MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Toan tính của Kim Jong Un và Putin trong ván bài Thượng đỉnh Nga-Triều

21-04-2019 - 15:09 PM | Tài chính quốc tế

Theo giới phân tích, việc lãnh đạo Triều Tiên chọn thăm Nga thời điểm này là bước đi đúng đắn, phù hợp với tính toán về lợi ích của các bên.

Tổng thống Nga Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã sẵn sàng cho cuộc gặp Thượng đỉnh vào cuối tháng 4 trong bối cảnh Nga đang tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng còn Triều Tiên muốn tìm một sự cân bằng về ngoại giao sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 kết thúc mà không đạt được bất cứ thỏa thuận nào. Theo thông báo của Điện Kremlin, cuộc gặp Thượng đỉnh Putin-Kim sẽ diễn ra tại thành phố miền đông Vladivostok, gần biên giới Nga-Triều, trước chuyến thăm Trung Quốc của ông Putin dự kiến trong hai ngày 26 và 27/4.

Toan tính của Kim Jong Un và Putin trong ván bài Thượng đỉnh Nga-Triều - Ảnh 1.

Tổng thống Putin và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. (Ảnh: Getty).


Thời điểm hợp lý

Trang NK News dẫn nhận định của chuyên gia chính trị học quốc tế Artyom Lukin tại Đại học Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok cho biết, chuyến thăm của ông Kim Jong Un tới Nga dù sớm hay muộn cũng sẽ diễn ra, bởi Nga là một nước láng giềng thân thiện và quan trọng với Triều Tiên.

Quan hệ gần gũi giữa hai bên bắt nguồn từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh . Nga đã giúp Triều Tiên xây dựng các nhà máy và cơ sở hạ tầng quan trọng, gửi đồ tiếp tế và cung cấp khí tài quân sự cho quân đội Triều Tiên trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Ngay sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Putin đã tìm cách thiết lập lại quan hệ gần gũi với Triều Tiên, thông qua chuyến thăm Bình Nhưỡng vào tháng 7/2000. Trong bối cảnh sự hợp tác về quân sự giữa hai nước bị ngăn chặn do các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, Nga đã xóa các khoản nợ từ thời Liên Xô cho Triều Tiên, cung cấp lương thực, hàng viện trợ nhân đạo và cho phép hàng chục nghìn lao động nhập cư Triều Tiều làm việc ở vùng Viễn Đông. Không chỉ dừng lại ở đó, Nga cũng thúc đẩy triển vọng xây dựng tuyến đường sắt, đường ống dẫn khí đốt liên Triều – một dự án đầy hoài bão.

Việc nhà lãnh đạo Kim Jong Un lựa chọn tới Nga thời điểm này là hoàn toàn hợp lý. Ông Kim Jong Un nhận được lời mời thăm Nga từ tháng 5/2018 khi Ngoại trưởng Lavrov tới thăm Bình Nhưỡng. Tuy nhiên suốt từ thời điểm đó và cho tới Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội tháng 2/2019, ông Kim Jong Un đã quá bận rộn theo đuổi các hoạt động ngoại giao với Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc mà ít quan tâm tới Nga.

Một phần là vì nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫn chưa rõ những lợi ích thực sự mà chuyến thăm sẽ mang lại cho Bình Nhưỡng. Kết quả là khi tiến trình ngoại giao với Washington và Seoul bị đình trệ, ông Kim Jong Un đã thay đổi chiến lược với việc xoay trục sang Nga. Nói cách khác, Nga chính là sự lựa chọn tối ưu nhất vào thời điểm hiện nay. Ông Kim Jong Un có thể mong đợi sự tiếp đón nồng hậu từ Moscow hoặc nhận được sự hỗ trợ về kinh tế và chính trị từ Tổng thống Putin.

Triều Tiên muốn đạt được điều gì?

Tờ Washington Post cho biết, đối với nhà lãnh đạo Kim Jong Un, cuộc gặp Thượng đỉnh với Tổng thống Putin sẽ là bước đi để tiếp tục hòa nhập quốc tế sau nhiều năm khép kín. Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Triều sẽ giúp củng cố uy tín của ông Kim Jong Un trên trường quốc tế, một lần nữa chứng minh cho người dân Triều Tiên thấy nhà lãnh đạo của họ luôn được chào đón bởi nguyên thủ nhiều quốc gia trên thế giới.

