Tọa đàm trực tuyến về giải pháp phòng ngừa và đấu tranh với thông tin xấu, độc trên Internet, mạng xã hội hiện nay
Báo Điện tử Tổ Quốc đã tổ chức cuộc tọa đàm "Giải pháp phòng ngừa và đấu tranh với thông tin xấu, độc trên Internet, mạng xã hội hiện nay " vào 8h30 sáng nay (26/8).
Nhà báo Nguyễn Thanh Liêm: Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại tăng cường hoạt động chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta với nhiều âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, nham hiểm, xảo quyệt. Một trong những thủ đoạn chúng ráo riết thực hiện là lợi dụng internet, mạng xã hội và các blog cá nhân để tung tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; vu cáo, bịa đặt, bôi nhọ hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân. Đặc biệt trước những sự kiện lớn, các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước, cấp độ, mật độ và tần suất những thông tin xấu, độc ngày càng gia tăng.
Hôm nay, Báo điện tử Tổ Quốc phối hợp cùng các báo điện tử: VietNamnet, VTC News, Gia đình Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến: “Giải pháp phòng ngừa và đấu tranh với thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội hiện nay”.
Buổi tọa đàm được tổ chức với mong muốn góp phần nhận diện, vạch rõ những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị; đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, hành động chống phá đó
Tôi xin trân trọng giới thiệu các vị khách mời tham gia buổi Tọa đàm:
- PGS.TS Đào Duy Quát – nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
- Ông Lê Xuân Minh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an
- PGS.TS Phạm Minh Sơn- Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế- Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Ông Bùi Quang Minh, Giám đốc điều hành của SecurityBox- chuyên gia có hơn 10 năm kinh nghiệm nghiên cứu, phát triển và triển khai các giải pháp an ninh mạng. Một trong 06 chuyên gia trên toàn thế giới được trao thưởng của Google do phát hiện lỗ hổng nghiêm trọng của Google Chrome.
Đến tham dự tọa đàm và đưa tin còn có hơn 10 cơ quan báo điện tử ở Trung ương và Hà Nội.
Trân trọng kính mời quý vị bạn đọc đặt câu hỏi và theo dõi thông tin của buổi Tọa đàm.
Nhà báo Nguyễn Thanh Liêm: Trước tiên tôi xin chuyển câu hỏi tới PGS.TS Đào Duy Quát: Thời điểm này trên không gian mạng lại dồn dập tung tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; đặc biệt là tập trung vào vu cáo, bịa đặt, bôi nhọ hình ảnh các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Vì sao lại như vậy, thưa ông?
Nhà báo Nguyễn Thanh Liêm
- PGS.TS Đào Duy Quát: Chúng ta thấy rất rõ ở đây là một thủ đoạn của cả một âm mưu chiến lược. Và với thủ đoạn này, chúng sử dụng nhiều hình thức khác nhau nhưng hiện nay đang dùng các trang mạng xã hội làm công cụ. Điều này cho thấy tính nguy hiểm trong thủ đoạn mà kẻ xấu điên cuồng tiến hành.
Để dập tắt thủ đoạn bôi xấu, xuyên tạc, vu khống lãnh đạo Đảng, Nhà nước thì chúng ta có cả một chiến lược chống diễn biến hoà bình trên mặt trận tư tưởng văn hoá. Chúng ta có đủ lực lượng từ: báo cáo viên, tuyên truyền viên, hệ thống báo chí tuyên truyền, hệ thống sinh hoạt nội bộ của các cơ quan công tác tư tưởng... để chủ động, thường xuyên kịp thời giáo dục, thông tin chính thống cho cán bộ Đảng viên nhân dân để cán bộ Đảng viên nhân dân nâng cao khả năng miễn dịch trước tất cả các thủ đoạn, luận điệu này.
PGS.TS Đào Duy Quát: "Chúng ta thấy rất rõ ở đây là một thủ đoạn của cả một âm mưu chiến lược"
Cùng với những biện pháp về hành chính, công nghệ, chúng ta có luật pháp nghiêm minh, có luật áp dụng cho các trường hợp vu khống, bôi nhọ nên sẽ xử lý đúng pháp luật các trường hợp do kẻ xấu gây ra.
