Tỉnh Quảng Nam sẽ hình thành 6 đô thị mới, nâng cấp Hội An lên đô thị loại II
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mới đây đã ký, ban hành Quyết định số 72/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Quy hoạch được phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030, Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 8%/năm. Cơ cấu kinh tế: Khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 9 - 9,5%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 37,5 - 37,8%; khu vực dịch vụ chiếm khoảng 36 - 37,0%; thuế trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 16,2 -17,0%. GRDP bình quân đầu người đạt trên 7.500 USD. Năng suất lao động tăng bình quân 6,5 - 7%/năm. Kinh tế số đóng góp khoảng 30% GRDP. Tỷ lệ vốn đầu tư trên GRDP bình quân hằng năm trên 30%.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân hằng năm trên 12%. Thu ngân sách tăng bình quân hằng năm trên 10%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng bình quân hằng năm trên 15%. Thu hút trên 15 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 08 triệu lượt khách quốc tế và 07 triệu khách nội địa. Thuộc nhóm tốt của cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công, chỉ số chuyển đổi số.
Để hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra, Quảng Nam sẽ triển khai mô hình không gian "hai vùng, hai cụm động lực, ba hành lang phát triển." Vùng Đông (đồng bằng ven biển) sẽ tập trung vào kinh tế biển, công nghiệp, thương mại, và du lịch, trong khi Vùng Tây (miền núi) sẽ bảo tồn hệ sinh thái rừng, phát triển nguồn nguyên liệu lâm sản và dược liệu. Hai cụm động lực, Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc và Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh, sẽ hỗ trợ sự phát triển của khu vực, kết nối với các không gian kinh tế khác và tăng cường chuỗi đô thị ven sông, ven biển.
Ba hành lang phát triển gồm Hành lang động lực kinh tế ven biển từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến ven biển: Tập trung các không gian công nghiệp sinh thái, công nghiệp công nghệ cao, du lịch xanh và chuỗi đô thị sông, biển gắn với cảng biển và Cảng hàng không Chu Lai.
Hành lang dọc đường Đông Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh thuộc không gian phía Tây của tỉnh: Tập trung công nghiệp thủy điện, khai thác, chế biến khoáng sản, nông, lâm nghiệp, bảo tồn, phát huy văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số; là cửa ngõ giao thương với các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Thừa Thiên Huế. Hành lang dọc quốc lộ 14B và quốc lộ 14E nối lên quốc lộ 14D đến Cửa khẩu quốc tế Nam Giang: Là trục giao lưu với vùng kinh tế Tây Nguyên và Nam Lào - Bắc Campuchia.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng đô thị hóa ở cả các đô thị hiện hữu và đô thị mới. Từng bước giảm áp lực cho đô thị cổ Hội An trên cơ sở phát triển không gian đô thị vùng Đông thị xã Điện Bàn và các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình.
Cụ thể, đến năm 2030, nâng cấp Hội An lên đô thị loại II, Điện Bàn lên đô thị loại III, Ái Nghĩa lên đô thị loại IV, hình thành 02 đô thị mới là Việt An và Kiểm Lâm; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 40%. Đến năm 2025, nâng cấp 02 đô thị Nam Phước và Hà Lam lên đô thị loại IV, hình thành 04 đô thị mới là Duy Nghĩa - Duy Hải, Bình Minh, Đại Hiệp, Tam Dân; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 37%.
Về phương án phát triển khu kinh tế, tiếp tục phát triển 02 khu kinh tế trọng điểm là Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang.
Phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai thành trung tâm đa ngành với đột phá chính trong cơ khí, ô tô, và công nghiệp hỗ trợ. Hình thành trung tâm chế biến dược liệu quốc gia, trung tâm công nghiệp silica của khu vực miền Trung. Tận dụng cảng biển, sân bay, hình thành khu phi thuế quan liên kết với các trung tâm sản xuất và dịch vụ đặc thù, tạo đô thị mới hiện đại và khu du lịch cao cấp.
Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang đóng vai trò cửa ngõ logistics quan trọng, liên kết vùng kinh tế miền Trung với vùng Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan thông qua tuyến đường bộ hành lang quốc tế Đông - Tây. Xây dựng cảng cạn liên kết với các cảng biển lân cận, thúc đẩy hoạt động kho bãi và trung chuyển, sử dụng lực lượng lao động địa phương.
Đầu tư Cảng hàng không Chu Lai đạt tiêu chuẩn cảng hàng không quốc tế với quy mô cấp 4F. Cảng biển Quảng Nam đạt tiêu chuẩn loại I tiếp nhận tàu đến 50.000 DWT. 100% các trục giao thông quốc lộ, tỉnh lộ và các trục giao thông quan trọng kết nối các khu chức năng, các vùng sản xuất tập trung được nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch; trên 60% trục đường chính trong các đô thị được đầu tư hoàn chỉnh. Giao thông đường thủy nội địa thông suốt đúng chuẩn tắc luồng, đặc biệt là các tuyến đường thủy nội địa trên các sông Trường Giang, Cổ Cò, Thu Bồn, Vĩnh Điện.
Về phát triển khu công nghiệp, rà soát và điều chỉnh quy mô các khu công nghiệp hiện đang triển khai, loại bỏ các diện tích không phù hợp, đồng thời đầu tư đồng bộ hạ tầng và thu hút đầu tư. Bổ sung các khu công nghiệp mới tại Điện Bàn, Đại Lộc, Quế Sơn, Thăng Bình, Hiệp Đức, Phú Ninh, Tiên Phước, kết hợp với các tuyến quốc lộ, cao tốc, và tỉnh lộ thuận lợi.
Sắp xếp và phân bố cụm công nghiệp hợp lý, đồng bộ hóa hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường, hiệu quả sử dụng đất, và thu hút đầu tư. Bố trí gần nguồn nguyên liệu, giải quyết việc làm tại chỗ, và đảm bảo khoảng cách phù hợp với đô thị và dân cư. Chặt chẽ quản lý xử lý môi trường tại các cụm công nghiệp. Chuyển đổi hình thức nhà nước hỗ trợ giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào cụm công nghiệp, trong khi doanh nghiệp chịu trách nhiệm quản lý và khai thác hạ tầng bên trong.
Đến năm 2050, Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững, mang đậm bản chất văn hóa đặc trưng con người Xứ Quảng; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương, có đóng góp lớn cho ngân sách trung ương; là trung tâm du lịch quốc tế quan trọng trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các di sản văn hóa thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới.