Tòa "gửi thông điệp" đến các luật sư bào chữa vụ Alibaba
Nếu phiên xét xử lần sau, các luật sư được người nhà bị cáo mời vẫn vắng mặt thì sẽ có luật sư chỉ định cho các bị cáo.
- 27-03-2023Hình ảnh mới nhất của vợ chồng cựu CEO Alibaba Nguyễn Thái Luyện
- 27-03-2023VIDEO: Nguyễn Thái Luyện tiếp tục hầu tòa
Trưa 27-3, sau khi hội ý, TAND Cấp cao tại TP HCM quyết định hoãn phiên xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thái Luyện (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty) cùng 22 đồng phạm trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền xảy ra tại Công ty Alibaba.
Vụ án sẽ được xét xử vào ngày 8-5 đến 19-5.
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện tại phiên xét xử.
Trước khi HĐXX vào hội ý, chủ tọa phiên tòa đã lấy ý kiến của các bị hại về việc hoãn xét xử, có hơn 1/2 bị hại có mặt tại tòa không đồng ý hoãn xét xử.
Tuy nhiên, HĐXX cho rằng cần hoãn xét xử với lý do nhiều luật sư bào chữa cho một số bị cáo vắng mặt tại tòa. Đây là các luật sư do gia đình các bị cáo mời.
Nhiều bị hại tham dự phiên xử phúc thẩm.
Tòa cũng lưu ý rằng vụ án này các bị cáo đều bị truy tố ở khung hình phạt cần có luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp. Do đó, HĐXX sẽ liên hệ với Đoàn luật sư TP HCM để chỉ định luật sư bào chữa cho các bị cáo. Nếu phiên xét xử lần sau, các luật sư được người nhà bị cáo mời vẫn vắng mặt thì sẽ có luật sư chỉ định cho các bị cáo.
Đây cũng là ý kiến của đại diện VKSND Cấp cao tại TP HCM.
Trước khi phiên xét xử phúc thẩm được mở, có 18 bị cáo có đơn kháng cáo, sau đó có 3 bị cáo rút kháng cáo. Trong đó có Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (cựu nhân viên pháp lý Công ty Alibaba) từng được dư luận đặt biệt danh "nữ tướng Alibaba". Người này nổi tiếng với clip "đập xe nó cho chị" từng gây xôn xao mạng xã hội.
Có 91 bị hại và 2 tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm.
Người lao động