Ngoài ra, tôi muốn nhấn mạnh rằng, trong những trường hợp xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo, kẻ xấu thường sử dụng thủ đoạn lập lờ. Khi đó, đòi hỏi các cơ quan tư tưởng và cơ quan pháp luật phải phối hợp chặt chẽ và phải kịp thời bác bỏ. Trong trường hợp cán bộ mắc khuyết điểm, phải xác định rõ mức độ, từ đó xử lý kịp thời. Nếu chúng ta thực hiện đầy đủ và khẩn trương các phương án trên thì chúng ta hoàn toàn chủ động giữ vững trận địa tư tưởng của chúng ta.
Hiện chúng ta đang thực hiện Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng và đi được nửa nhiệm kỳ, đây là thời điểm mà các thế lực tăng cường tấn công, đặc biệt khi Đảng ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng chỉnh đốn Đảng. Thời điểm này chúng ta phải hết sức cảnh giác. Đặc biệt là các chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng phải cảnh giác, chủ động, nếu không chúng ta sẽ rơi vào thế bị động.
Nhà báo Nguyễn Thanh Liêm: Tình hình ở Việt Nam là như vậy, thưa ông Phạm Minh Sơn, ở các quốc gia khác, họ đang đối mặt với tình trạng này như thế nào?
PGS.TS Phạm Minh Sơn: Tôi hoàn toàn nhất trí với PGS.TS Đào Duy Quát. Các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ thủ đoạn chống phá chúng ta bằng nhiều hình thức tinh vi. Trước đây là truyền hình, báo chí, giờ đây là mạng internet. Việt Nam là một trong những nước có số lượng người sử dụng internet rất lớn, đặc biệt thế hệ trẻ. Chúng cũng biết được điều này, do vậy chúng lợi dụng internet để tăng cường các thủ đoạn vu khống, bôi nhọ hình ảnh đất nước, hình ảnh lãnh đạo cấp cao của nước ta.
PGS.TS Phạm Minh Sơn: "Việt Nam là quốc gia có số lượng người sử dụng internet lớn nên các thế lực thù địch càng lợi dụng để tấn công mạnh mẽ"
Đặc biệt, trong giai đoạn này, nước ta đang triển khai xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, chúng càng tận dụng thời điểm này để bôi nhọ, vu khống lãnh đạo cấp cao. Điều này nằm trong kế hoạch âm mưu lâu dài của bọn chúng. Chúng tập trung nhằm vào giới trẻ để thực hiện âm mưu này.
Các nước trên thế giới đều phải đối mặt với việc bị tấn công bằng thông tin độc hại trên internet, kể cả các nước phát triển như Mỹ, Nga, Đức… nhưng ở các quy mô, hình thức khác nhau. Việt Nam là quốc gia có số lượng người sử dụng internet lớn nên chúng càng lợi dụng để tấn công mạnh mẽ.
Nhà báo Nguyễn Thanh Liêm: Vậy thưa ông, làm thế nào để nhận diện các thông tin xấu, độc này trên không gian mạng hiện nay? Ông có thể đưa ra một vài dự báo trong thời gian tới, sự phát triển các loại thông tin xấu, độc sẽ theo chiều hướng như thế nào?
PGS.TS Phạm Minh Sơn: Trong tương lai gần, sự chống phá của các thế lực thù địch bằng thông tin xấu độc không giảm đi mà ở quy mô khác nhau. Do vậy, các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn những thông tin độc hại này cần phải tích cực hơn nữa. Nhận diện là bước quan trọng đầu tiên để chống lại luận điệu xuyên tạc. Chúng tôi là lực lượng giáo dục, do vậy việc đầu tiên là phải cần đưa ra cách thức để nhận diện thông tin xấu độc trên internet.
Về mặt thể thức, chúng tôi chỉ cho sinh viên cách nhận diện những tin xấu dộc như những tên miền nước ngoài, nhân danh các lãnh đạo cao cấp của Đảng để lợi dụng uy tín trong xã hội, lập trang web giả mạo. Cũng có trường hợp chúng sử dụng tên tuổi khác nhau, cá nhân khác nhau, thông tin không rõ ràng, nội dung không có cơ sở, thiếu kiểm chứng, hoặc những dự kiến úp mở, tạo ra sự hoài nghi, nghi ngờ đối với một sự kiện hay cá nhân lãnh đạo. Thông thường, báo chí phải trải qua quy trình thông tin nghiêm ngặt, nên thường không có điều đó. Đó là những dấu hiệu có thể nhận diện.
