Tỉnh miền núi sắp đón dòng vốn đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng: Tình hình kinh tế phát triển ra sao?
Tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn năm 2024 mới đây, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đã trao 14 chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 14 dự án với tổng vốn đăng ký là 18.602 tỷ đồng, 9 bản ghi nhớ đầu tư cho 9 nhà đầu tư với tổng mức đăng ký dự kiến 21.527 tỷ đồng.
Mới đây, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn năm 2024. Theo đó, Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược dựa trên tiềm năng, thế mạnh và lợi thế so sánh của tỉnh sẽ mở ra không gian phát triển và cơ hội mới; thể hiện ý chí và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lạng Sơn.
Quy hoạch tỉnh là cơ sở để tỉnh mở rộng cánh cửa lớn thu hút đầu tư, nâng cao vị thế của tỉnh, sớm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 Lạng Sơn trở thành tỉnh biên giới có kinh tế phát triển, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái được bảo đảm.
Quy hoạch cũng giúp tỉnh trở thành một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế có quy mô kinh tế và GRDP bình quân đầu người trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu của vùng trung du miền núi phía Bắc; là cầu nối ngày càng quan trọng trong kết nối kinh tế, thương mại giữa Việt Nam, các nước ASEAN, Trung Quốc và châu Âu.
Tại Hội nghị, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đã trao 14 chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 14 dự án với tổng vốn đăng ký là 18.602 tỷ đồng, 9 bản ghi nhớ đầu tư cho 9 nhà đầu tư với tổng mức đăng ký dự kiến 21.527 tỷ đồng.
Kinh tế Lạng Sơn phát triển ra sao trong thời gian vừa qua?
Tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Lạng Sơn không có sự khác biệt rõ giữa 2 giai đoạn, giai đoạn 2016 – 2020 đạt tốc độ tăng 5,06%, thấp hơn tốc độ tăng giai đoạn 2011 – 2015 (5,57%), bình quân thời kỳ 2011 – 2020 đạt 5,32%. Tốc độ tăng GRDP tỉnh Lạng Sơn thấp hơn tốc độ tăng GDP trung bình của Việt Nam và vùng Trung du và Miền núi phía Bắc (TD&MNPB) cả giai đoạn 2011 – 2015 (Việt Nam: 7,18%; TD&MNPB: 7,9%) và giai đoạn 2016 – 2020 (Việt Nam: 6,65%; TD&MNPB: 8,41%). So với mục tiêu đề ra trong quy hoạch đến năm 2020 thì không đạt (9% - 10%/năm).
Sang đến năm 2023, kinh tế tỉnh Lạng Sơn phục hồi đà tăng trưởng, GRDP ước đạt 25.644 tỷ đồng, tăng 7,0% (mục tiêu từ 7 - 7,5%). Trong đó, nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 6,55%, đóng góp 1,64 điểm phần trăm vào mức tăng chung; công nghiệp - xây dựng tăng 8,18%, đóng góp 2,0 điểm phần trăm vào mức tăng chung; dịch vụ tăng 6,77%, đóng góp 3,12 điểm phần trăm vào mức tăng chung; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,39% đóng góp 0,24 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Trong tương quan so sánh với các địa phương khác trong TD&MNPB, tỉnh không có vị thế nổi bật về tài nguyên, quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, Lạng Sơn là điểm trung chuyển, kết nối quan trọng của các địa phương trong vùng, có vai trò quan trọng trong kết nối các tỉnh thuộc tiểu vùng Đông Bắc, nhất là Cao Bằng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên.
Vai trò này càng được khẳng định sau khi các tuyến cao tốc dọc theo QL.4ª nối Lạng Sơn với Cao Bằng, QL.4B nối Lạng Sơn với Quảng Ninh được xây dựng, tạo cơ hội để các tỉnh vùng Đông Bắc tiếp cận với cảng biển nhanh chóng và thuận tiện. Trong bối cảnh đó, Lạng Sơn được hưởng lợi từ phát triển KTCK với việc xuất khẩu nông sản qua Trung Quốc.
Tính riêng trong năm 2023, theo Cục Thống kê Lạng Sơn, lượng phương tiện XNK trung bình đạt 1.100 xe/ngày -1.300 xe/ngày. Trong đó, xuất khẩu khoảng 400-450 xe/ngày; nhập khẩu khoảng 700 - 850 xe/ngày. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh năm 2023 ước đạt 4.925 triệu USD, đạt 129,6% kế hoạch, tăng 60,9% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 2.750 triệu USD, tăng 168,8% so với cùng kỳ; nhập khẩu ước đạt 2.175 triệu USD, đạt 87% kế hoạch, tăng 6,8% so với cùng kỳ. Hàng xuất khẩu địa phương 2023 ước đạt 156 triệu USD, đạt 101,3% kế hoạch, tăng 9,9% so với cùng kỳ.
Mặc dù chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nhưng những năm qua có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực về xu hướng gia tăng tỷ trọng cũng như xếp hạng của tỉnh Lạng Sơn so với các tỉnh/thành phố trong cả nước.
Nếu như năm 2013 tỉnh Lạng Sơn chỉ chiếm 0,092% giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, xếp thứ 48 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố, thì đến năm 2015 tương ứng chiếm 0,16% và xếp hạng thứ 47; năm 2020 Lạng Sơn chiếm 0,29% giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam và vươn lên xếp hạng thứ 39. Qua đó có thể thấy, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Lạng Sơn đang ngày càng phát triển, biểu hiện bằng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa có xu hướng tăng qua các năm, cũng như chiếm tỷ trọng ngày càng nhiều hơn trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.
Về tình hình thu ngân sách Nhà nước, báo cáo của UBND Lạng Sơn cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn không ổn định qua các năm, năm 2020 đạt 7.251 tỷ đồng cao gấp 2,6 lần năm 2010 nhưng lại thấp hơn năm 2015. Giai đoạn 2016 - 2020 tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 33.258 tỷ đồng, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 là 9.277 tỷ đồng. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng thu NSNN của Việt Nam, duy trì từ 0,5% đến dưới 1% trong suốt giai đoạn 10 năm qua.
Sang năm 2023, kinh tế tiếp tục phục hồi, nhiều ngành, lĩnh vực đã dần ổn định, tăng trưởng so với năm 2022. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện năm 2023 đạt 7.700 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa ước đạt 2.580,0 tỷ đồng, giảm 10,8% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện đạt 5.100,0 tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ; các khoản huy động, đóng góp thực hiện được 16,9 tỷ đồng, tăng 248,8% so với cùng kỳ.
Đối với chi ngân sách, chi ngân sách địa phương tăng qua các năm, từ 4.078 tỷ đồng năm 2010 lên 9.697 tỷ đồng năm 2015 và đạt 13.932 tỷ đồng năm 2020. Tổng chi ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2020 là 97.678 tỷ đồng, tổng chi năm 2020 tăng gấp 3,4 lần năm 2010. Tính riêng trong năm 2023, dự ước tổng chi ngân sách địa phương cỉa Lạng Sơn là 15.736 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ, trong đó: Chi cân đối ngân sách địa phương là 10.738, 7 tỷ đồng, tăng 17,2% so cùng kỳ; Chi các chương trình mục tiêu và một số nhiệm vụ khác 2.576,4 tỷ đồng tăng 41,1% so với cùng kỳ.