Toàn bộ địa giới một tỉnh vừa được nâng lên đô thị loại 1, sớm là TP trực thuộc trung ương
Khu vực nội thành là khu vực dự kiến thành lập hai quận trực thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
Ngày 30/8, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 924/QĐ-TTg công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc trung ương đạt tiêu chí đô thị loại 1 , Báo Thừa Thiên Huế cho biết.
Theo quyết định này, phạm vi đánh giá phân loại đô thị là toàn bộ địa giới hành chính hiện hữu của tỉnh Thừa Thiên Huế có diện tích tự nhiên là 4.947,11 km2.
Khu vực nội thành là khu vực dự kiến thành lập hai quận trực thuộc thành phố trực thuộc trung ương, gồm toàn bộ địa giới hành chính hiện hữu của thành phố Huế, có tổng diện tích tự nhiên là 266,46 km2.
Quyết định cũng nêu rõ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và Thủ tướng Chính phủ về tính chính xác thông tin, số liệu, nội dung của Đề án, các quy hoạch phân khu đã được phê duyệt bảo đảm phù hợp với Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được phê duyệt, quy định pháp luật và các quy định có liên quan; quan tâm đầu tư xây dựng khắc phục các tiêu chuẩn chưa đạt, đạt thấp, nhất là tại khu vực các xã dự kiến thành lập phường.
Đồng thời, UBND tỉnh này chịu trách nhiệm đảm bảo tính chính xác của thông tin, số liệu, đánh giá các tiêu chuẩn phân loại đô thị, tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng khu vực dự kiến thành lập các phường, quận và báo cáo rà soát tiêu chí phân loại đô thị của các đô thị trực thuộc…
Năm 2025: Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương
Theo Quy hoạch chung 108/QĐ-TTg và Chương trình phát triển Thừa Thiên Huế được phê duyệt tại QĐ 1372/QĐ-UBND ngày 28/5/2024 đã xác định từ nay đến năm 2025 sẽ xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương với 9 đơn vị hành chính gồm 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện.
Ngoài TX Phong Điền, TX Hương Thủy và TX Hương Trà là các đô thị trực thuộc, khu vực dự kiến thành lập quận Thuận Hóa (phía nam) có diện tích 139,41 km2, dân số: 297.507 người; quận Phú Xuân (phía bắc) có diện tích 127,05 km2, dân số: 203.142 người...
Theo Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu, những năm qua, Thừa Thiên Huế đã bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Trung ương, cùng với quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.
Tỉnh đã từng bước khắc phục khó khăn, tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách để phát triển kinh tế-xã hội và nhiệm vụ phát triển, nâng cấp đô thị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu nói thêm.
Tỉnh cũng đã chủ động lập và phê duyệt Chương trình Phát triển đô thị, phủ kín 100% các đồ án quy hoạch phân khu đối với các khu vực dự kiến thành lập quận, phường và trung tâm các đô thị Hương Trà, Hương Thủy, Phong Điền.
Đồng thời, tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư nâng cấp chất lượng cơ sở hạ tầng đô thị đáp ứng tiêu chí đô thị loại 1 trực thuộc trung ương…
Miền Trung có hai thành phố trung ương
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 891/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch, có 5 đô thị trực thuộc trung ương gồm Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại đặc biệt), Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại 1).
8 tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc trung ương gồm: Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Bình Dương (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại 1). Như vậy, đến 2030, Việt Nam sẽ có 13 thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong đó, Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sớm nhất trong 8 tỉnh trên, năm 2025. Sau khi Thừa Thiên Huế thành thành phố thuộc trung ương, miền Trung sẽ có hai thành phố trung ương liền kề nhau là Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế.
Nhịp sống thị trường