Nhà báo Nguyễn Thanh Liêm: Thưa PGS.TS Đào Duy Quát, ông đánh giá thế nào về mức độ hiểm độc và tác hại của những thông tin vu cáo, bịa đặt mà các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đang thực hiện? Vì sao lại có chiều hướng gia tăng thông tin xấu, độc như vậy?
PGS.TS Đào Duy Quát: Lịch sử đã cho chúng ta những bài học đau xót. Đó là sự sụp đổ CNXH ở Liên Xô, Đông Âu, sụp đổ ngay tại thành trì của mình. Sự sụp đổ ấy là một thảm họa đối với chúng ta, kích thích các thế lực thù địch càng tăng cường tấn công chúng ta trên mặt trận tư tưởng, đặc biệt lợi dụng mạng xã hội trên mạng internet. Vừa rồi, cuộc “cách mạng nhung”… đều bắt đầu từ internet. Điều đó cho chúng ta thấy tính chất nguy hiểm đến mức nào.
PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đang trả lời trực tuyến
Vừa qua chúng ta thấy thông tin sai trái, vu khống đã làm ảnh hưởng đến kinh tế, đặc biệt, tôi nhấn mạnh, nó có tác động vào niềm tin của nhân dân, của Đảng viên đối với sự lãnh đạo của Đảng. Vì thế, chúng ta phải tỉnh táo, kịp thời và chủ động vạch trần âm mưu thâm độc và những thông tin bịa đặt, xuyên tạc thì mới góp phần vào sự ổn định tình hình, làm lành mạnh dư luận xã hội.
Nhà báo Nguyễn Thanh Liêm: Thưa ông Lê Xuân Minh, quản lý thông tin xấu, độc hại trên internet, mạng xã hội hiện nay chưa bao giờ là câu chuyện cũ, đặc biệt nó ngày càng trở nên nóng hơn trước vấn nạn tin tức giả mạo và các hành vi không đúng mực của người dùng trong nước thời gian gần đây. Xin ông cho biết thống kê mới nhất của Cục về các vụ việc được phát hiện và đấu tranh với thông tin xấu độc trên mạng thời gian gần đây?
Ông Lê Xuân Minh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an):
Chúng ta có tới 50 triệu người sử dụng internet, các ứng dụng khoa học công nghệ đang đi vào tất cả các ngành, các lĩnh vực, sự phát triển như vậy luôn có mặt trái của nó, luôn đi kèm cả những ứng dụng trái quy định pháp luật, gây ảnh hưởng tới an ninh chính trị, an toàn xã hội.
Những năm qua, lực lượng chức năng đã xác minh gần 500 trường hợp, con số năm sau luôn cao hơn năm trước. Đó là thách thức nhưng cũng là xu hướng phát triển chung. Tội phạm trong nước và quốc tế liên kết với nhau, ứng dụng sự phát triển cao của công nghệ, nguy cơ cao hơn, dự báo sẽ tiếp tục tăng, ảnh hưởng kinh tế, xã hội, an ninh đất nước.
Ông Lê Xuân Minh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an)
Qua công tác đấu tranh, chúng tôi đánh giá tỉ lệ người trẻ, học sinh, sinh viên là lực lượng tham gia nhiều nhất. Đó cũng là nhóm tham gia lớn nhất vào sự mất an ninh mạng.
Ông Lê Xuân Minh: Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ luôn có cả mặt trái
Có thể các em vô tình không nhận biết mà có hành vi vi phạm? Một bộ phận lớp trẻ chưa nhận thức đầy đủ với hành vi tham gia trên mạng internet, một bộ phận chưa nhận thức đầy đủ về pháp luật, về môi trường mạng. Môi trường mạng không ảo, nếu tham gia mà không đủ thông tin, kiến thức sẽ không bảo vệ được bản thân. Bản thân bị đầu độc thông tin, bị lợi dụng, tham gia vào hệ thống mạng có khả năng gây ra các hành vi vi phạm pháp luật. Một trong những việc cần làm là tăng cường thông tin, đặc biệt là người trẻ để tự điều chỉnh hành vi của mình khi tham gia hoạt động trên mạng internet.
Nhà báo Nguyễn Thanh Liêm: Ông có nhận định thế nào về con số mà ông Minh vừa đưa ra thưa ông Đào Duy Quát
PGS.TS Đào Duy Quát: Tôi thấy có hai ý đáng suy nghĩ. Một là chúng ta mừng vì sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Chúng ta đang chủ động phát triển công nghệ thông tin trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 (cách mạng 4.0). Con số 50% người Việt sử dụng internet là điều đáng mừng, nó góp phần tác động lớn đến phát triển khoa học công nghệ, tiếp nhận tri thức thông tin ngày càng đa dạng. Mọi tầng lớp nhân dân đều được tiếp cận thông tin hữu ích.
Nhưng mặt thứ hai ta thấy các thế lực đang lợi dụng điều này, do vậy chúng ta cần có cả một chiến lược để phát huy công nghệ thông tin vào phát triển khoa học kỹ thuật, kinh tế, đồng thời phòng chống những tác động xấu về mặt tư tưởng, đặc biệt trong lĩnh vực tư tưởng văn hóa, không đi theo giải quyết từng vụ việc.
Nhà báo Nguyễn Thanh Liêm: Có một thực tế là những mạng xã hội ở nước ngoài vào Việt nam mà người Việt Nam đang truy cập nhiều như Facebook, Youtube... lại không có văn phòng đại diện tại Việt Nam. Vậy trong trường hợp người tung tin đồn thất thiệt, bôi nhọ gây ảnh hưởng tới kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam nhưng không ở trên lãnh thổ Việt Nam thì lực lượng chức năng xử lý như thế nào thưa ông? Quá trình phá các vụ án thuộc lĩnh vực an ninh mạng có những khó khăn gì, thưa ông?
Ông Lê Xuân Minh: Đây là câu hỏi mà chúng tôi luôn trăn trở. Làm thế nào để đảm bảo an ninh, an toàn mạng? Chúng tôi đã có đề xuất, đảm bảo an ninh mạng quốc gia, trong đó, có đề xuất Chiến lược đảm bao an ninh, an toàn mạng, từ việc người sử dụng mạng internet cần bổ sung kiến thức gì để khi tham gia môi trường mạng. Việc cơ quan quản lý nhà nước phải xây dựng chính sách, chuẩn an toàn thông tin mạng quốc gia. Xây dựng quy định cụ thể để doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia trên lãnh thổ Việt Nam được tạo điều kiện hoạt động, thúc đẩy phát triển và cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, yêu cầu doanh nghiệp nội dung số không biên giới đặt máy chủ tại nước sở tại để thông tin về người sử dụng được lưu giữ ở trên lãnh thổ quốc gia; Mọi hoạt động thanh toán phải thực hiện công cụ thanh toán tại nước sở tại mình kinh doanh. Tất cả các yếu tố đó nhằm đảm bảo tổng hòa chiến lược an ninh mạng, đảm bảo các cá nhân và doanh nghiệp tham gia đều được hỗ trợ và đảm bảo quyền lợi.
Với các đơn vị cung cấp hạ tầng, nội dung số, nếu trong nước, chúng ta hỗ trợ tạo điều kiện phát triển ngang các doanh nghiệp lớn trên thế giới, để tao môi trường công bằng.
Chiến lược tổng hòa nhiều hợp phần, như một hệ sinh thái, đảm bảo hệ thống mạng quốc gia đảm bảo an ninh mạng tránh những cuộc “chiến tranh” đã hiện hữu trên mạng.
Trong thời gian qua, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) luôn có trao đổi, phối hợp Cục Quản lý Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin Truyền thông). Vừa qua, Cục Quản lý Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử đã khởi đầu rất hiệu quả bằng việc yêu cầu google gỡ hơn 1200 đoạn clip có nội dung xấu, hơn 100 tài khoản có nội dung xấu. Chắc chắn, trong thời gian tới, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về internet với nhau chặt chẽ thì việc đấu tranh với thông tin xấu, độc hại trên internet, mạng xã hội sẽ đảm bảo hơn.
Nhà báo Nguyễn Thanh Liêm: Thưa ông Bùi Quang Minh, với tư cách là một chuyên gia về an ninh thông tin mạng, xin ông cho biết có những giải pháp kỹ thuật nào để ngăn chặn thông tin giả mạo, bôi nhọ, thông tin xấu, độc hại... hiện nay trên iinternet, mạng xã hội?
Ông Bùi Quang Minh: Với hơn 40 triệu người sử dụng trên toàn thế giới, có 500 triệu bài viết, ở Việt Nam cũng có vài chục triệu bài viết. Về mặt kỹ thuật, các đơn vị chức năng hoàn toàn có thể sử dụng ứng dụng khoa học kỹ thuật để hỗ trợ phần nào.
