MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Toàn cảnh cho vay bất động sản tại các ngân hàng

12-02-2023 - 21:38 PM | Tài chính - ngân hàng

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Dư nợ tín dụng bất động sản đang ở mức cao nhất 5 năm qua. Báo cáo tài chính quý IV/2022 của 11 ngân hàng cũng cho thấy tổng dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản đã tăng 25% trong vòng một năm.

Trong số 28 ngân hàng thống kê từ dữ liệu của FiinPro, chỉ có 11 ngân hàng hạch toán chi tiết khoản mục cho vay ngành bất động sản trong báo cáo tài chính quý IV/2022 chưa kiểm toán. Thông thường các doanh nghiệp và ngân hàng sẽ công bố các khoản mục chi tiết trong báo cáo kiểm toán hoặc báo cáo soát xét bán niên.

Cụ thể, tổng dư nợ tín dụng bất động sản của 11 ngân hàng đạt 276,5 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm. 9/11 ngân hàng đều tăng cho vay bất động sản, trong đó Saigon Bank là ngân hàng có tốc độ tăng cho vay bất động sản cao nhất, xấp xỉ 81%, nâng dư nợ cho vay bất động sản lên trên 1.060 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, tỷ trọng cho vay bất động sản mới chỉ chiếm 5,7% tổng cho vay khách hàng của nhà băng này.

Ngược lại, Ngân hàng MSB và Kienlong Bank đồng loạt giảm cho vay ở lĩnh vực này với tỷ lệ giảm lần lượt là 14,4% và 13%, đưa dư nợ cho vay bất động sản về mức 10,4 nghìn tỷ đồng và 2,9 nghìn tỷ đồng.

Toàn cảnh cho vay bất động sản tại các ngân hàng - Ảnh 1.

Dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản của 11 ngân hàng. (Nguồn dữ liệu: FiinPro)

Trong số 11 ngân hàng kể trên, Techcombank đang là ngân hàng có dư nợ cho vay bất động sản cao nhất, gần 109 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với đầu năm. Đây đồng thời là ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản trong tổng cho vay khách hàng cao nhất, hơn 26%.

Tại Hội nghị tín dụng bất động sản diễn ra ngày 8/2, ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc Techcombank cho biết, năm 2022, Ngân hàng đã huy động vốn từ thị trường quốc tế để hỗ trợ nhu cầu vốn trong nước, tổng vốn huy động lên đến 1,8 tỷ USD. Theo đó, bên cạnh việc đảm bảo thanh khoản, cho vay cá nhân mua nhà của Techcombank năm vừa qua là 190 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho 46 nghìn khách hàng mua nhà, dư nợ bình quân mỗi khách hàng hơn 4 tỷ đồng.

Đối với cho vay doanh nghiệp chủ đầu tư, ông Thắng chia sẻ, chủ trương của năm 2022 là giữ ổn định, tập trung hỗ trợ dự án có sản phẩm tốt, có pháp lý hoàn chỉnh. Vì thế, dư nợ của nhóm này giảm 10% so với năm 2021, do những chủ đầu tư được hỗ trợ năm 2021 đã bàn giao nhà cho người dân.

Cho vay kinh doanh bất động sản được công bố trong báo cáo tài chính của các ngân hàng chủ yếu là các khoản cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vay đề phát triển dự án. Phần lớn các khoản cho cá nhân, hộ gia đình vay mua nhà không được hạch toán vào nhóm này - mà được ghi nhận ở khoản cho vay cá nhân (cho vay tiêu dùng bất động sản). Một phần nhỏ các khoản vay mua nhà như mua căn nhà thứ hai, hoặc cho vay 1 lần trong năm,… mới được ghi nhận như một khoản cho vay kinh doanh bất động sản.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết có tới gần 69% tín dụng mảng bất động sản là cho vay tiêu dùng bất động sản.

Xếp ngay sau Techcombank là Ngân hàng VPBank với dư nợ cho vay bất động sản đạt 67,6 nghìn tỷ đồng, tăng gần 59% so với hồi đầu năm, đóng góp gần 16% vào tổng số tiền cho vay khách hàng.

MBBank cũng tăng tốc cho vay lĩnh vực bất động sản với dư nợ cho vay xấp xỉ 21,4 nghìn tỷ đồng, tăng 69% so với đầu năm 2022. Nhưng cho vay bất động sản chỉ chiếm 4,8% dư nợ cho vay khách hàng của nhà băng này.

VietBank cũng là ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản ở mức cao so với mặt bằng chung, xấp xỉ 21%. Tại ngày 31/12/2022, VietBank đang cho vay bất động sản hơn 13 nghìn tỷ đồng, tăng trên 20% so với đầu năm.

Toàn cảnh cho vay bất động sản tại các ngân hàng - Ảnh 2.

Tỷ trọng cho vay lĩnh vực bất động sản của 11 ngân hàng. (Nguồn dữ liệu: FiinPro)

Dư nợ tín dụng bất động sản cao nhất 5 năm

Tại Hội nghị tín dụng bất động sản ngày 8/2 vừa qua, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản vào cuối năm 2022 chiếm khoảng 21,2% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng của lĩnh vực bất động sản cuối năm là 2,58 triệu tỷ đồng, tăng hơn 24% so với năm 2021. Đây là mức cao nhất trong 5 năm qua với tỷ lệ nợ xấu 1,81% - tăng nhẹ so với mức 1,67% hồi cuối năm 2021.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản liên tục “kêu cứu” do thị trường rơi vào giai đoạn trầm lắng, các kênh dẫn vốn như trái phiếu, cổ phiếu đều gặp khó khăn trong khi ngân hàng “kẹt” thanh khoản. Nhưng lãnh đạo các ngân hàng khẳng định không thiếu room hay chính sách để cho vay nhưng nhiều tài sản đảm bảo của doanh nghiệp chưa thỏa mãn điều kiện pháp lý.

Ông Nguyễn Hoàng Dũng - Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành VietinBank - cho rằng xét theo những con số thống kê, thực tế ngành ngân hàng đang "ưu ái" cho bất động sản. Lĩnh vực này là một trong số 1.571 ngành nghề kinh doanh, nhưng chiếm tới 21% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Tăng trưởng cho bất động sản cũng ở mức cao, tỷ trọng trong cơ cấu xấp xỉ những lĩnh vực được ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn.

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, khó khăn vướng mắc của thị trường bất động sản tập trung chủ yếu ở các vấn đề về thủ tục pháp lý (chiếm 70% khó khăn, vướng mắc của thị trường) , trình tự thủ tục đầu tư và nguồn vốn trái phiếu.

* Số liệu cho vay bất động sản được sử dụng trong bài viết là cho vay kinh doanh bất động sản.


Quỳnh Anh

Nhịp sống Thị trường

Trở lên trên