Toá án quyết định không mở thủ tục phá sản với chủ quản thương hiệu Taxi Saigontourist
STT có tiền thân là đội xe vận chuyển du lịch của Công ty Du lịch Tp.HCM, được tiếp quản từ tháng 7/1976. Lĩnh vực kinh doanh chính của STT là taxi với thương hiệu vang bóng một thời Taxi Saigontourist, STT cũng cung cấp dịch vụ bảo vệ, đào tạo…
- 10-06-2020STT bên bờ vực phá sản: Từ thương hiệu Taxi Saigontourist vang bóng đến xung đột không hồi kết giữa hai nhóm lãnh đạo Nhật - Việt
- 01-06-2020Công ty sở hữu thương hiệu Taxi Saigontourist bị yêu cầu mở thủ tục phá sản
Diễn biến mới nhất liên quan đến sự vụ cổ đông lớn, kiêm Thành viên HĐQT là ông Nguyễn Văn Hồng (nắm giữ hơn 1,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 21,8% vốn điều lệ) yêu cầu mở thủ tục phá sản với Vận chuyển Sài Gòn Tourist (Saigontourist Transport - STT), Tòa án Nhân dân Tp.HCM chính thức công bố quyết định không mở thủ tục phá sản. Quyết định do thẩm phán Vũ Thị Hường ký, có hiệu lực từ ngày 22/6/2020.
Điểm lại sự vụ, vào đầu tháng 6, ông Hồng đã yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản với STT, nguyên nhân ông Hồng cho rằng STT đã hoạt động không hiệu quả dẫn đến thua lỗ vượt vốn điều lệ, mất khả năng thanh toán.
Phía STT cũng đã có phản pháo, cáo buộc ông Hồng với vai trò là Thành viên HĐQT, cổ đông lớn nhưng đang cố tình chống phá Công ty. Trong thông báo mới nhất, STT tiếp tục gửi đến Thẩm phán Vũ Thị Hường văn bản của UBND quận 1 về việc STT có phát sinh doanh thu quý 1/2020 và nguồn tài chính của Công ty vẫn đảm bảo chi trả lương cho người lao động (theo thẩm định của Phòng Tài chính - Kế hoạch và Chi cục thuế quận 1).
STT có tiền thân là đội xe vận chuyển du lịch của Công ty Du lịch Tp.HCM, được tiếp quản từ tháng 7/1976. Lĩnh vực kinh doanh chính của STT là taxi với thương hiệu vang bóng một thời Taxi Saigontourist, STT cũng cung cấp dịch vụ bảo vệ, đào tạo…
Nhưng, bắt đầu từ năm 2012, STT tụt hậu, doanh thu Công ty đi xuống và lợi nhuận gộp từ hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục âm hàng chục tỷ đồng. Đến năm 2014, STT đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc do thua lỗ 2 năm liên tiếp. Năm 2014 cũng là năm ban điều hành STT có sự chuyển biến lớn, nhóm lãnh đạo cũ chính thức từ nhiệm và nhường chỗ cho nhóm mới là người Nhật. Danh sách ứng viên trúng cử nhiệm kỳ mới gồm ông Kakazu Shogo, ông Ryotaro Ohtake, ông Nguyễn Văn Hồng (người đệ đơn yêu cầu phá sản mới đây). Trong đó, ông Kakazu Shogo kiêm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc STT.
Về phía nhóm người Nhật, sau khi tiếp quản STT, ông Kakazu Shogo (Tổng Giám đốc) cho đánh giá lại quá trình công tác của cán bộ và đã khởi kiện nguyên Tổng Giám đốc giai đoạn trước 2014 để đòi bồi thường gần 3 tỷ đồng. Ban lãnh đạo người Nhật cho rằng STT đang đối mặt với những tổn thất do hậu quả của hệ thống điều hành cũ và hành vi phá hoại, cản trở vì lợi ích nhóm.
Ở diễn biến khác, từ khi ông Kakazu Shogo và nhóm cộng sự người Nhật tham gia vào ban lãnh đạo STT cũng liên tiếp phải đối trọng với các thành viên HĐQT và cổ đông lớn người Việt. Trong đó, ông Kakazu Shogo bị Thành viên HĐQT Nguyễn Văn Hồng khởi kiện về việc ngăn cản ban kiểm soát thực hiện nhiệm vụ. Trong một vụ kiện khác, ông bị yêu cầu cùng nhóm cộng sự bồi thường hơn 42 tỷ đồng vì thanh lý tài sản trái luật.
Hiện, HĐQT STT gồm 5 thành viên, trong đó gồm 3 người quốc tịch Nhật là:
(i) Ông Ryotaro Ohtake - Chủ tịch HĐQT (không nắm cổ phần STT);
(ii) Ông Kakazu Shogo - Phó Chủ tịch; Tổng Giám đốc với tỷ lệ sở hữu là 3,93% vốn;
(iii) Ông Shimabukuro Yoshinori - Thành viên HĐQT (không nắm cổ phần STT).
Cùng với 2 thành viên người Việt là:
(i) Ông Nguyễn Văn Hồng - Thành viên HĐQT và sở hữu 21,8% vốn; ông Hồng hiện là em vợ Cựu Tổng Giám đốc Đinh Quang Hiển - bị nhóm lãnh đạo người Nhật kiện đòi bồi thường về những tổn thất gây ra cho STT thời đương nhiệm.
(ii) Ông Đinh Quang Phước Thanh - Thành viên HĐQT (hiện không nắm cổ phần STT). Đáng chú ý, ông Thanh là con trai của Cựu Tổng Giám đốc Đinh Quang Hiển – bị nhóm lãnh đạo người Nhật kiện đòi bồi thường về những tổn thất gây ra cho STT thời đương nhiệm.
Bộ sậu "cơm không lành canh không ngọt" thì doanh nghiệp sẽ phải sa sút, và STT là trường hợp điển hình. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản Công ty chỉ còn gần 40 tỷ đồng, giảm hơn 18% (~7 tỷ) so với đầu kỳ. Lũy kế cuối năm 2019 STT lỗ hơn 93 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ, vốn chủ âm. Kiểm toán tiếp tục nhấn mạnh "khả năng tiếp tục hoạt động của STT phụ thuộc vào khả năng tạo ra nguồn tiền từ hoạt động kinh doanh và việc tiếp tục hỗ trợ tài chính từ các cổ đông để có thể thanh toán các khoản nợ khi đến hạn".
Nhịp sống kinh tế