Ông Bùi Quang Minh, Giám đốc điều hành của SecurityBox
Về kỹ thuật vẫn có 3 bước để thực hiện. Trong đó, bước 1 là phát hiện sớm thông tin trước khi nó bùng nổ và không thể kiểm soát được. Bây giờ, như ông Minh vừa nói, Facebook, Google có thể hỗ trợ gỡ bỏ được 1000-2000 bài viết nhưng khi nó lên đến 1 triệu, vài triệu rồi thì có gỡ bỏ được không? Nếu không có phát hiện sớm thì rất khó.
Các ứng dụng công nghệ hiện nay đã có hỗ trợ phát hiện sớm. Như hiện nay có khái niệm là Lắng nghe mạng xã hội, tên tiếng anh là Social listening hay là Social Monitoring. Các công cụ này giúp các cơ quan chức năng phát hiện thông tin theo từ khóa để biết được thông tin nào đó theo chủ đề và phát hiện sớm nhất.
Từ đó, ngoài phát hiện sớm chúng ta có kế hoạch khoanh vùng được đối tượng phát tán thông tin đó.
Bước 2: Làm thế nào để phân biệt tin tức tốt xấu, đây là điều khó bởi khối lượng thông tin nhiều, con người khó thể làm nổi do vậy cần sử dụng trí tuệ nhân tạo để lọc và xử lý, định hướng thông tin.
Bước 3: Làm thế nào để ngăn chặn, muốn vậy các công ty internet phải phối hợp với các cơ quan chức năng để cùng hỗ trợ, ngăn chặn.
Nhà báo Nguyễn Thanh Liêm: Kính thưa PGS.TS Phạm Minh Sơn, như ở phần trước ông đã chia sẻ, không riêng gì Việt Nam, nhiều quốc gia khác cũng đang đối mặt với tình trạng này. Vậy ông thấy các nước họ ứng xử với những thông tin xấu độc trên mạng xã hội như thế nào và họ có những biện pháp gì ngăn chặn?
PGS. TS Phạm Minh Sơn: Tất cả các nước, không có nước nào chấp nhận những thông tin bịa đặt, xúc phạm nhân phẩm của cá nhân, tổ chức, đơn vị và đều đưa ra những biện pháp, quy định cần thiết để ngăn chặn những luồng thông tin đó. Có thể là đề ra các quy định luật pháp, quy định về hành vi đạo đức và thậm chí có thể xử lý hành chính, xử lý hình sự đối với những hành vi đó. Tuy nhiên, tôi cho rằng tất cả giải pháp để chống phá những thông tin độc hại đó đều phải đề cao vai trò của con người khi tham gia mạng xã hội. Con người tham gia mạng internet vừa là đối tượng tác động cũng là đối tượng bị hướng tới của các thế lực thù địch, do vậy mỗi người tham gia internet cần đề cao cảnh giác trước những thông tin xấu độc đó?
Nhà báo Nguyễn Thanh Liêm: Theo như tôi được biết, tại Đức, nếu người sử dụng internet phát hiện ra thông tin xấu độc, có phản hồi lại với cơ quan chủ quan và nếu trong vòng 24h sau, thông tin đó không được xóa đi thì người đăng thông tin xấu độc hại đó sẽ bị bắt. Theo ông, Việt Nam có nên áp dụng biện pháp này?
PGS.TS Phạm Minh Sơn: Theo tôi, đó là biện pháp tốt cần được tham khảo. Tuy nhiên, như tôi đã nói, dù áp dụng biện pháp nào thì cuối cùng cũng vẫn là con người. Con người là đối tượng trực tiếp tác động và cũng là đối tượng bị tác động. Cần có giải pháp nào để mỗi người đều là cái “cổng” để phát hiện thông tin xấu độc, đấu tranh với mặt trận này.
Nhà báo Nguyễn Thanh Liêm: Kính thưa PGS.TS Đào Duy Quát, theo ông, cần phải làm gì để hạn chế và tiến tới xóa bỏ những thông tin xấu, độc hại gây nhiễu loạn dư luận xã hội hiện nay? Trách nhiệm của các cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật và báo chí, đặc biệt là báo điện tử trên mặt trận này như thế nào?
