MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổ công tác Thủ tướng truy tiếp vụ 8B Lê Trực

27-09-2016 - 07:48 AM | Bất động sản

Trong nỗ lực chấn chỉnh kỷ luật hành chính, khắc phục căn bệnh trên bảo dưới không nghe, ngày 26-9, Tổ công tác của Thủ tướng đã có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội.

Trong báo cáo ban đầu của mình, Hà Nội khẳng định đã hoàn thành các việc mà Chính phủ, Thủ tướng giao từ đầu năm đến ngày 15-9. Tuy nhiên, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chỉ ra còn chín nội dung thành phố chưa làm đúng hạn.

Những việc trễ hạn này được liệt kê chi tiết, trong đó có vụ việc mà dư luận bức xúc, Thủ tướng phải trực tiếp chỉ đạo giải quyết, như tháo dỡ công trình xây dựng sai phạm ở 8B Lê Trực - quá hạn 76 ngày. Có cả việc trễ hạn tới sáu tháng, như quy hoạch chi tiết dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia mới ở Cổ Loa…

“Việc hoàn thành hay không phải dựa vào tiêu chí dứt điểm được công việc, nhiệm vụ, vụ việc. Chứ đang làm chưa xong mà báo hoàn thành là không đúng” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng góp ý.

Giải trình trực tiếp với Tổ công tác, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Đỗ Viết Bình cho biết tòa cao ốc 8B Lê Trực ở sát trục đường chính, mật độ đi lại cao nên phương án tháo dỡ đòi hỏi nhiều về an toàn. Ngoài ra, việc xử lý còn phải giữ chất lượng cho phần kết cấu còn lại, liên quan đến quyền lợi của những người đã mua căn hộ ở đây, do đó không thể làm vội vàng được.

Ông Bình cũng cho hay đến nay đã tháo dỡ sắp xong tầng 19. Các cột trụ, dầm còn lại đều rất kiên cố nên phải chuyển sang phương án lắp đặt cần cẩu trục, cắt khúc từng đoạn bê tông bằng máy cắt hơi nước rồi cẩu hạ xuống.

“Công trình này xin phép 18 tầng, tổng chiều cao 53 m nhưng xây 19 tầng, cao 68 m. Với tiến độ tháo dỡ hiện nay, dự kiến tháng 10 sẽ xong giai đoạn 1 với toàn bộ tầng 19. Giai đoạn 2 là xử lý khoảng lùi ở các tầng trên của công trình thì phải thẩm định phương án tháo dỡ” - ông Bình báo cáo.

Đánh giá nội dung này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng Hà Nội cần công khai phương án xử lý. “Thủ tướng đã có nhiều văn bản nhắc nhở. Cần làm rõ là sai phạm vậy thì cắt bỏ theo sai phạm chiều cao hay theo số tầng? Quản lý xây dựng thì quan trọng là chiều cao, chứ cắt tầng 19 rồi lại tính tiếp thế này thì lại kéo dài sang năm 2017, không hay lắm” - ông Dũng góp ý.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Dũng cho biết Thủ tướng có ý kiến với việc chăm sóc cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ dải phân cách ở Hà Nội. Theo đó, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ngân sách là cần thiết nhưng không nên vì thế mà để tình trạng cây cỏ mọc tự do, bờm xờm… như báo chí phản ánh.

Giải trình nội dung này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết thành phố đang tính toán lại đơn giá, kinh phí chăm sóc, vườn hoa, thảm cỏ, cây xanh nên tạm dừng việc cắt tỉa một tháng.

Theo ông Chung, những năm qua Hà Nội chi rất nhiều tiền cho 24 doanh nghiệp chăm sóc vườn hoa, thảm cỏ, cây xanh. Tuy nhiên, chất lượng chưa đạt. Họ chỉ cắt tỉa vườn hoa, cây cỏ dải phân cách. Các cây xanh lớn chỉ chăm sóc năm năm đầu, sau đó để phát triển tự do, hằng năm chỉ cắt tỉa trước mùa mưa bão hoặc khi cây lá che mất đèn tín hiệu giao thông.

“Chúng tôi chấn chỉnh, tính toán lại đơn giá. Làm như cũ thì năm nay phải chi 886 tỉ đồng nhưng giờ điều chỉnh, chỉ còn 178 tỉ đồng cho năm 2016 này. Tinh thần là tăng cường trồng cây xanh, giá trị lâu dài. Vừa rồi mới dự tính chi 20 tỉ đồng đã trồng được 1.000 cây. TP đặt mục tiêu năm năm tới trồng 1 triệu cây, riêng năm 2016 trồng 140.000 cây” - ông Chung thông tin như thế và cho hay việc chăm sóc, cắt tỉa được cơ giới hóa, giảm chi phí nhiều từ 4 triệu đồng/cây xanh còn 800.000 đồng.

Theo Nghĩa Nhân

Pháp Luật TPHCM

Trở lên trên