Tổ hợp du lịch sân bay Long Thành sẽ là điểm đến hàng đầu Đông Nam Á
Để khai thác lợi thế Cảng hàng không quốc tế Long Thành, quy hoạch tỉnh Đồng Nai đề xuất hình thành các tổ hợp mua sắm đẳng cấp xung quanh sân bay, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của tầng lớp trung lưu và khá giả.
Ngày 1/2, tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) diễn ra hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Mục tiêu tổng quát, năm 2030, Đồng Nai sẽ đi đầu trong phát triển công nghiệp hiện đại; là trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; là cửa ngõ trung chuyển của miền Nam, lấy Cảng Hàng không quốc tế Long Thành làm hạt nhân. Đến năm 2050, Đồng Nai là một trong những cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 khoảng 10%/năm. GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 khoảng 14.650 USD. Tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2031-2050 đạt 6,5-7%
Đồng Nai đặt 5 trụ cột phát triển ở công nghiệp; du lịch đô thị dịch vụ; nông nghiệp hiệu quả cao và bền vững; sân bay Long Thành; kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, với việc phát triển sân bay Long Thành, Đồng Nai có tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp xuyên suốt chuỗi giá trị ngành hàng không, đặc biệt là tiềm năng lớn trong phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ trực tiếp vào chuỗi giá trị của ngành hàng không.
Quy hoạch định hướng quy hoạch 5 trung tâm logistics, một trong số đó là trung tâm phía bắc sân bay Long Thành. Cũng tại đây, tỉnh đề xuất phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo với quy mô khoảng 300 ha, nằm phía Bắc sân bay Long Thành (huyện Long Thành).
Để khai thác lợi thế Cảng hàng không quốc tế Long Thành, quy hoạch cũng đề xuất xây dựng các phương án quy hoạch phát triển thương mại, dịch vụ. Tổ hợp du lịch quanh sân bay Long Thành sẽ trở thành điểm đến hiện đại, thông minh hàng đầu Đông Nam Á. Quy hoạch cũng định hướng tập trung khai thác mạnh thị trường chính như Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định cho rằng, Đồng Nai có rất nhiều lợi thế mà không phải địa phương nào cũng có được. Tỉnh là cửa ngõ của vùng Đông Nam Bộ - vùng kinh tế phát triển và năng động nhất của cả nước, nằm trong tam giác phát triển TPHCM - Bình Dương - Đồng Nai.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua chưa có bước bứt phá, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh. Kinh tế tăng trưởng cao, nhưng chưa thực sự bền vững.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tuy có tập trung đầu tư, nhưng chưa đồng bộ. Hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nguồn lực tài chính chưa đủ để đầu tư phát triển, sự gia tăng nhanh chóng dân số cơ học và người lao động nhập cư trên địa bàn dẫn đến khó khăn trong giải quyết an sinh xã hội cho người dân.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị, bản quy hoạch lần này phải nhận diện và tập trung xử lý những thách thức, điểm nghẽn lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai, trong quá trình chỉ đạo lập quy hoạch, tỉnh Đồng Nai xác định những dư địa mới cần được đánh thức và khai thác hiệu quả như quy hoạch tuyến sông Đồng Nai, quy hoạch vùng phụ cận sân bay Biên Hòa, sân bay Long Thành... là vùng động lực mới cho phát triển đột phá của tỉnh.
Tiền Phong