“Tính tôi thẳng, có gì nói nấy, mọi người đừng để bụng”: Đáng sợ hơn cả EQ thấp là tưởng EQ ấy là "thẳng thắn chân thành"
EQ thấp không đáng sợ, đáng sợ là cứ dùng mấy từ như kiểu “tính tôi thẳng thắn”, “Tôi thích người thẳng thắn, không khoa môi múa mép, không giả tạo” để thấp hóa EQ cao, hợp lý hóa cái EQ thấp, rồi cự tuyệt việc nâng cao EQ của mình.
- 13-10-2020Sau tuổi 50, tâm lý trải qua sự biến đổi lớn: Điều chỉnh bản thân càng sớm, thích nghi càng tốt, nửa đời sau sống trong thảnh thơi
- 13-10-2020Sự thật về quan niệm "ăn một quả táo mỗi ngày, không cần phải gặp bác sĩ": Loại quả này có thực sự “kỳ diệu” với sức khỏe đến vậy?
EQ thấp và thẳng thắn chân thành, bạn thuộc team nào?
Góc nhìn khác nhau, quyết định sự khác biệt trong quan điểm
Thế nào là "góc nhìn"?
Bạn cầm một ly Starbucks đi trên phố. Một người đi từ phía ngược lại, ánh mắt bỗng toát lên sự khinh thường.
Bạn đại khái hiểu được ý của anh ta:
Ôi giời, con người hiện tại sống ảo quá, cầm một ly Starbucks là tưởng mình sang lắm. Uống Starbucks hay không không quan trọng, quan trọng là để người khác biết mình uống Starbucks.
Bạn tiếp tục đi về phía trước, gặp được người bạn thương nhân mà mình đã hẹn. Anh ta trông thấy bạn cầm ly Starbucks, tỏ ra rất kinh ngạc, nhưng cũng không nói gì.
Bạn đại khái hiểu được ý của anh ta:
Ôi giời, ông bạn kể cũng tiết kiệm, giờ vẫn còn uống Starbucks. Người ta sớm đã đổi sang uống cà phê đặc sản cao cấp từ lâu lắm rồi, mình thì vẫn uống loại cà phê đại chúng này, thì ra là địa vị cũng không quyết định được gu ẩm thực.
Cùng một việc, hai quan điểm, vì sao?
Đây chính là cái gọi là góc nhìn.
Đối với người thứ nhất, anh ta ngưỡng mộ, đố kị nên cho rằng người bình thường uống Starbucks trông rất giả tạo.
Đối với người thứ hai, anh ta khinh khỉnh, vì anh ta cảm thấy những người có quyền lực mà vẫn uống Starbucks thì là hơi kém.
Còn thực tế thì sao?
Tôi uống đơn giản vì: tôi thích uống thì tôi uống.
Cái chữ "thích", đối với người thứ nhất, nó là giả tạo; với người thứ hai thì nó lại là tầm thường.
Vì vậy, đừng tùy tiện dùng góc nhìn của mình để phán đoán cuộc sống của người khác, đặc biệt là với cái nhìn đầu tiên.
Góc nhìn của bạn: xa quá thì thành "coi thường", gần quá thì thành "phóng đại", hẹp quá thì sẽ thành "hẹp hòi" …
Đáng tiếc là, người có EQ thấp rất khó thoát ra khỏi góc nhìn của mình, đứng từ lập trường của người khác để nhìn nhận vấn đề, đặc biệt là khi không có một tiêu chuẩn rõ ràng về đúng sai.
Đáng sợ hơn cả EQ thấp đó là tưởng EQ thấp là thẳng thắn, là chân thành
Thế nào là EQ?
Bản chất của EQ là nghĩ cho người khác, xuất phát từ người khác, đồng cảm với người khác.
Người có EQ cao là người giỏi giao tiếp và hợp tác nhóm.
EQ không cao không đáng sợ, chúng ta có thể nỗ lực rèn luyện để nâng cao nó.
Đáng sợ hơn là khi có người nói với bạn rằng cái EQ thấp đó của bạn được gọi là: chân thành.
Một vài người EQ thấp hay thích nói kiểu: Con người tôi hơi "thẳng tính", có gì nói nấy, mọi người đừng để bụng.
Khi nói ra câu này, cảm xúc của anh ta là sự tự hào, "tôi nói thật, bạn không thích nghe, thế thì là bạn lòng dạ hẹp hòi".
Đây chính là điểm đáng sợ mà tôi nói.
Nếu bạn quả thực quan tâm, để ý tới cảm xúc của người khác, bạn sẽ biết cách "lựa lời mà nói".
Con cái thi không tốt, bạn sẽ nói: "Mẹ nói thật, sao con vô dụng thế hả con, hết thuốc chữa rồi con ạ!"
Bạn sẽ nói như vậy chứ?
Đừng!
Bạn sẽ nói: "Lần này thi không tốt cũng không sao, lần sau cố gắng, con xem xem lần này mình hay sai nhiều ở đâu rồi sửa, chỉ cần tiến bộ, lần thi này cũng coi như không lãng phí."
Vì sao bạn lại nói như vậy?
Bởi vì bạn nghĩ cho con, bạn để ý tới cảm xúc của con bạn, bạn đồng cảm với con bạn.
Bạn bè lâu ngày không gặp, cũng chẳng phải bạn bè thân thiết, câu đầu tiên bạn thốt ra khi gặp lại họ là: "Uây, lâu không gặp, sao giờ trông mày phát tướng ra xấu thế!"
???
Ranh giới giữa đùa và nghiêm túc trong câu nói này quả thực rất mong manh, trong khi họ thậm chí còn không phải là bạn thân của bạn, dù có là bạn thân, thì cũng có thể lựa chọn từ ngữ tinh tế hơn.
Bạn cho rằng đó là thẳng thắn, là nói ra để họ biết mình đang trong trạng thái nào, có gì nếu muốn thay đổi thì còn kịp, trong khi bạn còn chẳng buồn để ý người ta sẽ cảm thấy ra sao khi lắng nghe câu nói đó của bạn trước mặt nhiều người như vậy?
Bạn cho rằng đó là chân thành, là thẳng thắn góp ý? Không, đó là EQ thấp.
"Tính… thẳng thì cũng biết rồi đấy", khi nói ra những câu như này, là bạn đang tự tay vứt bỏ đi hai chữ "EQ", tự tay nói không với đồng cảm với người khác.
Cũng có nhiều người nói rằng "tôi thích những người thẳng tính, ít nhất họ không giả tạo."
Đây là một suy nghĩ rất đáng sợ.
Họ "thấp hóa" những người có EQ cao, rồi hợp lý hóa cái EQ thấp của mình.
Kỹ năng giao tiếp kém, ít đối tác, bị xã hội cho ra rìa, và cuối cùng đổ lỗi cho xã hội này rằng: "Xã hội này bây giờ không ai thích nghe sự thật".
EQ thấp không đáng sợ, đáng sợ là cứ dùng mấy từ như kiểu "tính tôi thẳng thắn", "Tôi thích người thẳng thắn, không khoa môi múa mép, không giả tạo" để thấp hóa EQ cao, hợp lý hóa cái EQ thấp, rồi cự tuyệt việc nâng cao EQ của mình.
Giáo sư Tâm lý học tại Trường Kinh doanh Đại học London, Tomas Chamorro-Premuzic và Nhà tâm lý học Tổ chức Michael J. Sandel, trong một bài báo trên tạp chí "Harvard Business Review" đã chia sẻ 5 bước chính để phát triển trí tuệ cảm xúc hay EQ của một người như sau:
Bước 1. Nhìn nhận rõ bản thân
Thực sự hiểu rõ bản thân là có thể nhận ra điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, biết điểm mạnh và điểm yếu này so với người khác như thế nào.
Bước 2. Từ quan tâm bản thân tới quan tâm người khác
Quan tâm đến người khác bắt đầu bằng việc đánh giá cao và công nhận điểm mạnh, điểm yếu và giá trị của các thành viên khác trong nhóm.
Bước 3. Trở thành một đối tác qua lại có lợi
Tích cực chia sẻ kiến thức và tài nguyên mà không đòi hỏi được báo đáp lại bất cứ điều gì, điều này sẽ mang lại lợi ích rất to lớn.
Bước 4. Kiểm soát cảm xúc của bản thân
Nếu bạn quá nhạy cảm, dễ xúc động và hay cáu kỉnh, hãy suy ngẫm về điều gì khiến bạn tức giận hoặc thất vọng, đồng thời quan sát xu hướng cực đoan của bản thân khi gặp thất bại.
Không chỉ cần biết bạn sẽ có những cảm xúc gì trong các tình huống thực tế, mà quan trọng hơn là phải biết rõ điều gì đã gây ra những cảm xúc đó.
Bước 5. Khiêm tốn
Những người có kỹ năng lãnh đạo thường không quan tâm nhiều đến chức danh của mình vì họ khiêm tốn.
"Khả năng duy trì sự cân bằng giữa tự tin và khiêm tốn, không thiên vị, sẵn sàng tiếp thu ý kiến và dũng cảm thừa nhận sai lầm là những năng lực rất đáng quý."
Mỗi người đều là CEO của chính mình.
Mong bạn có thể trở thành một người biết kiểm soát cảm xúc của bản thân, thắng không kiêu ngạo, thua không thỏa hiệp, ung dung đối mặt với cuộc đời, quan trọng hơn là biết nghĩ và để ý tới cảm xúc của những người xung quanh mình.
Trí Thức Trẻ