MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổ chức đưa đón, thay cho việc công nhân đi xe máy về quê ăn Tết

Năm 2019 lần đầu tiên kể từ năm 2014, số người chết do tai nạn giao thông đã giảm trên mức 5% ...

Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bảo đảm an toàn giao thông năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, ngày 28/12.

Tại đây, Phó thủ tướng Thường trực cho biết năm 2019 lần đầu tiên kể từ năm 2014, số người chết do tai nạn giao thông đã giảm trên mức 5% (giảm 7,15%), số vụ tai nạn giao thông, số người bị thương cũng giảm trên 5% so với năm 2018.

Về nhiệm vụ năm 2020, Phó thủ tướng Thường trực nhấn mạnh 8 trọng tâm và đề nghị các bộ, ngành, địa phương quyết liệt, nghiêm túc thực hiện.

Một là, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông. Đặc biệt năm 2020 là năm cả nước tổ chức lập quy hoạch tổng thể và quy hoạch ngành đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 nên cần phải lồng ghép mục tiêu và các giải pháp chiến lược về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, khắc phục ùn tắc giao thông vào các quy hoạch.

Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành tập trung xây dựng Luật Giao thông đường bộ mới, thay thế cho Luật 2008. Sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và yêu cầu của nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phù hợp với xu thế phát triển của khoa học công nghệ, yêu cầu hội nhập quốc tế.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân.

Ba là, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và hiệu lực, hiệu quả tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm. Về quản lý nhà nước, Phó thủ tướng đề nghị ngành giao thông vận tải, ngành xây dựng và các ngành có liên quan tập trung cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, chống tiêu cực trong đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, thuyền viên; đăng kiểm phương tiện; an toàn, an ninh hàng không; quản lý quy hoạch - trật tự xây dựng. Đặc biệt là triển khai thực hiện hiệu quả nghị định mới về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà Chính phủ sắp ký ban hành.

Bộ Công an cần tiếp tục chỉ đạo tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông như vi phạm về nồng độ cồn, ma tuý và tốc độ; quan tâm xử lý vi phạm về sử dụng điện thoại khi lái xe và không thắt dây bảo hiểm khi ngồi trên xe ô tô.

Bốn là, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gắn với duy tu, bảo đảm an toàn giao thông và khai thác có hiệu quả các công trình hạ tầng hiện hữu và bảo vệ hành lang an toàn giao thông.

Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố tập trung thực hiện các dự án trên tuyến đường cao tốc Bắc Nam phía Đông và các công trình trọng điểm khác, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội khẩn trương đưa tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác, sớm sửa chữa, bảo đảm an toàn giao thông cho tuyến cao tốc Tp.HCM -Trung Lương trong năm 2020…

Năm là, tiếp tục tập trung cải thiện chất lượng nâng cao thị phần vận tải thuỷ và vận tải ven biển để giảm lưu lượng vận tải hàng hóa bằng xe tải trên đường bộ.

Sáu là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông vận tải và bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đề nghị Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí xử phạt để mua sắm, lắp đặt và kết nối hệ thống camera giám sát, hỗ trợ xử phạt vi phạm giao thông và bảo đảm an ninh trật tự đồng thời sớm có hướng dẫn cụ thể việc sử dụng dữ liệu hình ảnh do người dân cung cấp để làm căn cứ xử phạt theo quy định.

Bảy là, thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát chặt điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới, đặc biệt là trong các khu vực trung tâm đô thị.

UBND thành phố Hà Nội, Tp.HCM khẩn trương thực hiện kiểm tra khí thải đối với mô tô xe máy theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; có phương án thu hồi, đổi để loại bỏ phương tiện cũ nát, không đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường. Việc Hà Nội có phương án giảm lượng xe tải lưu thông trong nội đô là tích cực. Đề nghị thành phố có báo cáo đánh giá hiệu quả để có thể nhân rộng.

Tám là, tiếp tục quản lý chặt chẽ công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng bảo đảm việc đầu tư, xây dựng mới hoặc điều chỉnh, sắp xếp các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện... trong các đô thị phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông động và giao thông tĩnh và vận tải công cộng...

"Tết này, các địa phương nghiên cứu tổ chức dịch vụ chuyên chở đưa đón công nhân về quê vui Tết cùng gia đình, thay cho việc họ tự đi xe gắn máy, gây ùn tắc và tai nạn giao thông. Kiềm chế, ngăn chặn không để xảy ra tai nạn giao thông là món quà Tết ý nghĩa nhất đối với người dân", Phó thủ tướng phát biểu.

Theo Nguyên Vũ

Vneconomy

Trở lên trên