt nhất để tạo bước phát triển đột phá. Trong ảnh là ĐH Quốc tế Miền Đông.
Trong tiến trình nâng cao chất lượng sống, ngành y tế được tỉnh Bình Dương đặc biệt quan tâm. Trong ảnh là Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường, một dự án trọng điểm có tổng vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng.
Đầu tư vào những công trình phục vụ vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao... cũng là một trong những thành tựu đáng tự hào của Bình Dương. Hiện toàn tỉnh có khoảng 121 công trình hoa viên, công viên phục vụ vui chơi, giải trí sinh hoạt thể dục, thể thao cho người dân.
Trong đó, công viên Thành phố mới Bình Dương trở thành địa điểm vui chơi hấp dẫn mọi lứa tuổi. Công viên được thiết kế với hồ nước trung tâm, được bao bọc bởi cây xanh, tạo nên quang cảnh thoáng mát, trong lành.
Ngoài việc phát triển công nghiệp, Bình Dương nghiên cứu đề án du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng - giải trí, nhằm phát huy lợi thế về tự nhiên. Trong đó, quần thể hồ Dầu Tiếng - Núi Cậu với vẻ đẹp hoang sơ, thoáng đãng mang nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch này.
Nằm ngay tại trung tâm TP Thủ Dầu Một, chùa Hội Khánh là một trong những công trình kiến trúc tôn giáo, nghệ thuật được xây dựng từ thế kỷ 18. Ở giữa khuôn viên chùa là phật đài cao 22 m và tượng phật nằm cao 12 m, dài 52 m. Ngôi chùa được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia vào tháng 1/1993.
Cách đó không xa, Nhà thờ chánh tòa giáo phận Phú Cường được xem là nhà thờ có kiến trúc đẹp nhất của tỉnh Bình Dương, nằm trên một gò đất cao ở vị trí trung tâm TP Thủ Dầu Một. Lối thiết kế uy nghiêm, đồ sộ kết hợp cùng màu xanh xám chủ đạo và sắc trắng thanh lịch giúp nhà thờ nổi bật, trở thành địa điểm phải ghé qua của du khách khi đến Bình Dương.
Sau 25 năm hình thành và phát triển, Bình Dương đã đạt được nhiều thành tựu rõ nét về kinh tế, đời sống người dân được nâng cao, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sự cố gắng của ban lãnh đạo tỉnh và người dân đã tạo nên một “thủ phủ công nghiệp” hiện đại, sôi động nhất miền Nam.
Bản đồ hành chính tỉnh Bình Dương
Nhịp sống thị trường