Toàn cảnh những công trình "gỡ" ùn tắc giao thông cho Hà Nội thời gian qua
Hàng loạt công trình giao thông trọng điểm được khánh thành, đưa vào sử dụng thời gian qua đã góp phần giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội.
Trong năm 2020 và những ngày đầu năm 2021, TP Hà Nội đã hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình giao thông trọng điểm, góp phần kết nối hạ tầng phục vụ vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Đặc biệt, để giải quyết tình trạng ùn tắc, Hà Nội đã tập trung thúc đẩy tiến độ các công trình giao thông trọng điểm, sớm đưa vào khai thác.
Cầu qua hồ Linh Đàm và nhánh kết nối đường vành đai 3 trên cao
Tháng 10-2020, UBND TP Hà Nội đã khánh thành công trình đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm và nhánh kết nối với đường vành đai 3 trên cao sau 11 tháng thi công.
Cầu qua hồ Linh Đàm và nhánh kết nối đường vành đai 3 trên cao giảm tải cho nút giao Thanh Xuân và nút giao Pháp Vân
Toàn cảnh cầu qua hồ Linh Đàm và nhánh kết nối đường vành đai 3 trên cao
Dự án xây dựng 2 cầu đi thấp qua hồ Linh Đàm với tổng chiều dài cầu gần 542 m, chiều rộng mỗi cầu 13 m; bố trí 2 nhánh kết nối với đường vành đai 3 trên cao, tổng chiều dài gần 555 m, bề rộng mỗi nhánh 7 m. Ngoài ra, dự án thực hiện xây dựng đường đầu cầu giao với đường Nguyễn Hữu Thọ và đường Hoàng Liệt.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 341 tỉ đồng
Phương tiện lưu thông trên nút giao thông mới
Tổng mức đầu tư dự án hơn 341 tỉ đồng, từ nguồn vốn ngân sách TP Hà Nội. Đây là một trong những dự án thuộc danh mục các công trình trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng cho giao thông thủ đô. Việc khánh thành, đưa công trình vào khai thác có ý nghĩa rất quan trọng, giảm tải cho nút giao Thanh Xuân và nút giao Pháp Vân, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao Nguyễn Hữu Thọ với đường Giải Phóng, khu vực Linh Đàm.
Nút giao đường vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Ngày 9-1-2021, Hà Nội cũng đã khánh thành và đưa vào sử dụng dự án đầu tư xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch nút giao đường vành đai 3 với đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Toàn cảnh nút giao đường vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Dự án có tổng mức đầu tư 402 tỉ đồng
Dự án xây dựng trên địa bàn huyện Gia Lâm và quận Long Biên nhằm giúp các phương tiện giao thông ra, vào nút giao được thuận lợi, an toàn, rút ngắn hành trình và đồng bộ mạng lưới đường giao thông trong khu vực, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của tuyến đường vành đai 3, cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và đường Cổ Linh (Quận Long Biên). Công trình có tổng vốn đầu tư 402 tỉ đồng.
Dự án giúp các phương tiện ra vào cao tốc được thuận lợi hơn, rút ngắn thời gian
Trước đó, khi nút giao thông này chưa được hoàn thành theo quy hoạch, hoạt động giao thông tại khu vực gặp khó khăn, bất cập, phải đi vòng nhiều đoạn đường mới ra-vào được cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đồng thời gây nên tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên vào các giờ cao điểm hoặc các dịp lễ, tết.
Đường vành đai 2 trên cao, đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở
Sáng 9-11, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho thông xe đường vành đai 2 trên cao, đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở. Tuyến đường này chỉ dành cho ôtô, được khởi công từ tháng 4-2018.
Đường vành đai đi qua các khu vực đông đúc ở Hà Nội
Nhìn từ trên cao, hai bên tuyến đường nhà cửa dày đặc
Đây là dự án theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Dự án xây mới hoàn toàn tuyến đường bộ trên cao bằng cầu cạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, có chiều dài 5,1 km, rộng 19 m.
Tuyến đường chỉ dành riêng cho ôtô
Với 4 làn xe
Dự án được đầu tư xây dựng theo hình thức BT
Đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long
Giữa tháng 10-2020, công trình cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường vành đai 3 Hà Nội đã hoàn thành sau hơn 2 năm xây dựng.
Đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long
Việc khánh thành cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long được xây dựng phía trên đường Phạm Văn Đồng (đường vành đai 3 đi thấp) hiện nay giúp đưa vào khai thác thêm gần 4,6 km đường vành đai 3 đi trên cao theo tiêu chuẩn đường cao tốc; tiếp nối với hơn 10 km đường trên cao thuộc đường vành đai 3 Hà Nội từ Pháp Vân đến Mai Dịch được đưa vào khai thác từ những năm trước.
Dự án giải tỏa áp lực giao thông cho tuyến đường Phạm Văn Đồng
Dự án cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long được khởi công xây dựng đầu tháng 1-2018 với tổng mức đầu tư hơn 5.343 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn vốn vay ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) 4.525 tỉ đồng, vốn đối ứng của Việt Nam 817 tỉ đồng.
Dự án có tổng mức đầu tư 5.343 tỉ đồng
Đoạn đường này góp phần hoàn thiện đường vành đai 3 dài khoảng 65 km, không chỉ góp phần giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông khu vực phía Tây Hà Nội mà còn từng bước hoàn thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết nối các tỉnh phía Bắc với thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Dự án giúp kết nối giao thông Thủ đô với các tuyến đường quan trọng khác như cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, cao tốc Hà Nội - Lào Cai, sân bay Nội Bài...
Dự án đưa vào khai thác giúp kết nối thông suốt theo tiêu chuẩn đường cao tốc 30 km đường vành đai 3 từ cầu Phù Đổng (ranh giới giữa Bắc Ninh - Hà Nội) đến cầu Thăng Long. Đồng thời tạo nên tuyến liên kết vùng và khu vực, kết nối với sân bay quốc tế Nội Bài, các tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 5, quốc lộ 6, quốc lộ 32, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, đại lộ Thăng Long.
Tiền Phong