MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tinh gọn bộ máy: Vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu

“Sắp xếp tinh gọn bộ máy là tình huống cụ thể để người đứng đầu các cấp thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu của mình. Người đứng đầu mà nêu gương, vì lợi ích chung sẽ có được niềm tin, sự lan tỏa, đồng thuận, từ đó sẽ mang lại hiệu quả cao”, TS Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, nhận định.

TS Nguyễn Thị Việt Nga nhìn nhận, đây là thời điểm quan trọng và cần thiết để thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy cho hiệu lực hiệu quả. Nghị quyết 18 của Trung ương đã ban hành 7 năm; từ đó đến nay, chúng ta đã bắt tay vào thực hiện từng bước việc sắp xếp tinh gọn bộ máy . Chúng ta sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, rồi đơn vị hành chính cấp huyện, xã, và lâu nay, một số địa phương cũng đã thí điểm sắp xếp các sở, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Qua 7 năm triển khai thực hiện, chúng ta đã rút ra được những bài học kinh nghiệm, đâu là ưu điểm cần phát huy, đâu là nhược điểm cần khắc phục để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Tinh gọn bộ máy: Vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu- Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị Trung ương Đảng khóa XIII, ngày 25/11. Ảnh: TTXVN

Ðòi hỏi cấp thiết

Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 18, đây có phải thời cơ chín muồi và đòi hỏi cấp thiết để thực hiện cách mạng về tinh gọn bộ máy, thưa bà?

Trước tiên, cần nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan là bộ máy nhà nước của chúng ta còn đang quá cồng kềnh, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, một việc, một lĩnh vực nhưng lại do nhiều cơ quan quản lý khác nhau. Tôi ví dụ, chỉ với thủ tục xin cấp phép đầu tư, thành lập doanh nghiệp, phải đi xin rất nhiều loại giấy phép, từ giấy phép đầu tư, đến quản lý đất đai … Qua tất cả các vòng, các khâu, doanh nghiệp cũng phải mất ít nhất từ một đến hai năm trời.

Tinh gọn bộ máy: Vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu- Ảnh 2.

Chỉ riêng với thủ tục hành chính mà doanh nghiệp mất từng ấy thời gian như vậy, liệu có lãng phí không, có mất đi nhiều cơ hội không? Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số hiện nay, hai năm là khoảng thời gian dài, kéo theo biết bao nhiêu sự biến động, bao nhiêu cơ hội có thể trôi qua. Ngoài ra, nhiều vấn đề khác cho thấy sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, nếu không được giải quyết dứt điểm sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý, thi hành.

Mặt khác, bộ máy cồng kềnh tất yếu cũng không mang lại hiệu quả công việc như mong muốn. Bộ máy tuy nhiều nhưng số lượng người làm việc thực sự chất lượng cũng chỉ chiếm một phần nhỏ thôi. Về vấn đề này, hằng năm, Chính phủ đều có báo cáo, trong đó có nhìn nhận, còn tình trạng cán bộ, công chức ngại khó, ngại khổ, nể nang, né tránh, rồi đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí còn không muốn làm việc.

Bộ máy cồng kềnh còn liên quan đến việc trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức. Vì bộ máy cồng kềnh, rườm rà, số người làm việc nhiều, nên việc trả lương khó mà thỏa đáng được. Mặc dù năm 2024 chúng ta đã thực hiện tăng lương cơ sở, nhưng hiện nay vẫn chưa trả lương được theo vị trí việc làm, do ngân sách có hạn và bộ máy còn cồng kềnh…

Với những lý do kể trên, đòi hỏi sự cần thiết và cấp thiết phải thực hiện tinh gọn lại bộ máy. Đây cũng là thời điểm rất phù hợp để chúng ta thực hiện cuộc “cách mạng” này.

Rất cần sự gương mẫu của người đứng đầu các cấp

Mỗi lần sắp xếp, tinh gọn bộ máy đều không tránh khỏi những băn khoăn, lo lắng đối với cán bộ, công chức, viên chức. Vậy theo bà, cần phải làm thế nào để việc triển khai chủ trương tinh gọn bộ máy mang lại hiệu quả, và tạo ra được sự đồng thuận cao?

Rõ ràng, trong bất kỳ sự đổi mới sắp xếp bộ máy nào cũng có thể kéo theo sự xáo trộn cùng nhiều ý kiến khác nhau. Với những người quyết tâm, mong muốn vào sự đổi mới, đột phá thì rất kỳ vọng, trông đợi, nhưng cũng không tránh khỏi những ý kiến trái chiều. Bởi khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sẽ có những người bị ảnh hưởng quyền lợi cá nhân. Thậm chí, có nhiều người sẽ không còn đứng trong bộ máy, rồi có người đang ở vị trí đứng đầu, lại phải chuyển xuống làm cấp phó.

Khi quyền lợi cá nhân bị ảnh hưởng, đương nhiên cảm xúc đầu tiên là người ta không thích, không vui. Thế nhưng, nhìn rộng hơn, chúng ta phải xác định rằng, trong sự đổi mới này, đòi hỏi mỗi người phải ít nhiều hy sinh lợi ích cá nhân mình, để đạt được lợi ích cao hơn, tổng thể hơn cho đất nước và cho sự phát triển chung.

Tuy nhiên, để có được sự đồng thuận, ủng hộ cao, điều chúng ta cần làm là phải quan tâm đến chế độ, chính sách thỏa đáng cho cán bộ dôi dư, bị ảnh hưởng khi tinh gọn bộ máy. Điều này chúng ta đã đúc rút được trong quá trình sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập cũng như các đơn vị hành chính cấp huyện, xã thời gian qua. Do vậy, việc sắp xếp tới đây cần lưu ý đến yếu tố con người, thể hiện tinh thần nhân văn cao cả, để qua đó nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao.

Để thực hiện thành công cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy này, vai trò tiên phong , gương mẫu của những người đứng đầu các cấp là vô cùng quan trọng, cần thiết, thưa bà?

Quả đúng như vậy. Đã là “cách mạng” bao giờ cũng có sự hy sinh. Đương nhiên, trong sự hy sinh đó, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu rất quan trọng. Đây chính là tình huống cụ thể để người đứng đầu phát huy và thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu của mình.

Người đứng đầu mà nêu gương, vì lợi ích chung thì sẽ có được niềm tin, sự lan tỏa, đồng thuận rất lớn, từ đó sẽ mang lại hiệu quả cao trong việc sắp xếp tinh gọn bộ máy từ trung ương xuống địa phương. Còn nếu như người đứng đầu không nêu gương, còn chần chừ, e ngại thì việc triển khai thực hiện sẽ gặp khó khăn. Chính bởi vậy, sự gương mẫu của người đứng đầu rất quan trọng khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Vận hành thông suốt, hiệu quả sau sắp xếp

Mong muốn, kỳ vọng của bà sau khi bộ máy mới được kiện toàn?

Quá trình thực hiện, mỗi ngành mỗi cấp phải nghiên cứu và có đề án cụ thể để triển khai hiệu quả. Tuy nhiên, vì liên quan đến bộ máy, con người, nên khi xây dựng đề án phải thực sự khoa học mới mang lại hiệu quả cao. Với những đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, cần phải sắp xếp lại cho tinh gọn, hiệu quả. Phạm vi, lĩnh vực quản lý cũng phải bao quát, tránh chồng chéo, nhưng cũng cần tránh sáp nhập một cách cơ học, máy móc.

Do vậy, yêu cầu đặt ra khi sáp nhập là vừa phải tinh gọn vừa phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả cho bộ máy. Muốn vậy, buộc chúng ta phải rà soát một cách kỹ lưỡng, khoa học, còn nếu sáp nhập cơ học thì có thể gọn nhưng lại không tinh. Mà đã không tinh thì sẽ không hiệu quả.

Ngoài ra, tôi cũng mong muốn, quá trình sáp nhập được thực hiện nhanh và khoa học để tránh sự xáo trộn không cần thiết. Cũng phải nói thêm rằng, năm 2025 là năm rất đặc biệt, năm cuối của nhiệm kỳ, cũng là năm bứt tốc để về đích thắng lợi mọi chỉ tiêu kinh tế-xã hội đề ra. Do vậy, việc sáp nhập vào thời điểm tới cần chú ý, có sự tính toán kỹ lưỡng, tránh ảnh hưởng đến doanh nghiệp, người dân.

Tất nhiên, tôi cũng mong muốn, kỳ vọng bộ máy sau sắp xếp sẽ được vận hành một cách thông suốt, trơn tru. Tôi cũng tin rằng, sau sắp xếp, chắc chắn bộ máy của chúng ta sẽ phát huy hiệu quả, đồng thời sẽ thu hút được những người tinh hoa nhất vào trong bộ máy, qua đó sẽ phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Cảm ơn bà.


PV

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên