MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tình hình nắng nóng gay gắt vẫn kéo dài với nền nhiệt lên tới 39 độ, bạn cần thận trọng trước 5 căn bệnh rất dễ gặp phải sau đây

09-06-2020 - 17:51 PM | Sống

Hà Nội bước vào mùa nắng nóng đỉnh điểm khiến nhiều người không tránh khỏi cảm giác choáng váng, mệt mỏi mỗi khi có việc phải ra đường. Lúc này, cần chú trọng tới việc bảo vệ sức khỏe để yên tâm chống chọi với cái nắng nóng của ngày hè.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày hôm nay (9/6), do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn nên các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến ở mức 36 - 39 độ C. Thời gian có nhiệt độ trên mức 35 độ sẽ bắt đầu trong khoảng 10 - 18 giờ. Tình hình nắng nóng vẫn còn tiếp tục kéo dài trong nhiều ngày tới, riêng tại khu vực Bắc Bộ thì còn có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 13/6.

Tình hình nắng nóng gay gắt vẫn kéo dài với nền nhiệt lên tới 39 độ, bạn cần thận trọng trước 5 căn bệnh rất dễ gặp phải sau đây - Ảnh 1.
Tình hình nắng nóng gay gắt vẫn kéo dài với nền nhiệt lên tới 39 độ, bạn cần thận trọng trước 5 căn bệnh rất dễ gặp phải sau đây - Ảnh 2.

Trước tình hình nắng nóng kỷ lục lặp lại ở nhiều tỉnh thành hai miền Trung - Bắc thì mùa hè trở thành nỗi lo lớn với những căn bệnh tiềm ẩn gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe. Trong đó, có 5 căn bệnh sau đây rất dễ gặp phải trong mùa hè mà bạn cần biết để chủ động phòng tránh.

1. Say nắng

Cứ mỗi khi trời vào hè, những người thường xuyên phải ra đường làm việc hoặc đi quá lâu dưới trời nắng rất dễ có nguy cơ bị say nắng. Do thân nhiệt cơ thể tăng cao nên làm cơ thể đổ mồ hôi nhiều, từ đó khiến cơ thể mất nước nghiêm trọng.

Với những người bị say nắng ở thể nhẹ thì thường có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, cảm sốt, mệt mỏi... Nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn đến tình trạng ngất, hôn mê, trụy tim, còn nặng hơn sẽ để lại di chứng thần kinh không hồi phục được.

Tình hình nắng nóng gay gắt vẫn kéo dài với nền nhiệt lên tới 39 độ, bạn cần thận trọng trước 5 căn bệnh rất dễ gặp phải sau đây - Ảnh 3.

2. Viêm họng, sổ mũi, viêm thanh quản

Mùa hè nhiều người thường có thói quen uống nước đá lạnh, từ đó dễ khiến cổ họng và thanh quản bị sưng viêm. Thêm nữa, việc nằm trong phòng điều hòa hay tắm nước lạnh nhiều lần trong ngày rồi bước ra ngoài có thể dẫn đến tình trạng sốc nhiệt, gây sổ mũi, cảm cúm kéo dài.

3. Các bệnh về da liễu

Ánh nắng gay gắt chiếu xuống trong mùa hè chính là nguyên nhân trực tiếp gây ra các bệnh về da. Trong tiết trời mùa hè nắng nóng, cơ thể chúng ta không chỉ dễ bị đổ mồ hôi mà còn làm các lỗ chân lông bị tắc nghẽn, từ đó khiến da phải hứng chịu những tác động từ khói bụi, ánh nắng mặt trời. Lúc này, bạn sẽ có nguy cơ gặp phải những bệnh về da liễu như viêm lỗ chân lông, mụn nhọt, nhiễm trùng da, sưng tấy, mẩn đỏ... và còn có cả ung thư da.

Tình hình nắng nóng gay gắt vẫn kéo dài với nền nhiệt lên tới 39 độ, bạn cần thận trọng trước 5 căn bệnh rất dễ gặp phải sau đây - Ảnh 4.

4. Đột quỵ

Khi mà nhiệt độ ngoài trời tăng cao thì cơ quan tim sẽ phải hoạt động nhanh hơn, còn máu lại dễ bị đặc lại do mất nước và các chất điện giải, từ đó dẫn đến nguy cơ tăng huyết áp và các bệnh về tim mạch. Những nguy cơ này đều có thể dẫn đến bệnh đột quỵ nên rất nguy hiểm tới sức khỏe của bạn.

5. Viêm cơ

Ít ai biết rằng, thời tiết nắng nóng kéo dài cũng có thể gây ra triệu chứng đau nhức cơ khớp. Nguyên nhân là do sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm, hoặc có thể là do thói quen mở điều hòa hoặc quạt suốt đêm. Bên cạnh đó, khi thời tiết thay đổi, cơ thể chưa kịp thích nghi sẽ sinh ra phản ứng trì trệ, mệt mỏi và khiến bạn chỉ nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi.

Tình hình nắng nóng gay gắt vẫn kéo dài với nền nhiệt lên tới 39 độ, bạn cần thận trọng trước 5 căn bệnh rất dễ gặp phải sau đây - Ảnh 5.

* Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:

- Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.

- Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol… Tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.

- Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.

- Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Source (Nguồn): Bolsky, Health, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Theo Gà

Tổ quốc

Trở lên trên