MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tinh giản cán bộ phường, xã: Chủ trương đúng, khó cũng phải làm

18-07-2020 - 09:31 AM | Xã hội

Việc tinh giản đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn sẽ tiết kiệm một khoản chi không nhỏ cho ngân sách.

Thực hiện Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, dẫn tới một số lượng không nhỏ các cán bộ không chuyên trách phải nghỉ việc. Điều này gây ra những áp lực không nhỏ cho đội ngũ cán bộ, công chức khi công việc ngày một nhiều nhưng nhân lực lại ngày càng ít. Điều đó đặt ra vấn đề tinh giản cán bộ xã, phường như thế nào để chính quyền cấp xã, phường vẫn đảm bảo phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp, không làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng giải quyết công việc được giao của đội ngũ cán bộ.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh- nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, việc tinh giản cán bộ ở phường, xã, thị trấn theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ là chủ trương đúng và phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Tinh giản cán bộ phường, xã: Chủ trương đúng, khó cũng phải làm - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Theo ước tính, chỉ riêng tại Hà Nội, việc giảm khoảng 2000 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn sẽ tiết kiệm được hơn 42 tỷ đồng mỗi năm. Như vậy, việc tinh giản đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn sẽ tiết kiệm một khoản chi không nhỏ cho ngân sách nhà nước. Ngoài việc giảm chi phí cho ngân sách, mục tiêu của việc tinh giản bộ máy còn nhằm nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh nêu ra một số biện pháp để nâng cao chất lượng của cán bộ công chức cũng như những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn: “Trước hết về việc tuyển dụng, phải đảm bảo chất lượng ngay từ đầu vào. Thứ hai, trong quá trình vào làm việc phải đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng, thái độ, hành vi và năng lực chuyên môn. Bộ Nội vụ đã ban hành những chương trình đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ cấp xã. Thứ ba, trong quá trình làm việc phải nâng cao ý thức tự giác và tự rèn luyện của cán bộ, công chức và đội ngũ chuyên trách. Thứ tư, phải có sự kiểm tra, đánh giá của người dân và lấy tiêu chí đảm bảo sự hài lòng của người dân mà đánh giá kết quả hoạt động của cán bộ, công chức cấp xã”.

Hiện nay theo quy định của nhà nước, trong quá trình hoạt động của cán bộ, công chức đều phải có sự giám sát và đánh giá của người dân, thông qua nhiều hình thức. Mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức để đảm bảo sự hài lòng của người dân, đây là thước đo để đánh giá kết quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công chức cấp xã.

Tinh giản cán bộ phường, xã: Chủ trương đúng, khó cũng phải làm - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh- nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.


Ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, Nghị định 34/2019/NĐ-CP không có tính chất “cào bằng” mà đã có sự phân biệt các loại xã khác nhau. Số lượng cán bộ, công chức cấp xã được bố trí theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn, loại 1: tối đa 23 người; loại 2: tối đa 21 người; loại 3: tối đa 19 người. So với Nghị định 92/2009/NĐ-CP đối với cán bộ chuyên trách giảm với cấp xã là 2, với hoạt động không chuyên trách, cấp xã giám là 8 đến 9 người. Hoạt động không chuyên trách ở cấp thôn, theo định mức là 3 chỉ tiêu nhưng trong trường hợp thôn có 350 hộ gia đình trở lên, xã không trung tâm, có khó khăn về vấn đề giữ gìn an ninh trật tự, biên giới hải đảo, có thể có 5 chỉ tiêu.

Để đảm bảo quyền lợi cho các cán bộ thuộc diện tinh giản, ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết: Đối với quá trình tinh giản bộ máy, cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã trong Nghị định đã có chủ trương thực hiện khi những người hoạt động đó không bố trí được công việc. Tùy điều kiện ngân sách của từng địa phương sẽ có những cách thực hiện khác nhau. Ví dụ ở TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ thuộc diện tinh giản này mỗi năm công tác là 1,5 tháng tiền lương theo trình độ chuyên môn.

Tuy vẫn còn khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện nhưng có thể khẳng định đây là một quyết sách đúng nhằm góp phần thực hiện tinh giản, tinh gọn bộ máy, khuyến khích việc bố trí kiêm nhiệm chức danh, bảo đảm không bỏ trống nhiệm vụ và tăng thu nhập cho người tham gia trực tiếp kiêm nhiệm nhiều công việc./.

Theo Đình Hiếu

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên