MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tính đầu cơ trên thị trường Chứng quyền có bảo đảm

Tính đầu cơ trên thị trường Chứng quyền có bảo đảm

Xu hướng tăng giá kéo dài trên thị trường cơ sở, với nhiều cổ phiếu liên tiếp chạm những đỉnh cao kỷ lục mới đã khiến thị trường chứng quyền ngày một trở nên sôi động với tốc độ tăng trưởng thanh khoản hàng tháng trung bình đạt 53,7% trong giai đoạn từ tháng 4/2020 đến tháng 4/2021.

Sau gần 2 năm kể từ ngày những chứng quyền có bảo đảm (CW) đầu tiên được niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam, thị trường chứng quyền đã không ngừng tăng trưởng về số mã giao dịch và thanh khoản. Với 10 chứng quyền có bảo đảm đầu tiên phát hành trên 6 cổ phiếu cơ sở của 6 công ty chứng khoán được đưa vào giao dịch từ ngày 28/06/2019, tính đến ngày 14/05/2021, đã có 359 mã CW được 10 công ty chứng khoán phát hành dựa trên 25 cổ phiếu cơ sở. Trong đó, thanh khoản thị trường cao nhất đạt hơn 52 triệu CW với tổng giá trị đạt hơn 218 tỷ đồng vào phiên giao dịch ngày 20/04/2021, lần lượt cao gấp 18 lần và 38 lần so với phiên giao dịch đầu tiên.

Ở chiều phát hành, các công ty chứng khoán cũng đẩy mạnh cung cấp sản phẩm giao dịch cho nhà đầu tư, với 253 mã CW được phát hành mới trong 12 tháng qua, gấp gần 2,5 lần so với giai đoạn 12 tháng liền trước.

Với lợi thế đòn bẩy, giá một chứng quyền có thể tăng 15-20% nếu cổ phiếu cơ sở ghi nhận một phiên tăng trần (+7%). Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là các mã chứng quyền đã tăng giá mạnh trong thời gian vừa qua bất chấp các nhịp điều chỉnh của thị trường cơ sở, và ngay cả khi cổ phiếu cơ sở giảm nhưng CW tương ứng vẫn tăng điểm. Tình trạng mất kết nối giữa CW và cổ phiếu cơ sở này thể hiện yếu tố đầu cơ trên thị trường đang tăng lên và càng làm gia tăng rủi ro của chứng quyền – một sản phẩm phái sinh vốn đã tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với cổ phiếu thông thường.

Tính đầu cơ trên thị trường Chứng quyền có bảo đảm - Ảnh 1.

Thực vậy, các chỉ tiêu điểm hòa vốn, độ lệch và phần bù rủi ro của CW trên thị trường hiện nay cho thấy nhà đầu tư chứng quyền đang chấp nhận mua cổ phiếu thông qua quyền mua với mức giá cao hơn nhiều so với thị giá cổ phiếu hiện tại, và thậm chí còn cao hơn giá khuyến nghị mục tiêu 12 tháng của các nhà phân tích.

Theo giá đóng cửa ngày 19/05/2021, có 30 trên tổng số 84 chứng quyền đang được giao dịch có phần bù rủi ro lớn hơn 40%. Điều đó đồng nghĩa rằng cổ phiếu cơ sở của 30 chứng quyền này phải tăng ít nhất hơn 40% thì nhà đầu tư nắm giữ chứng quyền mới đạt điểm hòa vốn.

Cụ thể, những CW có phần bù rủi ro cao nhất có thể kể đến như: CVNM2101 với phần bù rủi ro 117,97% và điểm hòa vốn là 190.727 đồng trong khi giá đóng cửa cổ phiếu VNM là 87.500 đồng; CSBT2101 với phần bù rủi ro 103,13% và điểm hòa vốn 39.916 đồng; xếp sau đó là CMSN2102, CMBB2102, CVIC2101… với phần bù rủi ro đều trên 90%... Đa số các CW này có độ lệch âm tức nếu giá thanh toán vào ngày đáo hạn bằng mức giá cổ phiếu hiện tại, nhà đầu tư sẽ không nhận được tiền - tương đương tỷ lệ lỗ 100%.

Tính đầu cơ trên thị trường Chứng quyền có bảo đảm - Ảnh 2.

Ngay cả với những CW có độ lệch dương - nhà đầu tư có thể được thanh toán tiền khi CW đáo hạn, thì chênh lệch giữa khoản vốn bỏ ra và số tiền tạm tính nhận về vẫn là rất lớn. Ví dụ chứng quyền CTCB2104 được nhà đầu tư mua ở mức giá 10.900 đồng/cq, có độ lệch là +2.150 đồng khi giá cổ phiếu cơ sở là 50.100 đồng/cp. Nếu giá cổ phiếu cơ sở vào thời điểm đáo hạn thay đổi không đáng kể so với hiện tại (duy trì quanh khoảng 50.000 đồng), số tiền nhà đầu tư được thanh toán chỉ là 2.150 đồng/cq – thấp hơn đến 80% so với giá mua.

Theo tham khảo một số chuyên gia trong lĩnh vực CW, đối với kỳ hạn 2-3 tháng, điểm hòa vốn của CW sẽ dao động từ 10-15% tùy trạng thái CW là ITM hay OTM . Nếu như nhà đầu tư kỳ vọng cao vào tiềm năng tăng giá của cổ phiếu cơ sở thì điểm hòa vốn có thể cao hơn, nhưng khó có thể vượt hơn 40%. Do đó, mặt bằng giá CW được đẩy lên cao tiềm ẩn rủi ro lớn cho nhà đầu tư trong ngắn hạn nếu giá cổ phiếu cơ sở không đạt được như kỳ vọng và giá trị của chứng quyền hao mòn dần theo thời gian.

Tóm lại, mong muốn tìm kiếm lợi nhuận cao trong khoảng thời gian ngắn thông qua các sản phẩm có đòn bẩy lớn như CW của nhà đầu tư là điều hợp lý. Tuy nhiên kỳ vọng lợi nhuận cũng cần dựa trên cơ sở định giá và nguyên tắc quản lý rủi ro phù hợp. Vì vậy, thay vì để bản thân bị cuốn theo các mức giá xanh đỏ trên bảng điện tử, nhà đầu tư có thể hướng ánh nhìn đến những chỉ báo quan trọng khác như điểm hòa vốn, độ lệch, phần bù rủi ro, hay mô hình định giá CW theo công thức Black-Schole được các công ty chứng khoán và sở giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh khuyến nghị sử dụng… để có thể đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn với sản phẩm có tuổi đời còn non trẻ này trên thị trường Việt Nam.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên