Toàn cảnh lợi nhuận của 26 ngân hàng trong quý 1/2020
11/26 nhà băng có lợi nhuận sụt giảm trong quý 1/2020 là khởi đầu báo hiệu một năm đầy gian nan phía trước với ngành ngân hàng.
Thống kê tại 26 ngân hàng đã công bố BCTC Quý 1/2020, tổng lợi nhuận trước thuế của những nhà băng này đạt 28.881 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019. Nhìn chung, mức tăng trưởng này thấp hơn so với 2-3 năm trước.
11/26 ngân hàng có lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ, trong đó nhiều ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV, MBBank đều sụt giảm lợi nhuận, chủ yếu do tăng trưởng thu nhập lãi thuần chậm lại vì giảm lãi suất, tăng trưởng tín dụng thấp và tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro.
Trong khi đó, những ngân hàng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao (tính theo cấp số nhân) chủ yếu là những ngân hàng nhỏ như OCB có lãi tăng gấp 2 lần đạt hơn 1.100 tỷ, MSB tăng gần 4 lần đạt 290 tỷ, VietBank tăng hơn 2 lần đạt 230 tỷ, VietABank tăng 3,5 lần đạt 81 tỷ,…Động lực tăng trưởng ở những ngân hàng này chủ yếu đến từ nguồn thu phi tín dụng, đặc biệt là lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng vọt.
Lợi nhuận trước thuế quý 1/2020 của 26 ngân hàng và tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2019.
Đơn vị: tỷ đồng, %
Top 10 ngân hàng có lãi cao nhất vẫn là những cái tên quen thuộc, lần lượt là Vietcombamk, Techcombank, VietinBank, VPBank, MBBank, ACB, BIDV, HDBank, OCB và VIB.
Tuy nhiên, sự phân hóa trong tăng trưởng cũng khiến xếp hạng lợi nhuận của ngân hàng biến động mạnh. Chẳng hạn BIDV báo lãi trước thuế quý 1/2020 chỉ ở mức 1.811 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ; thấp hơn lợi nhuận của cả ACB, MBBank, VPBank,…và chỉ đứng thứ 7.
Trong top 10, OCB và VPBank là những ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng nhất, khi tăng lần lượt 106% và 63% đạt lãi trước thuế hơn 1.100 tỷ và 2.900 tỷ đồng. Đáng chú ý, lợi nhuận của 2 ngân hàng này tăng mạnh nhưng nợ xấu không tăng, thậm chí còn giảm.
Trên thực tế, theo nhận đinh của nhiều chuyên gia, kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong quý 1/2020 chưa bị tác động mạnh bởi Covid-19. Việc lợi nhuận sụt giảm chủ yếu do nhà băng chủ động tăng trích lập dự phòng rủi ro để tăng nguồn lực đối phó với nguy cơ nợ xấu có thể hình thành trong tương lai. Bước sang quý 2, ảnh hưởng của dịch bệnh mới thực sự rõ rệt khi từ 1/4, các nhà băng đồng loạt giảm lãi suất và phí dịch vụ.
Tuy nhiên, việc nhiều ngân hàng, bao gồm không ít ngân hàng lớn bị sụt giảm lợi nhuận trong quý 1 cũng đã báo trước một năm đầy gian nan và cả sự "hy sinh" khi kinh tế cả nước gặp khó khăn vì dịch bệnh.