PGS.TS Đào Duy Quát: Như tôi đã nói, tôi nhất trí với ông Lê Xuân Minh rằng đến lúc chúng ta phải có chiến lược an toàn an ninh mạng. Trước Đại hội Đảng 12, tôi đã nhận được cuốn sách của GS.TS Trần Đại Quang về vấn đề này, và mới đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đã có bài viết về vấn đề này. Vì thế, tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải có giải pháp, chiến lược. Trong chiến lược ấy, phải có các giải pháp chiến lược, giáo dục.
Khách mời tham gia buổi Tọa đàm đang trả lời trực tuyến
Thứ hai là chiến lược về đào tạo đội ngũ để đánh bại cuộc chiến tranh mạng, tấn công mạng. Chúng ta phải có đội quân công nghệ cao, an ninh mạng. Ngoài ra, phải phát triển hạ tầng cơ sở internet. Nếu chúng ta không phát triển được thì rất khó! Cùng với đó, phải xây dựng hệ thống pháp luật rất chi tiết về vấn đề này để đảm bảo an ninh mạng. Đặc biệt, chúng ta có điều kiện tham khảo rất nhiều nước để rồi chúng ta phải nhanh chóng hình thành hệ thống pháp luật.
Hiện chúng ta có hơn 50 triệu người đang sử dụng internet. Vậy tác động giáo dục lực lượng này như thế nào? Theo tôi, ở đây có hai mặt: chính trị và đạo đức. Chúng ta phải giáo dục trong trường, các đoàn thể… Thông tin chính trị phải chủ động. Thứ hai, gắn với đó phải hoàn thiện sớm luật báo chí, nhất là báo điện tử. Tôi cho rằng, hiện rất cần thực hiện chủ trương của Trung ương là phải quy hoạch, sắp xếp hệ thống báo chí thật tốt. Có nhiều báo vì lo kinh tế họ đã vô tình làm rối loại hệ thống tư tưởng. Theo tôi, phải cắt giảm bớt đi.
Ngoài ra, phải xây dựng, quản lý cũng như giáo dục rèn luyện, bồi dưỡng đội ngũ phóng viên báo chí. Hiện chúng ta có gần 800 cơ quan báo chí, gần 2 vạn phóng viên báo chí. Họ vừa có trách nhiệm đưa thông tin lên mạng, lên báo đồng thời chủ động tấn công, phản bác. Họ phải là chiến sĩ trên cả hai mặt trận. Tôi đánh giá rất cao Báo Điện tử Tổ Quốc đã chủ động có tiếng nói về vấn đề này, trong khi chưa thấy báo nào lên tiếng.
Ngoài ra, về hợp tác quốc tế chúng ta phải có chiến lược và tổng hợp các biện pháp để đảm bảo an ninh không gian mạng của chúng ta.
Nhà báo Nguyễn Thanh Liêm: Báo điện tử VTC News hỏi: Hiện nay trên mạng xã hội thường xuất hiện các tin tức từ một số tài khoản facebook, Blogger loan tải. Những tin tức này có thể là những tin tức về chính trị, ngoại giao, Biển Đông... là những vấn đề được cho là “nhạy cảm”. Những tin tức này thường được loan đi với tốc độ rất nhanh và phạm vi rộng. Một số tin tức khi loan ra, cơ quan chức năng đã lên tiếng phủ nhận. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, những gì xảy ra và báo chí chính thống đăng tải thì nội dung, tình tiết lại có vẻ giống với những tin trên mạng xã hội đã loan. Tuy nhiên có nhiều thông tin hoàn toàn không chuẩn xác nhưng gây nguy hại tới an ninh kinh tế. VD như tin bắt ông Trần Bắc Hà, không chính xác mà gây tổn hại kinh tế của chúng ta. Ông có nhận định gì về hiện tượng này và Bộ Công an có những biện pháp ngăn chặn như thế nào tới đây?
