Tổ chức tài chính quốc tế muốn được nhận thế chấp sổ đỏ ở Việt Nam
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp nghiên cứu đề xuất này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định...
- 11-10-2019Cảnh báo tình trạng công nhân “vay tiền nóng”, thế chấp thẻ ATM
- 07-10-2019Vụ hàng trăm sổ đỏ bị thế chấp ngân hàng: Bán nhà xong, liền xin phá sản
- 01-03-2019Khó thế chấp tài sản sở hữu trí tuệ vay vốn ngân hàng
Chiều 7/11, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tiếp đoàn Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) do bà Stephanie von Friedeburg, Giám đốc điều hành dẫn đầu đang có chuyến công tác tại Việt Nam.
Bà Stephanie von Friedeburg cho biết, IFC đánh giá cao các cơ hội đầu tư tài chính ở Việt Nam trong thời gian tới và đề nghị Chính phủ cho phép các tổ chức tài chính quốc tế được nhận thế chấp là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất ở Việt Nam.
IFC cũng mong muốn thúc đẩy hợp tác, phát triển thị trường vốn tại Việt Nam bằng cách đưa ra các sản phẩm mới cho thị trường chứng khoán, hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ ghi nhận các hoạt động đầu tư của IFC vào một số ngân hàng, tổ chức tài chính Việt Nam trong thời gian qua, đã đóng góp vào quá trình cổ phần hoá, phát triển khối kinh tế tư nhân và huy động các nguồn vốn không cần bảo lãnh của Chính phủ xây dựng cơ sở hạ tầng,...
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã nhận thức rõ việc mất cân đối trong thị trường vốn để cơ cấu lại, phát triển thị trường này và đang đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam sẽ triển khai nhiều dự án quan trọng về hạ tầng như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc-Nam,... và đề nghị IFC tham gia tài trợ vốn cho các doanh nghiệp, ngân hàng đầu tư xây dựng các dự án này cũng như khuyến khích IFC tham gia đầu tư mua cổ phần tại các ngân hàng thương mại lớn của Việt Nam.
Phó Thủ tướng cũng ủng hộ những đề xuất của IFC trong phát triển thị trường vốn, nhất là thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam trong bối cảnh Chính phủ vừa phải kiểm soát trần nợ công và gia tăng năng lực trả nợ, vừa phải đầu tư phát triển các dự án quan trọng
Ghi nhận những đề xuất của IFC, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết pháp luật Việt Nam chưa quy định cho tổ chức tài chính quốc tế đa phương như IFC nhận thế chấp là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại Việt Nam. Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp nghiên cứu đề xuất này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Bà Stephanie von Friedeburg khẳng định, IFC cam kết sẽ tiếp tục đầu tư vào các dự án lớn của Việt Nam trong thời gian tới như cao tốc Bắc-Nam, sân bay Long Thành, đường sắt cao tốc,... và tham gia tích cực cơ cấu lại thị trường vốn của Việt Nam.