MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỉnh từng "bét bảng" trở thành nơi hội tụ của các "ông lớn" Honda, Toyota, sẽ là trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước

Tỉnh từng "bét bảng" trở thành nơi hội tụ của các "ông lớn" Honda, Toyota, sẽ là trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước

Từng đứng thứ 57/61 tỉnh thành của cả nước về phát triển kinh tế, đến nay, địa phương này đã vươn lên đứng thứ 9 cả nước, trở thành nơi hội tụ của các "ông lớn" Honda, Toyota. Trong năm 2021, GRDP của tỉnh ước tăng 8,02% so với năm 2020, đưa giá trị GRDP bình quân đầu người lên 114,2 triệu đồng/người.

GRDP tăng gấp 70 lần sau 25 năm

Thời điểm tái lập tỉnh năm 1997, Vĩnh Phúc vẫn là tỉnh nghèo, đứng thứ 57/61 tỉnh thành của cả nước về phát triển kinh tế. Kinh tế tăng trưởng thấp, tỷ trọng nông nghiệp chiếm phần lớn, công nghiệp chỉ chiếm khoảng 12% tỷ trọng trong cơ cấu GDP, kết cấu hạ tầng vừa thiếu vừa yếu, thu ngân sách dưới 100 tỷ đồng, phải nhận trợ cấp từ Trung ương.

Tuy nhiên, sau 25 năm kể từ năm 1997, Vĩnh Phúc đã vươn lên trở thành tỉnh có tăng trưởng kinh tế nằm trong top đầu cả nước. Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 của tỉnh cho thấy, mặc dù Vĩnh Phúc bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, nhưng 18/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đạt và vượt mức kế hoạch đề ra.

Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh ước tăng 8,02% so với năm 2020, cao thứ 9 toàn quốc, tăng gấp 70 lần so với năm 1997. Quy mô GRDP (theo giá hiện hành) ước đạt 136,1 nghìn tỷ đồng, đưa giá trị GRDP bình quân đầu người lên 114,2 triệu đồng/người, tăng 8,7 triệu đồng/người so với năm 2020.

Bên cạnh đó, từ năm 1997 đến năm 2009 Vĩnh Phúc chính thức gia nhập các tỉnh có thu ngân sách 10.000 tỷ đồng; đến năm 2020 tổng thu ngân sách đạt mốc trên 20.000 tỷ đồng và con số này của năm 2019 là hơn 35.000 tỷ đồng (xếp thứ 8 cả nước).

Sang đến năm 2021, con số này ước đạt 32.094 tỷ đồng, bằng 104,5% dự toán, riêng thu nội địa là 27.674 tỷ đồng, đạt 102,4% dự toán; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt trên 114 triệu đồng.

Báo cáo kết quả thực hiện một số nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, định hướng năm 2022, tỉnh đã đề ra một số mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội trong năm tới. Trong đó, GRDP tăng từ 8,5 – 9%, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 31,2 nghìn tỷ đồng; thu hút 450 triệu USD vốn FDI và 10,5 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước (DDI); giải quyết việc làm cho khoảng 16 – 17 nghìn lao động…

Tỉnh từng bét bảng trở thành nơi hội tụ của các ông lớn Honda, Toyota, sẽ là trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước - Ảnh 1.

GRDP bình quân đầu người tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 1997-2021. Nguồn: UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Sẽ là trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước

Về tình hình thu hút đầu tư, nếu năm 1998 trên địa bàn tỉnh mới chỉ thu hút được 8 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 1 dự án có vốn đầu tư trong nước (DDI), sang đến 2021, toàn tỉnh có 433 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7,1 tỷ USD và 822 dự án DDI với tổng vốn đầu tư là hơn 106,4 nghìn tỷ đồng.

Tính riêng năm 2021, tổng vốn đầu tư FDI cấp mới và tăng vốn của tỉnh Vĩnh Phúc ước đạt trên 1 tỷ USD, bằng 253,75% kế hoạch năm, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020, cao thứ 2 (chỉ sau năm 2019 với mốc 1.160 triệu USD) kể từ khi tái lập tỉnh.

Một minh chứng rõ nét cho triển vọng của dòng vốn FDI vào Vĩnh Phúc trong thời gian tới chính là Biên bản Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa UBND tỉnh Vĩnh Phúc với với Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản), Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) và Công ty thành viên Vilico trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản cuối tháng 11/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Đây là thỏa thuận đầu tư, phát triển dự án bò thịt tại Vĩnh Phúc với tổng mức đầu tư khoảng 500 triệu USD. Mặc dù, mới chỉ là cam kết đầu tư ban đầu, vẫn còn rất nhiều thủ tục phải hoàn thiện cho đến lúc dự án chính thức được triển khai song theo giới phân tích, dự án sẽ mở ra những cơ hội mới cho địa phương trong việc thu hút đầu tư trong tương lai, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp – công nghệ cao.

Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc cũng là tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp lớn, là một trong những trung tâm sản xuất ô tô, xe máy của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Vĩnh Phúc đặt ra mục tiêu tổng quát, phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước.

Đến nay, tỉnh có 18 khu công nghiệp (KCN) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với diện tích trên 5.200 ha, 32 cụm công nghiệp (CCN) diện tích gần 700 ha; trong đó, có 8/12 KCN đã đi vào hoạt động, 16 CCN đã có chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng với sự hiện diện của nhiều Tập đoàn toàn cầu như Toyota, Honda, Sumitomo (Nhật Bản); Piaggio (Italia); De Heus (Hà Lan); Partron Vina, Haesung Vina, Cammsys (Hàn Quốc); Prime Group (Thái Lan);…

Theo Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), Vĩnh Phúc hiện có 16 doanh nghiệp nội địa đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các ngành điện tử, ô tô, xe máy… của các công ty FDI tại Việt Nam với vai trò là nhà cung ứng lớp 1.

"Số lượng này chiếm 5% trong hơn 300 doanh nghiệp toàn quốc là nhà cung cấp lớp 1 của các công ty FDI, xếp thứ 4, chỉ sau Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh. Đây được xem là nền tảng tốt để Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ đặc biệt là trong lĩnh vực ô tô trong thời gian tới", VASI nhận định.

Trong giai đoạn 2020-2025, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu thu hút thêm từ 2 đến 2,5 tỷ USD vốn FDI và 20-25 nghìn tỷ đồng vốn DDI, Vĩnh Phúc nằm trong top 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về số lượng cũng như chất lượng các dự án đầu tư.

Quỳnh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên