Tỉnh thành nào chi tiêu nhiều nhất cho việc cúng lễ đầu năm?
Có tương quan rõ rệt giữa thu nhập và chi tiêu cho cúng lễ. Theo đó, các tỉnh, thành phố có mức thu nhập cao thì cũng có mức chi tiêu cao hơn cho hoạt động này.
Tháng Giêng, người Việt có thói quen đi chùa, chiền, xem bói, dâng sao giải hạn với mong muốn một năm mới bình yên. Nhân câu chuyện này, TS. Nguyễn Việt Cường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách công và Quản lý, trường Đại học Kinh tế quốc dân, trên trang cá nhân, đã đưa ra một phân tích vui, về việc chi tiêu cho thói quen này.
Dữ liệu được ông sử dụng dựa vào Khảo sát Mức sống hộ gia đình của Tổng cục Thống kê năm 2012, 2014 và 2016. Việc này nhằm có được cỡ mẫu tương đối lớn cho đại diện được cấp tỉnh. Mức giá được điều chỉnh về giá của năm 2016.
Từ số liệu, ông Cường cho biết Đà Nẵng là thành phố có mức chi bình quân cho cúng lễ cao nhất, khoảng 1,6 triệu đồng/năm. Ông cũng nhấn mạnh sự đo lường này chỉ tính mức chi tiêu cho cúng lễ chứ không bao gồm chi phí ma chay giỗ chạp lớn.
Theo sau Đà Nẵng là Quảng Ninh và Hà Nội với mức chi bình quân khoảng 1,3 triệu đồng/năm. Vị trí thứ tư và năm thuộc về TP. Hồ Chí Minh và Bình Thuận.
Tỉnh có chi tiêu thấp nhất cho cúng lễ là Cà Mau, với 156 nghìn đồng/hộ/năm. Kế tiếp là Cao Bằng, Sơn La cũng có mức chi tiêu cúng lễ dưới 200 nghìn đồng.
Số liệu cũng cho thấy có sự tương quan rõ rệt giữa thu nhập và chi tiêu cho cúng lễ. Các tỉnh, thành phố có mức thu nhập cao thì cũng có mức chi tiêu cao cho cúng lễ. Tuy nhiên ông Cường chỉ ra rằng cũng có một số ngoại lệ.
Ví dụ như Bình Dương. Tỉnh này có thu nhập bình quân đầu người chỉ sau TP. Hồ Chí Minh nhưng có chi tiêu cho cúng lễ khá thấp.
"Có thể Bình Dương có nhiều lao động trẻ nhập cư nên chi tiêu cho cũng lễ không nhiều. Bến Tre cũng có chi tiêu cho thờ cúng thấp hơn so với các tỉnh khác cùng mức thu nhập", ông nói. Ngược lại, Quảng Nam và Bình Thuận có chi tiêu cho thờ cúng cao hơn hẳn so với các tỉnh cùng mức thu nhập.