MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tình thế tiến thoái lưỡng nan của các gã khổng lồ đang làm ăn tại nền kinh tế có tiềm năng vượt Mỹ ở một lĩnh vực quan trọng: Đi không nỡ mà ở cũng chẳng đành

31-03-2024 - 08:47 AM | Tài chính quốc tế

Được đánh giá là có tiềm năng cực kỳ lớn, Nigeria vẫn là thị trường khó nhằn đối với các gã khổng lồ toàn cầu trong bối cảnh đồng nội tệ mất giá mạnh và các thách thức khác.

Một số công ty tiêu dùng phổ biến nhất thế giới như Unilever, Diageo hay Nestlé đang nỗ lực hết sức để đạt được thành công ở Nigeria vì bị thu hút bởi tiềm năng đáng kinh ngạc của nền kinh tế lớn nhất và quốc gia đông dân nhất châu Phi.

Ngược lại, các tập đoàn khổng lồ khác đang rút lui hoàn toàn hoặc thuê ngoài để phân phối tại quốc gia này trong bối cảnh khủng hoảng tiền tệ và những thách thức lâu dài khác của Nigeria, bao gồm tình trạng nghèo đói lan rộng, tham nhũng và đôi khi là sự thất thường của các cơ quan quản lý.

Với độ tuổi trung bình chỉ hơn 18 tuổi, dân số Nigeria được dự đoán sẽ tăng gần gấp đôi lên khoảng 400 triệu người vào năm 2050 – vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia có dân số lớn thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Trung Quốc.

Nhưng Nigeria cũng là một nơi cực kỳ khó để kiếm lợi nhuận ổn định. Đồng nội tệ mất giá, lạm phát tăng cao và tình trạng thiếu hụt đồng đô la trầm trọng đã ngăn cản các công ty thu về lợi nhuận. Một số ông lớn, chẳng hạn như Walmart, đã rời Nigeria và những công ty khác như gã khổng lồ dược phẩm GSK có trụ sở tại Anh đã thuê ngoài hoạt động kinh doanh tại quốc gia châu Phi này.

Achumile Mashalaba, chuyên gia tại quỹ Ninety One của Nam Phi, cho biết: “Các nhà bán lẻ luôn nói về lợi thế dân số. Nhưng khi đến đó, họ luôn bị sốc trước những thách thức của đồng đô la”.

Đồng naira của Nigeria đã giảm khoảng 70% so với đồng đô la kể từ tháng 6, khi Tổng thống Bola Tinubu cho biết ngân hàng trung ương sẽ không hỗ trợ đồng naira bằng cách hạn chế mức độ tiếp cận đồng bạc xanh. Động thái này được cho là giúp các doanh nghiệp hoạt động trong nước dễ dàng hơn. Nhưng trên thực tế, nhiều công ty vẫn đang gặp khó khăn trong việc huy động đô la từ ngân hàng trung ương để thanh toán hàng nhập khẩu hoặc chuyển lợi nhuận trong nước sang ngoại tệ mạnh.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu đô la là do sản lượng dầu của Nigeria giảm mạnh, khoảng 1/3 trong 15 năm qua. Hơn 90% ngoại tệ Nigeria thu được đến từ việc bán dầu.

‘Thị trường của tương lai’

Để kiềm chế nhu cầu về đô la và giảm thiểu rủi ro từ đồng naira sụt giảm, một số công ty đa quốc gia đã chọn cách cắt giảm nhập khẩu và phụ thuộc nhiều hơn vào nguyên liệu sản xuất tại địa phương.

Unilever Nigeria năm ngoái đã ngừng bán những sản phẩm cần chi đô la để nhập khẩu nguyên liệu, như bột giặt OMO, nước rửa chén Sunlight và xà phòng Lux. Thay vào đó, dòng sản phẩm hiện tại của Unilever ở Nigeria tập trung nhiều hơn vào thực phẩm, chẳng hạn như nước dùng Knorr và gia vị, cũng như các sản phẩm vệ sinh như Vaseline hoặc kem đánh răng. Đây là những mặt hàng mang lại nhiều lợi nhuận nhất và có thể sử dụng nguyên liệu được cung cấp tại địa phương.

Đơn cử, Unilever Nigeria hiện sản xuất kem đánh răng Pepsodent với sorbitol có nguồn gốc từ củ sắn Nigeria, thay vì nhập nguyên liệu từ Trung Quốc. Unilever đang mua 70% nguyên liệu từ châu Phi, giúp giảm đáng kể nhu cầu về đô la và các loại tiền tệ khó kiếm khác.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan của các gã khổng lồ đang làm ăn tại nền kinh tế có tiềm năng vượt Mỹ ở một lĩnh vực quan trọng: Đi không nỡ mà ở cũng chẳng đành- Ảnh 1.

Tim Kleinebenne, giám đốc điều hành của Unilever Nigeria, nhận định: “Nigeria là thị trường của tương lai. “Cho dù sắp phải đối mặt với tác động ngắn hạn nào đi chăng nữa, nếu muốn phát triển, bạn phải có mặt ở Nigeria”.

Guinness Nigeria – trực thuộc nhà sản xuất rượu mạnh Diageo có trụ sở tại London, sẽ ngừng nhập khẩu Johnnie Walker, Baileys và các loại rượu mạnh quốc tế cao cấp khác vào tháng Tư. Guinness sẽ tập trung vào các loại đồ uống được cho là phù hợp hơn với thị trường Nigeria, có hương vị thảo mộc và trái cây địa phương.

Nestlé Nigeria cũng cho biết biến động tiền tệ đã góp phần khiến công ty lỗ 50 tỷ naira trong 12 tháng kết thúc vào 30/6, so với khoản lãi 27,8 tỷ naira một năm trước đó.

Nestlé đã làm việc với các nhà cung cấp địa phương trong bốn năm qua để phát triển bột sắn chất lượng cao nhằm thay thế bột ngô nhập khẩu sử dụng trong các loại nước dùng Maggi.

Các công ty giảm bớt dấu chân tại Nigeria

Tập đoàn sản phẩm tiêu dùng khổng lồ Procter & Gamble – đối thủ của Nestlé và Unilever – đã đưa ra một lựa chọn khác. Công ty thông báo vào tháng 12 rằng họ sẽ đóng cửa nhà máy sản xuất bột giặt cuối cùng của mình ở Nigeria và quay trở lại nhập khẩu tất cả các sản phẩm.

Dumebi Oluwole, nhà kinh tế cấp cao công ty phân tích dữ liệu Stears, cho biết: “Thực sự không có cách tiếp cận nào tốt nhất hiện nay. Các công ty chỉ đang cố gắng quản lý rủi ro của họ. Điều quan trọng ở đây là họ phải trụ vững và vượt qua cơn bão kinh tế này”.

Oluwole nói rằng bằng cách chỉ nhập khẩu thành phẩm chứ không phải nguyên liệu thô, các công ty như P&G có thể lựa chọn những sản phẩm phù hợp nhất cho thị trường hiện tại và hướng tới tệp khách hàng thu nhập trung bình thấp đông đảo.

Công ty dược phẩm GSK cho biết vào tháng 8 rằng họ đã thuê ngoài hoạt động kinh doanh hơn 50 năm tuổi của mình ở Nigeria. Công ty con tại địa phương của công ty đã hủy niêm yết khỏi Sở giao dịch chứng khoán Nigeria. GSK hiện dựa vào nhà phân phối World Wide Commercial Ventures để mua sản phẩm từ các địa điểm sản xuất và bán chúng cho các hiệu thuốc và bệnh viện ở Nigeria. Trước đây, GSK xử lý toàn bộ chuỗi cung ứng.

Số khác đang rút lui

Công ty con Massmart ở Châu Phi của Walmart đã đóng cửa 5 cửa hàng ở Nigeria vào cuối năm 2022 sau khi không tìm được người mua chúng.

Các công ty dầu khí đa quốc gia cũng đang giảm dấu chân của họ ở Nigeria, và điều này có khả năng gây tổn hại thêm cho sản xuất dầu và nguồn ngoại tệ. TotalEnergies vào tháng 2 đã trở thành công ty dầu mỏ mới nhất thông báo họ đang tìm cách bán các hoạt động khai thác dầu trên đất liền ở đồng bằng Niger. Đây là nơi nạn trộm cắp và phá hoại hoành hành dẫn đến sự cố tràn dầu, bên cạnh các vụ kiện chống lại các công ty phương Tây.

Shell, Exxon Mobil và Eni của Ý gần đây đã đạt được thỏa thuận bán các hoạt động khai thác trên bờ và vùng nước nông ở Nigeria cho các công ty nhỏ hơn tại quốc gia này. Tuy vậy, các ông lớn này vẫn tiếp tục hoạt động khai thác ngoài khơi tại đây.

Theo WSJ

Yến Nguyễn

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên