Toàn cảnh thị trường kim loại cơ bản năm 2017 và dự báo 2018
Chỉ số giá các kim loại cơ bản năm 2017 đã tăng năm thứ 2 liên tiếp, vượt xa mọi dự đoán. Sang năm 2018, dự đoán giá kẽm sẽ còn tiếp tục tăng, tuy nhiên các kim loại khác sẽ khác...
- 06-01-2018Dự báo năm 2018: Giá dầu tăng tiếp, vàng và kim loại có thể giảm
- 19-12-2017Bán hàng tôn mạ kim loại và sơn phủ màu tháng 11 tiếp tục giảm
- 13-11-2017Kim loại, năng lượng chưa chịu nhiều áp lực từ việc đồng USD tăng
Chỉ số giá các kim loại cơ bản năm 2017 đã tăng năm thứ 2 liên tiếp, vượt xa mọi dự đoán. Trong đó giá nhôm tăng mạnh nhất (34%) do Trung Quốc cắt giảm công suất sản xuất – trái ngược với dự đoán một năm trước đây rằng nguồn cung dư thừa và giá nhôm sẽ giảm.
Đồng cũng tăng giá mạnh, phản ánh kinh tế Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung tiến triển tốt hơn dự đoán, trong khi nguồn cung giảm mạnh, nhất là giai đoạn đầu năm. Kẽm và chì nhìn chung tăng tương đối sát với dự đoán, trong bối cảnh nguồn cung từ các mỏ khai thác tiếp tục thiếu hụt. Nickel là kim loại có giá biến động nhiều nhất trong năm 2017, và tính chung cả năm giá chỉ tăng chút ít mặc dù thiếu chắc chắn về nguồn cung ở Philippines trong nhiều tháng đầu năm 2017.
Sang năm 2018, dự đoán giá kẽm sẽ còn tiếp tục tăng, tuy nhiên các kim loại khác sẽ giảm so với thời điểm cuối năm 2017. Riêng mặt hàng nickel rất khó đoán vì phụ thuộc vào nhu cầu ắc quy dùng cho xe ô tô sử dụng năng lượng kết hợp giữa xăng và điện, và chưa chắc chắn về chính sách ở những nước cung cấp chủ chốt.
Dưới đây là dự đoán của Ngân hàng Quốc gia Australia (NAB) về triển vọng thị trường kim loại công nghiệp trong năm 2018.
Đồng: Giá năm 2017 tăng ngoạn mục, dự báo sẽ thiếu cung (ít) trong năm 2018
Giá đồng năm 2017 tăng vượt mọi dự đoán do nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung nhiều thời điểm bị gián đoạn nghiêm trọng. Giá trên sàn LME đã tăng 31% trong năm 2017, từ mức 5.535 USD/tấn lên 7,247 USD/tấn. Mức này vượt xa dự đoán của NAB cách đây một năm (cho rằng giá sẽ giảm xuống 5.191 USD/tấn vào cuối năm 2017).
Trong năm vừa qua, nhu cầu đồng, nhất là ở Trung Quốc, đã tăng rất mạnh. Thị trường xây dựng Trung Quốc đã hoạt động mạnh mẽ, trong khi kinh tê thế giới cũng tăng mạnh lên. Yếu tố nguồn cung có sự bất ngờ. Vào đầu năm 2017, 2 trong số những mỏ đồng lớn nhất thế giới là Escondida ở Chile và Grasberg ở Indonesia đều bị gián đoạn nguồn cung kéo dài do các cuộc đình công, trong khi những mỏ khác cũng phải cắt giảm sản lượng do chất lượng thấp và yếu tố thời tiết.
Đồng đã tăng ấn tượng trong năm 2017, dự báo tăng tiếp
Sang năm 2018, NAB dự báo nguồn cung đồng sẽ tăng nhẹ do có công suất sản xuất mới bổ sung ở CH Congo và Zambia, và một số mỏ khác mở rộng hoạt động.
Nguồn cung quặng đồng tăng dự báo sẽ kéo theo cung đồng tinh luyện tăng theo, mặc dù mức tăng bị hạn chế bởi Trung Quốc mới đây đã gia hạn lệnh cấm nhập khẩu phế liệu.
Về nhu cầu, dự báo tốc độ tăng cầu từ Trung Quốc sẽ chậm lại nhưng ổn định, trong khi kinh tế toàn cầu tiếp tục khởi sắc, sản xuất tăng lên sẽ thúc đẩy nhu cầu đồng tăng. Yếu tố rủi ro có thể làm giảm nhu cầu đồng trong năm 2018 là triển vọng thị trường bất động sản Trung Quốc, nơi tăng trưởng dân số chậm lại, các điều kiện tín dụng bị thắt chặt dần và lạm phát thấp có thể kiềm chế đà tăng đầu tư vào bất động sản.
Nhìn chung, NAB dự báo thị trường đồng năm 2018 sẽ thiếu hụt nhẹ, giá trung bình sẽ ở mức 6645 USD/tấn. nếu các dự án khai thác và luyện đồng mới không đi vào sản xuất đúng tiến độ thì mức thiếu hụt sẽ tăng lên.
Nhôm: Giá năm 2017 tăng rất mạnh, dự báo sẽ giảm từ quý 2/2018.
Mặc dù cách đây một năm NAB dự báo giá nhôm sẽ tăng nhưng không lường hết được các yếu tố cơ bản của thị trường, nhất là những yếu tố bất chắc liên quan đến chính trị. Công suất sản xuất nhôm tại Trung Quốc đã giảm mạnh hơn bất cứ dự báo nào của các nhà phân tích. Đó là lý do chính khiến giá nhôm đã tăng tới 34% trong năm vừa qua, từ mức 1693 USD/tấn lên 2268 USD/tấn, không chỉ vượt xa mức dự báo của NAB mà cao hơn tới 100 USD/tấn so với mức dự báo cao nhất trong số các nhà phân tích đưa ra.
Nguồn cung nhôm chịu tổn thất nhiều nhất bởi chính sách "siết mạnh công suất dư thừa" trong kế hoạch 5 năm của chính phủ Trung Quốc áp dụng cho lĩnh vực kim loại cơ bản. Chưa hết, nhôm còn chịu tác động bởi tuyên bố chung trong cuộc họp hồi tháng 9 của nhóm G20 về việc chống nguồn cung dư thừa trên toàn cầu. Tuy nhiên, không ai dự đoán chính xác những tác động từ chính sách siết chặt công suất dư thừa của Trung Quốc. NAB cũng chỉ nhận định rằng chính sách đó sẽ ít nhiều làm giảm tình trạng dư thừa nguồn cung trên toàn cầu trong một thời gian nhất định.
Dự báo giá nhôm trong ngắn hạn sẽ tiếp tục tăng do chính sách cắt giảm sản xuất trong mùa đông của Trung Quốc để ngăn khói bụi, kéo dài cho tới tháng 3, thậm chí có thể lâu hơn chút ít, khi mùa đông ở Trung Quốc qua đi và các hoạt động kinh tế trở lại bình thường sau kỳ nghỉ Tết cổ truyền. Từ sau quý 1/2018, giá nhôm có thể sẽ giảm, do các nhà sản xuất bước vào chu kỳ bão hoà thị phần và đã tận dụng cơ hội giá tăng để hoạt động trở lại những cơ sở sản xuất đã từng đóng cửa với công nghệ mới hiệu quả hơn, sạch hơn, thay thế phần công suất trước đây sử dụng công nghệ cũ.
Nhìn chung, thị trường nhôm toàn cầu năm 2018 dự báo sẽ tương đối cân bằng, giá sẽ trung bình khoảng 2.085 USD/tấn hoặc có thể thấp hơn chút ít.
Kẽm: Giá tăng mạnh trong năm 2017, khó đoán về năm 2018, nhiều khả năng sẽ tăng tiếp
Giá kẽm tăng 29% trong năm 2017, từ mức 2.576 USD/tấn lên 3.319 USD/tấn. Thị trường tiếp tục thiếu cung trong suốt cả năm vừa qua, bởi không có nguồn cung mới bổ sung từ các mỏ của Trung Quốc, và vẫn còn dư âm ảnh hưởng từ việc cắt giảm nguồn cung của Glencore.
Công ty khai khoáng Glencore (Thụy Sĩ) đã tạm ngưng hoạt động 1/3 công suất khai thác kẽm, tương đương 500.000 tấn/năm vào tháng 10/2015 nhằm hỗ trợ giá kẽm – khi đó xuống mức thấp. Kể từ đó đến nay, giá kẽm đã tăng gấp đôi.
Trung Quốc giám sát nghiêm ngặt hoạt động khai thác kẽm ở trong nước. Các thanh tra môi trường Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp hạn chế hoặc yêu cầu ngừng hoạt động ở một số mỏ khai thác kẽm và nhà máy tinh luyện kẽm ở tỉnh Tứ Xuyên. Nguồn cung kẽm ở Trung Quốc do vậy bị thắt chặt dần, khiến giá kẽm ở Trung Quốc cao hơn giá cả trên thị trường quốc tế, thúc đẩy hoạt động nhập khẩu kẽm để kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, nguồn cung kẽm bên ngoài Trung Quốc cũng dần khan hiếm theo.
Giá tăng cao đã khiến Glencore thông báo khởi động lại mỏ kẽm Lady Loretta ở Bắc Queensland trong năm 2018. Nguồn cung toàn cầu như vậy sẽ được bổ sung thêm khoảng 1%, nhưng con số đó là không đáng kể. Glencore dự báo sản lượng kẽm thế giới sẽ giảm 15.000 tấn trong năm 2018 và sau đó tăng nhẹ trong năm 2019.
Ngoài ra, nguồn cung từ các mỏ Trung Quốc chắc chắn sẽ tăng chậm, vì nước này thắt chặt việc kiểm soát môi trường và giám sát hoạt động của các mỏ/nhà máy. Bloomberg ước tính nguồn cung từ các mỏ kẽm Trung Quốc năm 2017 giảm 475.000 tấn, và sẽ chỉ tăng 200.000 tấn trong năm 2018.
Nhìn chung, thị trường kẽm toàn cầu năm 2018 rất khó dự đoán, vì nguồn cung từ các mỏ mới và việc tái sản xuất ở một số cơ sở không chắc đủ bù đắp cho số công suất bị cắt giảm trước đây. Tồn trữ kẽm ở LME tiếp tục giảm, cuối năm 2017 đã xuống mức rất thấp (chỉ tương đương khoảng 3,3 ngày sử dung), và sẽ còn thấp hơn nữa trong thời gian tới. Do đó, các điều kiện trên thị trường kẽm dự báo sẽ còn tiếp tục thắt chặt, giá nhiều khả năng sẽ tiếp tục được hỗ trợ, ở mức khoảng 3.270 USD/tấn trong năm 2018.
Kẽm cũng được kỳ vọng tăng giá
Nickel và chì: Xoay quanh thị trường ắc quy
Nickel từng là kim loại rất khó đoán trong năm 2017, và trên thực tế trong năm 2017 thị trường này biến động rất mạnh. Giá nickel đã tăng 22% trong năm qua, đạt 12.295 USD/tấn. Các chính sách liên quan đến môi trường hồi đầu năm ở Philippines – nước sản xuất nickel lớnn hất thế giới – đã tạo ra sự thiếu chắc chắn về nguồn cung, và đẩy giá tăng lên. Tuy nhiên, sau đó nước này đã dỡ bỏ những cấm đoán trước đó, và giá quay đầu giảm mạnh. Một nước sản xuất nickel lớn khác – Indonesia – cũng nới lỏng những hạn chế đối với xuất khẩu nickel, làm cho nguồn cung càng tăng nhiều hơn.
Về nhu cầu, thị trường nickel nóng lên bởi triển vọng nhu cầu gia tăng từ ngành sản xuất ắc quy dùng trong xe điện. Đây là lý do đẩy giá nickel liên tục tăng mạnh lên những kỷ lục cao mới. Gần đây thông tin từ một số công ty lớn tác động mạnh tới thị trường. Hãng BHP Billiton đang
Muốn bán cơ sở sản xuất Nickel West ở Australia và khởi động mỏ Savannah ở Panoramic.
Trong khi đó, nhu cầu nickel dùng trong ắc quy vẫn tương đối thấp, và chưa chắc sẽ làm thay đổi bức tranh cung – cầu. Trong khi một số chính phủ công bố những chính sách đầy tham vọng về sản xuất ô to điện, sẽ còn mất nhiều thời gian để xe điện có thể chiếm thị phần lớn của ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Trong khi đó, nhu cầu thép không gỉ của Trung Quốc giảm sút, nhất là trong giai đoạn mùa đông. Dự trữ nickel vẫn ở mức cao cho thấy nguồn cung hiện tại khá dồi dào. Do đó, dự báo thị trường nickel sẽ dư thừa trong năm 2018, giá có thể giảm, nhưng không phải liên tiếp giảm mà sẽ biến động khá nhiều.
Chì đã tăng giá trong năm 2018, với mức tăng 24% (mạnh nhất kể từ 2009) đạt 2.500 USD/tấn. Tháng 10/2017 là thời điểm giá cao nhất trong năm vừa qua (2.620,50 USD/tấn) vì nhu cầu mạnh theo mùa vụ từ các hãng sản xuất ắc quy mà nguồn cung lại hạn hẹp do một số mỏ đóng cửa và tồn trữ sụ giảm. Trong khi nhu cầu từ lĩnh vực ô tô vẫn tiếp tục hỗ trợ kim loại này, những ắc quy lithium-ion thế hệ mới chắc chắn sẽ giảm sử dụng chì. Dự báo nguồn cung chì trong năm 2018 tương đối dồi dào, giá sẽ trung bình 2.450 USD/tấn.