Ông Lê Xuân Minh: Việc tiến hành điều tra, làm rõ 1 vụ án là trách nhiệm, là yêu cầu công tác hàng ngày của lực lượng hành pháp. Tuy nhiên cần có giải pháp tổng thể để đảm bảo hệ thống mạng quốc gia. Việc điều tra, phá 1 vụ án là để thực hiện nhiệm vụ. Để đảm bảo an toàn mạng phải có giải pháp đồng bộ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ, sự kết nối, trao đổi thông tin, chia sẻ, bảo vệ quyền lợi của hơn 50 triệu người sử dụng hiện nay. Mỗi người đều có trách nhiệm đảm bảo an toàn hệ thống mạng quốc gia Việt Nam, đảm bảo an toàn mạng lưới sự phát triển đồng bộ giữa người sử dụng, cơ quan pháp luật, nhà cung cấp…
Nhà báo Nguyễn Thanh Liêm: Thực tế tội phạm mạng đang diễn biến ngày càng phức tạp, trong quá trình thực thi pháp luật, ông thấy các quy định pháp luật của chúng ta đã đủ chặt chẽ để xử lý loại tội phạm này hay chưa? Và Bộ Công an đã có giải pháp gì để ngăn chặn gia tăng tình trạng này?
Ông Lê Xuân Minh: Hệ thống pháp luật của chúng ta đã tương đối đầy đủ. Chúng ta đã có Luật an toàn thông tin, các nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. Bộ luật Hình sự năm 1999 cũng đã có 5 điều quy định về tội phạm mạng. Trong Luật Hình sự sửa đổi năm 2017, chúng ta kịp thời nâng lên thành 9 điều. Sự phát triển của KHCN rất mạnh mẽ, luôn đòi hỏi pháp luật phải đảm bảo, đáp ứng quản lý trong sự thay đổi. Chúng tôi đang tham gia xây dựng luật đảm bảo an toàn hệ thống không gian mạng quốc gia trong thời gian tới.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Nhà báo Nguyễn Thanh Liêm: Trên cương vị là lãnh đạo cơ quan phòng chống tội phạm công nghệ cao, ông có những cảnh báo gì đối với người dân, doanh nghiệp… khi sử dụng internet, mạng xã hội, thưa ông Lê Xuân Minh?
Ông Lê Xuân Minh: Mong muốn của chúng tôi, điều trước tiên là mỗi người tham gia vào thế giới mạng đều hiểu rằng đây không phải là thế giới ảo mà nó có đầy đủ yếu tố của thế giới thực. Khi anh tham gia vào mạng thì từ nhận thức đến hành vi đều chịu sự quản lý của pháp luật. Suy nghĩ và hành vi trên mạng đều là tài sản giá trị đối với anh và đối với thế lực thù địch. Khi tham gia môi trường mạng, cần sử dụng mạng một cách thông minh để phát triển bản thân, xã hội, là kênh thông tin hữu hiệu để đảm bảo an ninh an toàn mạng xã hội. Đó là điều chúng tôi mong muốn.
Nhà báo Nguyễn Thanh Liêm: Với kinh nghiệm công tác lâu năm trong ngành tuyên giáo, từng là Phó trưởng Ban tuyên giáo Trung ương, PGS.TS Đào Duy Quát có khuyến cáo gì đối với người dân trong việc sử dụng internet, mạng xã hội hiên nay?
PGS.TS Đào Duy Quát: Như tôi đã nói, hiện phát triển công nghệ internet là bước tiến khổng lồ trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ. Mọi người dân phải phát huy mặt tích cực, mặt tiến bộ để nâng cao dân trí, nâng cao tiềm lực, trí tuệ của cả dân tộc. Quyền được thông tin qua mạng xã hội như bây giờ - Đúng là chúng ta đã thấy đây là thời cơ, vận hội, nhưng thách thức, nguy cơ cũng rất ghê gớm nếu mất an ninh mạng, bị tấn công mạng... Do đó, mọi người khi tham gia mạng internet phải có ý thức để tiếp nhận thông tin, tiếp nhận tri thức mới… Ngoài ra, phải thực sự cảnh giác, có ý thức, đạo đức, bản lĩnh chính trị.. Bên cạnh đó, phải luôn luôn hiểu biết pháp luật.
Nhà báo Nguyễn Thanh Liêm: Thưa PGS. TS Phạm Minh Sơn, nhân dịp này, thầy có gửi thông điệp gì đến sinh viên trong việc làm thế nào để ngăn ngừa và đấu tranh với thông tin độc hại?
