Toàn cảnh nợ xấu của 27 ngân hàng
Nợ xấu nội bảng của 27 ngân hàng đã tăng 30% trong 9 tháng đầu năm 2020, trong đó nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng mạnh 70%.
- 08-11-2020Ngân hàng tăng dự phòng, rao bán tài sản thế chấp để xử lý nợ xấu
- 06-11-2020"Nợ xấu nhiều khả năng vượt ngưỡng 3% vào năm 2021"
- 30-10-2020Tỷ lệ nợ xấu tăng một phần do...kỹ thuật tính toán
Nợ xấu nội bảng của 27 ngân hàng tăng gần 30%
Thống kê từ BCTC Hợp nhất quý 3/2020 của 27 ngân hàng cho thấy, tổng nợ xấu nội bảng của những ngân hàng này tại ngày 30/9/2020 là hơn 111.000 tỷ đồng, tăng 29,5% so với đầu năm.
Chỉ có 4/27 ngân hàng có nợ xấu nợ bảng sụt giảm là SeABank, Techcombank, NCB, PGBank. Trong đó, Techcombank có nợ xấu giảm mạnh nhất, từ 3.078 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 1.384 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2020 (tức giảm tới hơn một nửa). Theo đó, Techcombank từ ngân hàng đứng thứ 8 về số nợ xấu nội bảng đã tuột mạnh xuống thứ 21 trong 27 ngân hàng, cũng là ngân hàng có ít nợ xấu nhất trong những ngân hàng lớn.
3 ngân hàng còn lại có nợ xấu giảm nhưng không quá đột biến: SeABank giảm xuống 2.184 tỷ đồng (tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,31% xuống 2,23%); NCB giảm 1,3% xuống 720 tỷ đồng; PGBank giảm 4,5% xuống 715 tỷ đồng.
Tổng hợp theo BCTC Hợp nhất quý 3/2020 của 27 ngân hàng
Trong khi đó, 23 nhà băng đều có nợ xấu tăng, và có tới 7 ngân hàng tăng trên 50% bao gồm cả một số ngân hàng lớn.
Kienlongbank là ngân hàng có nợ xấu tăng mạnh nhất, gấp 6,6 lần lên 2.241 tỷ do ngân hàng bất ngờ phải ghi nhận lượng nợ xấu lớn liên quan đến nhóm khách hàng hiện đang thế chấp tài sản đảm bảo là 176 triệu cổ phiếu của Sacombank. Kienlongbank cho biết đang gấp rút chào bán số cổ phiếu này để đưa tỷ lệ nợ xấu về mức thấp.
Ngoài ra, nợ xấu nội bảng của ACB tăng 71% lên 2.480 tỷ đồng; VietinBank tăng 66% lên 17.949 tỷ đồng; HDBank tăng 51% lên 3.012 tỷ đồng, SCB tăng 58,6% lên 2.608 tỷ. VietBank tăng 61% lên 867 tỷ; TPBank tăng 59,6% lên 1.971 tỷ đồng.
10 ngân hàng có nợ xấu nội bảng lớn nhất hiện nay là BIDV, VieitnBank, VPBank, Vietcombank, SHB, Sacombank, MBBank, VIB, HDBank và LienVietPostBank. Lượng nợ xấu của những ngân hàng này đang chiếm tới 76% tổng nợ xấu của 27 ngân hàng.
Đáng chú ý, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) là nhóm nợ tăng mạnh nhất, tăng 69% lên gần 35.000 tỷ tại 27 ngân hàng. Trong đó, nợ nhóm 3 có xu hướng tăng đột biến tại nhiều ngân hàng, mức tăng theo cấp số nhân.
Chẳng hạn tại VietinBank, nợ nhóm 3 tăng gấp 5,8 lần lên 11.919 tỷ đồng; Vietcombank tăng hơn 4 lần lên 2.923 tỷ; Sacombank tăng gấp đôi lên 638 tỷ; HDBank và LienVietPostBank tăng 2,5 lần lên 1.189 tỷ và 698 tỷ đồng.
Theo đó, tỷ trọng của nợ nhóm 3 trong tổng nợ xấu nội bảng của 27 ngân hàng tăng từ 24% lên 31%. Trong khi đó, tỷ trọng của nhóm nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) giảm mạnh từ 59% xuống 50%.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng, nợ tại VAMC lại diễn biến tích cực
Nợ xấu nội bảng tăng mạnh trong khi dư nợ cho vay khách hàng tăng chậm hơn khiến tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của 27 ngân hàng tăng đáng kể từ 1,45% lên 1,78%.
Tại họp báo chính phủ thường kỳ tháng 10/2020, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tỷ lệ nợ xấu tăng tại các ngân hàng do đại dịch COVID-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, tác động nghiêm trọng mọi mặt đời sống kinh tế khiến người gửi tiền ngân hàng là doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn, nguồn thu giảm, khả năng trả nợ khó khăn. Một nguyên nhân nữa là vấn đề kỹ thuật tính toán. Trong bối cảnh tác động của COVID-19, tình hình kinh tế khó khăn, cầu tín dụng không cao như những năm trước, do đó, tỷ lệ tương đối nợ xấu/dư nợ phát sinh cũng tăng lên.
Tổng hợp theo BCTC Hợp nhất quý 3/2020 của 27 ngân hàng
Trong khi nợ xấu nội bảng tăng thì nợ xấu ở VAMC lại có thay đổi tích cực hơn. Trong 9 tháng đầu năm 2020, đã có thêm 6 ngân hàng tất toán được toàn bộ trái phiếu đặc biệt của VAMC gồm BIDV, HDBank, LienVietPostBank, MSB, VietCapitalBank và VietBank. Theo đó, trong 27 ngân hàng, đã có 18 ngân hàng sạch nợ tại VAMC.
Một số ngân hàng vẫn còn nợ xấu tại VAMC như SCB, Sacombank, SHB, Eximbank,... cũng ghi nhận tín hiệu tích cực.
Tại SCB, ngân hàng không đẩy thêm nợ xấu sáng VAMC trong 9 tháng đầu năm, trong khi đó tăng trích lập dự phòng từ 6.900 tỷ lên hơn 8.300 tỷ đồng. Hay tại Sacombank, ước tính giá trị trái phiếu VAMC đã giảm hơn 2.600 tỷ trong 9 tháng đầu năm, trong khi ngân hàng tiếp tục tăng dự phòng rủi ro. Mệnh giá trái phiếu đặc biệt VAMC của Eximbank cũng đã giảm 37% xuống còn 1.875 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.
Nhìn chung, nợ xấu nội bảng, đặc biệt là nợ nhóm 3 tăng mạnh tại các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm đang cho thấy những tác động đầu tiên của dịch Covid-19 tới chất lượng tài sản của các nhà băng. Song điều này chưa đong đếm hết được ảnh hưởng của đại dịch tới vấn đề nợ xấu của các ngân hàng bởi nợ xấu tiềm ẩn vẫn chưa bộc lộ khi Thông tư 01 của NHNN đang còn hiệu lực.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 28/9/2020, các tổ chức tín dụng đã tái cơ cấu thời hạn trả nợ đối với hơn 272.115 khách hàng với dư nợ cho vay khoảng 331.013 tỷ đồng, tương đương 3,8% tổng dư nợ của toàn hệ thống. Bao nhiêu phần trăm trong con số này sẽ chuyển thành nợ xấu sau khi đại dịch đi qua sẽ còn phụ thuộc vào khả năng phục hồi của nền kinh tế, của riêng doanh nghiệp; song nhiều chuyên gia cũng đã cảnh báo có thể là sự bùng phát mạnh.
Các nhà phân tích của VDSC cho rằng không phải tất cả các khoản vay được tái cơ cấu sẽ chuyển thành nợ xấu. Tuy nhiên, nhiều khả năng nợ xấu tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do ảnh hưởng của đại dịch, và vượt ngưỡng 3,0% do Ngân hàng Nhà nước đặt ra vào năm 2021.
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính, ngân hàng dự báo rằng tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể lên đến 3% cuối năm 2020 và 4% trong năm 2021; trong khi xử lý nợ xấu ngày càng khó khăn hơn.