MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỉnh không có sân bay vẫn thu hơn 500 tỷ đồng từ du lịch chỉ trong 4 ngày

Đây là một trong những địa phương ghi nhận doanh thu cao trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh.

Tỉnh không có sân bay vẫn thu hơn 500 tỷ đồng từ du lịch chỉ trong 4 ngày- Ảnh 1.

Theo Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh trong dịp lễ 2/9 diễn ra sôi động, phong phú, đa dạng, hấp dẫn, thu hút được lượng lớn du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí trong nhân dân và du khách.

Ước tổng lượng khách du lịch đến tỉnh tham quan, lưu trú trong dịp lễ Quốc khánh (từ 31/8-3/9/2024) khoảng 385 nghìn lượt, tăng gấp 3,3 lần so với năm 2023. Trong đó, khách quốc tế khoảng 9.700 lượt, tổng doanh thu ghi nhận khoảng 510 tỷ đồng sau 4 ngày nghỉ lễ.

Trong dịp lễ Quốc khánh năm nay, tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, lượng khách tập trung đông vào các ngày 31/8, 1/9 và 2/9, bình quân công suất phòng đạt từ 80-95%, trong đó có nhiều cơ sở đạt công suất 100%.

Cơ quan này cho biết, khách du lịch nội địa đến Bình Thuận đa số từ TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, một số tỉnh phía Bắc… Du khách tập trung đông ở khu vực phường Hàm Tiến, phường Mũi Né, xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết; huyện Tuy Phong; huyện Hàm Thuận Nam; thị xã La Gi và huyện đảo Phú Quý.

Ngoài ra, huyện Hàm Thuận Bắc và Tánh Linh đang là những điểm đến mới, thu hút khách tham quan du lịch sinh thái, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Năm ngoái, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thông tin, dự ước tổng lượng khách du lịch đến Bình Thuận tham quan, lưu trú trong dịp Lễ Quốc khánh 2/9 (từ 1/9 – 4/9/2023) khoảng 116 nghìn lượt khách, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2022.

Bình Thuận là tỉnh cực Nam Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, phía Bắc giáp các tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận; phía Tây giáp tỉnh Đồng Nai; phía Tây Nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; phía Đông và Đông Nam giáp biển Đông. Đây là một trong 28 tỉnh, thành phố giáp biển của cả nước.

Bình Thuận có nguồn tài nguyên phong phú, từ đất đai, khoáng sản đến tài nguyên biển. Đặc biệt, đây là một trong những địa phương sở hữu đường bờ biển dài nhất Việt Nam (bờ biển Bình Thuận dài 192km), ngoài khơi có đảo Phú Quý, phù hợp cho phát triển du lịch, kinh tế biển. Ngoài ra, với khí hậu ấm áp, nhiều tài nguyên nhân văn đa dạng (con người, lịch sử, văn hóa, di tích, tâm linh…) tạo điều kiện thuận lợi hình thành một trung tâm du lịch tầm quốc gia và quốc tế.

Theo Quy hoạch tỉnh Bình Thuận, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đặt chỉ tiêu thu hút khách du lịch đạt 16 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 15-20%.

Không chỉ tài nguyên thiên nhiên, Bình Thuận còn sở hữu nhiều thuận lợi về giao thông đường bộ khi các tuyến cao tốc qua đoạn địa bàn tỉnh đã đưa vào hoạt động, nhờ đó điểm đến Bình Thuận thu hút đông đảo du khách trong dịp lễ Quốc khánh 2/9 năm 2024.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh chưa có sân bay dân dụng đi vào hoạt động, Hiện, dự án Cảng hàng không Phan Thiết đang được đầu tư, xây dựng, dự kiến tạo nhiều tiềm năng cho tỉnh trong phát triển kinh tế.

Nguyệt Lượng

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên