Tỉnh ven biển miền Trung chuẩn bị triển khai dự án "siêu băng chuyền" gần 1.500 tỷ vận chuyển khoáng sản xuyên biên giới
Tuyến băng tải vận chuyển than có tổng chiều dài 6.115m, công suất thiết kế 30 triệu tấn/năm, trong đó giai đoạn 1 là 15 triệu tấn/năm và giai đoạn 2 là 15 triệu tấn/năm.
Ngày 28/6, UBND tỉnh Quảng Trị xác nhận, ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt nam đoạn qua địa bàn xã A Ngo, huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị).
Dự án với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, đáp ứng một phần nhu cầu tiêu thụ than trong nước, phục vụ phát triển ngành kinh tế.
Theo đó, dự án có diện tích đất dự kiến sử dụng 23,82 hécta, công suất thiết kế 30 triệu tấn/năm. Tuyến băng vận tải từ Lào về Việt Nam trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam có chiều dài 6,115 m. Công suất thiết kế của dự án là 30 triệu tấn/năm, trong đó giai đoạn 1 là 15 triệu tấn/năm, giai đoạn 2 là 15 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư hơn 1.489 tỷ đồng.
Phương án tuyến được triển khai với 3 đoạn, trong đó đoạn 1 là tuyến nằm trong phạm vi 100m tính từ đường biên giới về phía lãnh thổ Việt Nam. Điểm đầu của hệ thống băng tải là đường biên giới Việt Nam - Lào, điểm cuối tuyến tại kho bãi hàng hóa phía Việt Nam thuộc thông A Đeng (xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị).
Toàn tuyến này được chia thành 7 đoạn và 7 trạm chuyển tải và các công trình phục vụ gồm: Các trạm chuyển tải, trạm biến áp và đường dây; hệ thống cung cấp điện, điều khiển; hệ thống cung cấp nước; hệ thống thông tin liên lạc; hệ thống kiểm soát người và hàng hóa thẩm lậu; hệ thống PCCC; hệ thống camera giám sát...
Tỉnh Quảng Trị kỳ vọng, khi dự án trên đi vào hoạt động, sẽ giảm áp lực thông quan hàng hóa tại Cửa khẩu quốc tế La Lay (huyện Đakrông) và khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường Quốc lộ 15D.
Năng lực nhập khẩu hiện tại của Quảng Trị cũng chỉ đạt khoảng 2 triệu tấn mỗi năm, cao điểm nhất đạt 15.000 tấn/ngày với 500 lượt xe qua lại. Tính từ năm 2021 đến tháng 4/2023, than đá nhập qua cửa khẩu La Lay đạt 800.000 tấn, trị giá 70 triệu đô la Mỹ, trong đó lượng hàng 4 tháng đầu năm nay gần bằng cả năm 2022.
Được biết, tình trạng ùn ứ kéo dài tại Cửa khẩu Quốc tế La Lay diễn ra từ đầu năm 2023 đến nay. Nguyên nhân là do số lượng phương tiện xuất, nhập khẩu chưa hoàn thiện, còn dở dang. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu than hiện nay tăng đột biến, trung bình mỗi ngày có khoảng 300 - 400 phương tiện trọng tải lớn xuất - nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế La Lay chở than về Việt Nam.
Chuyên viên biên giới hai nước đã khảo sát thực địa và thống nhất kiến nghị hai Chính phủ cho phép đầu tư băng tải than đá ở khu vực biên giới, thay thế phương thức vận chuyển bằng xe tải như hiện nay. UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, phương án này hiệu quả để tăng năng suất than nhập khẩu, giảm thiểu rủi ro, bảo vệ môi trường và tránh hư hỏng hạ tầng giao thông.
Ngoài dự án băng tải dài hơn 6km này, nhà đầu tư còn đề xuất với Quảng Trị xây dựng một đoạn băng tải khác nối dự án này về với cảng biển Mỹ Thủy. Đồng thời, nhà đầu tư xây dựng một hệ thống băng tải khác ở Lào, nối mỏ than ở tỉnh Sekong với biên giới Việt Nam - Lào. Ba dự án sẽ tạo thành hệ thống băng tải thống nhất, dài 160km để đưa than đá từ mỏ than ở Lào về cảng biển Việt Nam, xuất đi các tỉnh thành và các nước.