Toàn cảnh tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên hơn 2 tỷ USD sau 2.300 ngày xây dựng
Theo kế hoạch được duyệt, metro Bến Thành - Suối Tiên khi hoàn thành (dự kiến vào năm 2020) sẽ đáp ứng nhu cầu giao thông ngày một gia tăng tại TP.HCM; có khả năng vận chuyển khoảng 620.000 lượt khách/ngày và năm 2040 sẽ chuyên chở được hơn 1 triệu khách/ngày.
Toàn cảnh tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sau hơn 2.300 ngày thi công xây dựng
Việc khởi công, xây dựng metro Bến Thành - Suối Tiên đánh dấu cột mốc rất quan trọng trong việc hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng của TP.HCM; đóng góp vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TP.HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, và giảm thiểu ô nhiễm môi trường giúp TP.HCM ngày càng văn minh, hiện đại.
Theo đó, metro Bến Thành - Suối Tiên dài gần 20 km, đi qua địa bàn Q.1, Q.Bình Thạnh, Q.2, Q.9, Q.Thủ Đức của TP.HCM và một phần thuộc địa bàn Bình Dương. Toàn tuyến có 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga), hơn 17 km trên cao (11 nhà ga). Dự án được triển khai bằng nguồn vốn vay ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Năm 2006 - 2007, dự án metro Bến Thành - Suối Tiên được lên kế hoạch với tổng mức đầu tư dự toán khoảng 17.000 tỉ đồng. Đến năm 2009, tổng mức đầu tư được điều chỉnh lên hơn 47.300 tỉ đồng.
Metro đoạn từ trung tâm quận 2 chạy về hướng quận Bình Thạnh.
Theo báo cáo của Kiểm toán nhà nước, dự án metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật của hệ thống đường sắt Châu Á – STRASYA vào thiết kế, tuy nhiên quá trình áp dụng còn một số chỉ tiêu không tuân thủ đúng theo chỉ dẫn: Dùng loại ray UIC 54 thay cho loại ray 50 kgN (50,47 kg/m); tải trọng trục 16 tấn/trục thay cho 14 tấn/trục…
Đồng thời quyết định điều chỉnh kiểu dáng dầm từ SuperT sang dầm chữ U đã làm thay đổi kích thước nhịp từ 33m xuống 30m, làm phát sinh 54 trụ cầu. Điều này cũng khiến giá trị công trình tăng "bất hợp lý" lên 1.420 tỷ, vì vậy không đảm bảo tính kinh tế và chưa phù hợp nguyên tắc.
Khi đệ trình xin điều chỉnh kiểu dáng dầm với UBND TP.HCM, Ban quản lý đã trình nội dung không đầy đủ, không hợp lý về kỹ thuật. Nội dung công văn chỉ nói về ưu điểm của dầm chữ U (giảm chiều cao, tiếng ồn, tăng tính thẩm mỹ…) mà không báo cáo về chi phí tăng lên của việc thay đổi kết cấu, bỏ qua ý kiến góp ý của Cục đường sắt.
Thiết kế cơ sở của tuyến cũng chưa thể hiện kết nối giữa tuyến số 1 với các tuyến đường sắt số 2, 3A và 4, chưa thể hiện được cao độ giao cắt giữa tuyến số 1 với tuyến số 3A và tuyến số 4, chưa có thiết kế chờ để kết nối với tuyến số 2, 3A và 4 trong tương lai.
Về quy mô đầu tư, ban đầu nhà ga Bến Thành có quy mô 2 tầng, diện tích sàn 12.720m2. Tuy nhiên sau đó hạng mục này đã được điều chỉnh lên 4 tầng với diện tích sàn hơn 30.000m2 và tích hợp thêm chức năng trung tâm thương mại.
Tuyến metro chạy ngang quận 9 và xa lộ Hà Nội.
Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, đoạn nối địa bàn Q.Bình Thạnh - Q.1 vượt qua đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Một trong nhiều nhà ga dọc tuyến metro không một bóng người thi công nhiều tháng nay.
Đường ray metro uốn lượn qua nhiều khu dân cư giữa đô thị TP.HCM.
Khu vực thi công nhà ga trung tâm Bến Thành (Q.1), điểm khởi đầu metro Bến Thành - Suối Tiên.
Kiểm toán nhà nước cho rằng TP.HCM phê duyệt điều chỉnh dự án là chưa đúng giá trị, bởi dự án điều chỉnh có tổng mức đầu tư là 47.325 tỷ đồng, do đó đã trở thành dự án trọng điểm quốc gia nên phải trình Quốc hội xem xét.
Ngoài ra TP.HCM phê duyệt điều chỉnh thời gian hoàn thành từ năm 2017 sang năm 2019 là không tuân thủ trình tự, vì với dự án quan trọng quốc gia thì khi kéo dài hơn 1 năm Chính phủ phải báo cáo Quốc hội quyết định.
Đặc biệt, Ban quản lý (Phó trưởng ban Hoàng Như Cương) phê duyệt điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và quy mô của dự án quan trọng quốc gia là trái thẩm quyền.