PGS.TS Phạm Minh Sơn: Tôi hoàn toàn chia sẻ với ý kiến của PGS.TS Đào Duy Quát và Phó Cục trưởng Lê Xuân Minh. Mạng xã hội là mạng ảo nhưng thực ra không ảo chút nào. Đó là môi trường giao tiếp giữa con người với nhau, chịu sự điều chỉnh của luật pháp và các quy định đạo đức. Do vậy, mỗi người tham gia internet và mạng xã hội đều cần nhận thức rõ vai trò của mình khi tham gia vào mạng xã hội, để ý thức và cẩn trọng đối với mỗi phát ngôn, mỗi hành vi của mình trên mạng xã hội. Ở trong môi trường giáo dục, chúng tôi nhận thức điều này rất rõ và đã đưa vào nội dung giảng dạy về thông tin mạng xã hội. Khoa Quan hệ Quốc tế của chúng tôi có đưa vào giảng dạy nội dung nhằm giúp sinh viên nhận biết những thông tin độc hại và cao hơn là có khả năng đấu tranh với luật điệu xuyên tạc, vấn đề nhân quyền, tự do báo chí, bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới Tổ Quốc..
Điều tôi mong muốn là mỗi bạn sinh viên cần nhận thức rõ vai trò của mình khi tham gia mạng internet và xa hơn là có thể trở thành những cán bộ trên mặt trận tư tưởng, góp phần đấu tranh chống lại thông tin độc hại trên internet.
Nhà báo Nguyễn Thanh Liêm: Thưa chuyên gia an ninh mạng Bùi Quang Minh, ông có lời khuyên gì dành cho người dùng mạng xã hội khi phát hiện thông tin xấu, độc? Có thể là chỉ ra thủ thuật ngăn chặn bằng kỹ thuật mạng?
Ông Bùi Quang Minh: Tôi có 2 chia sẻ sâu về kỹ thuật đối với người dùng để bảo vệ mình trên mạng xã hội và internet nói chung. Bước thứ nhất là người dùng nên chủ động bảo vệ tài khoản, thiết bị máy tính, di động của mình trước tội phạm mạng, cách đơn giản nhất là đầu tư những giải pháp an ninh mạng cá nhân để không bị virut, không bị lợi dụng máy tính của mình chuyển tải những thông tin không liên quan đến mình.
Ông Bùi Quang Minh đang trao đổi về giải pháp kỹ thuật ngăn chặn
Tiếp theo là người dùng nên thiết lập những tài khoản trên mạng theo nhiều bước để tài khoản đó hạn chế bị tấn công. Thiết lập những chính sách riêng tư khi sử dụng mạng xã hội theo khuyến cáo của những công ty internet.
Vấn đề thứ 2 bản thân Face book hiện nay, họ phát triển nghiên cứu những công nghệ đưa tin tức tốt nhất đến người dùng, có hàng triệu thông tin nhưng với màn hình bé như hiện nay thì Face book hay các hãng công nghệ internet triển khai các giải pháp là tin tức được đưa đến người dùng dựa trên tính cách, lịch sử các trang thông tin mà người dùng hay sử dụng, vì vậy, tôi có chia sẻ là người dùng chỉ nên sử dụng những thông tin cảm thấy là tốt cho chính cá nhân, xã hội, cho công việc của mình. Về lâu dài, người đó sẽ chỉ tiếp cận những thông tin tốt do ineternet đưa đến cho mình. Tôi hy vọng những ứng dụng internet đó sẽ ngày càng tiến bộ và để đảm bảo đưa thông tin theo đúng chiều hướng tốt.
Nhà báo Nguyễn Thanh Liêm: Thưa Quý vị và các bạn! Hơn 1 giờ đồng hồ của buổi tọa đàm đã trôi qua, chắc hẳn đã phần nào mang tới cho mọi người những lời khuyên hữu ích của các chuyên gia trong bối cảnh mạng xã hội đang bùng nổ như hiện nay.
Sau buổi Tọa đàm này, Ban Biên tập mong rằng các chuyên gia, các nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục theo dõi, tích cực cộng tác với Báo điện tử Tổ Quốc trong việc cung cấp thông tin, tham gia viết bài tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”; làm tốt việc định hướng dư luận, xây dựng niềm tin chính trị, tạo sự đồng thuận trong xã hội vào những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Tổng Biên tập Báo điện tử Tổ Quốc chúc mừng các vị khách mời tham gia buổi Tọa đàm
Thay mặt Báo Điện tử Tổ Quốc, tôi xin trân trọng cảm ơn quý vị khách mời đã đến với buổi tọa đàm ngày hôm nay. Chúng tôi hy vọng, thời gian tới, Báo Điện tử Tổ Quốc tiếp tục nhận được sự cộng tác của Quý vị. Chúc Quý vị nhiều niềm vui và hạnh phúc.
Tổ Quốc