Tọa lạc tại vị trí đắc địa trên Hồ Tây, khách sạn Intercontinental Hanoi gây bất ngờ khi lỗ triền miên, âm vốn gần 900 tỷ
Sau cổ phần hóa, Thăng Long GTC - công ty sở hữu 25% vốn của Intercontinental Hanoi - có cơ cấu cổ đông khá cô đặc với 3 cổ đông lớn sở hữu 99,7% cổ phần gồm Hanoitourist, Công ty Thung lũng Vua và Công ty Thương mại Du lịch Ngân Anh.
- 06-04-2016Thăng Long GTC muốn thâu tóm Big C Thăng Long
- 13-08-2015IPO Thăng Long GTC: Giá bình quân 10.724 đồng/cp
- 15-07-2015IPO Thăng Long GTC: “Hàng hot” sở hữu cổ phần lớn tại BigC, Hilton và Intercontinental Hà Nội
Tọa lạc tại vị trí đắc địa bên hồ Tây và vươn mình ra bao trọn hàng nghìn mét vuông mặt nước, nếu chỉ gọi khách sạn Intercontinental Hanoi Westlake là một trong những khách sạn sang trọng nhất tại Hà Nội thì chưa đủ. Phải nói rằng đó là một công trình khách sạn độc nhất vô nhị ở Thủ đô.
Với sự nổi tiếng đó, những người quan tâm sẽ không khỏi ngạc nhiên khi biết rằng Intercontinental Hanoi Westlake thua lỗ triền miên.
Theo số liệu của công ty nghiên cứu VIRAC, Công ty Phát triển Du lịch Hữu hạn Làng Nghi Tàm - pháp nhân được lập ra để sở hữu khách sạn này đã bị âm vốn chủ sở hữu lên đến 875 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2015.
Trong năm 2014 và 2015, công ty Làng Nghi Tàm đạt doanh thu lần lượt là 345,5 tỷ đồng và 378,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty này cũng lỗ lần lượt là 41,7 tỷ đồng và 26,5 tỷ đồng.
Khách sạn Intercontinental Hanoi Westlake được thành lập trên cơ sở liên doanh giữa công ty T.P.C Development Ltd (hiện thuộc sở hữu của Tập đoàn Malaysia Berjaya) và Thăng Long GTC. Trong đó Thăng Long GTC góp 25% vốn điều lệ trị giá gần 7 triệu USD bằng quyền sử dụng 7.899 m2 đất và 24.088 m2 mặt nước Hồ Tây trong thời gian 40 năm (kể từ ngày 02/07/1991, trị giá 4.551.448 USD) cùng chi phí đền bù và ghi nhận lợi thế địa điểm bằng 2.260.000 USD nhằm đầu tư khách sạn Intercontinental West Lake Hà Nội.
Tại thời điểm cổ phần hóa GTC, giá trị khoản đầu tư (25% vốn điều lệ của Du lịch Nghi Tàm) được định giá là 139 tỷ đồng. Trước đó, khi GTC chưa cổ phần hóa, giá trị khoản đầu tư này ghi nhận theo sổ sách là 109 tỷ đồng và hoàn toàn chưa trích lập dự phòng dù vốn chủ sở hữu của công ty Làng Nghi Tàm đã âm nặng từ lâu.
Và trong nửa đầu năm nay, Thăng Long GTC đã thực hiện trích lập dự phòng tổn thất cho toàn bộ giá trị đầu tư vào Công ty Làng Nghi Tàm cũng như dự phòng đầu tư vào một liên doanh khác là công ty Đại Chân Trời. Động thái này dẫn đến chi phí tài chính tăng vọt lên 150 tỷ đồng, qua đó khiến công ty ghi nhận khoản lỗ hơn 85 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.
Thăng Long GTC vốn là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Du lịch Hà Nội – Hanoitourist, được biết đến với những khoản đầu tư liên doanh giá trị như khách sạn InterContinental Westlake, Hilton Opera hay siêu thị Big C Thăng Long.
Sau cổ phần hóa, Thăng Long GTC có vốn điều lệ 1.228 tỷ đồng với 3 cổ đông chính là Hanoitourist (45,2% cổ phần), CTCP Thương mại và Du lịch Ngân Anh (27,4%) và Công ty Thung lũng Vua (27%).
Chi tiết các khoản liên doanh, góp vốn của Thăng Long GTC như sau:
* 25% cổ phần khách sạn InterContinental Westlake
* 30% cổ phần khách sạn Hilton Opera Hanoi
* 35% cổ phần của Đại siêu thị Big C Thăng Long
* 35% cổ phần công ty Thăng Long Property
* 29% cổ phần công ty Pacific Thăng Long (khu phức hợp Giảng Võ tại 15-17 Ngọc Khánh)
* 30% cổ phần của Pan Horizon Hotel tại 157 Xuân Thủy – Cầu Giấy
* 9,75% cổ phần của Capital Tower tại số 109 Trần Hưng Đạo
* 7% cổ phần của Taxi Hanoitourist
Trí Thức Trẻ