Hội nghị này cũng giúp Triều Tiên nhận được sự ủng hộ từ một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, vốn có thể phủ quyết bất cứ đề xuất nào của Mỹ về việc áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng. Thậm chí có hy vọng mong manh rằng Nga sẽ thuyết phục Mỹ bớt cứng rắn hơn hoặc Trung Quốc linh hoạt hơn trong thực thi các biện pháp trừng phạt.

Đây cũng là cơ hội để ông Kim gửi thông điệp tới Washington và Bắc Kinh rằng ông còn có các lựa chọn khác.

“Thông qua chuyến thăm Nga, ông Kim Jong Un muốn chứng minh cho Mỹ thấy Triều Tiên sẽ không bị cô lập nếu các vấn đề mà nước này đang phải đối mặt không giải quyết được với Tổng thống Trump”, Andei Lankov - nhà phân tích thuộc Đại học Kookmin, Seoul nhấn mạnh. Hai nhà lãnh đạo Nga-Triều có thể thảo luận cách thức nhằm giảm nhẹ sự trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên hay những sự hỗ trợ khác về kinh tế.

Bên cạnh đó, ông Kim cũng muốn ngầm gửi tín hiệu cho Chủ tịch Tập Cận Bình rằng ngoài Trung Quốc, ông còn có những người bạn khác. Quan hệ Trung-Triều đã được cải thiện đáng kể thời gian gần đây, song vẫn còn có nhiều hoài nghi giữa các bên. Washington Post dẫn lời David Kim, nhà phân tích tại Trung tâm Stimson ở Washington nói: “Kim Jong-un không muốn đặt tất cả trứng vào giỏ của Trung Quốc vì Triều Tiên phải phụ thuộc về mặt kinh tế vào Trung Quốc. Càng ở dưới cái bóng của Trung Quốc thì họ càng muốn thoát khỏi nó".

GM_PC_ARTICLE_NATIVE_ADS

Tính toán của Tổng thống Putin

Đối với Tổng thống Putin, Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Triều sẽ cho thế giới thấy ông đã đưa Nga trở lại là cường quốc ngoại giao toàn cầu và quan trọng hơn, đây giống như một thông điệp rằng Nga không muốn và cũng không thể "đứng ngoài" tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Moscow muốn đảm bảo tiếng nói của mình được lắng nghe trong vấn đề hạt nhân Đông Bắc Á và muốn tham gia định hình tương lai của Triều Tiên trong thời gian tới. “Mục đích chính của Nga là muốn nhắc nhở các bên liên quan khác rằng nước này vẫn có ảnh hưởng tiềm tàng về kinh tế và chính trị trong khu vực. Moscow cần quay trở lại với tình hình trên Bán đảo Triều Tiên”, ông Andrei Lankov nói.

Nga vốn là một thành viên trên bàn đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên (từ năm 2003-2008), cơ chế đã giúp đạt nhiều kết quả khả quan. Mặc dù nước này không thể đơn phương giải quyết cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên, nhưng sẽ tạo ra một số đòn bẩy nhất định nhằm đẩy nhanh tiến trình phi hạt nhân hóa. Giờ đây, Moscow thêm một lần nữa có cơ hội thúc đẩy vai trò của nước này tại khu vực Đông Bắc Á, để chứng minh Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất có ảnh hưởng với Triều Tiên và nhắc nhở Hàn Quốc - nước mà Nga đang tìm cách gia tăng hợp tác về kinh tế rằng, nếu Seoul không nắm bắt cơ hội này thì Bình Nhưỡng sẽ là bên thế chỗ với những lợi ích to lớn về ngoại giao và kinh tế.

Khẳng định tầm ảnh hưởng đối với vấn đề Triều Tiên cũng có thể tạo cho Nga lợi thế nhất định trước phương Tây khi nước này muốn mở rộng vai trò trong giải quyết xung đột tại Syria, Ukraine hay đương đầu với cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ.

Ngoài chính trị, kinh tế cũng là lý do khiến Nga quan tâm tới Triều Tiên. “Mục đích chính của Nga trong quan hệ với Triều Tiên vẫn là mong muốn phát triển và đảm bảo an ninh cho vùng Viễn Đông của nước này. Nga xem vị trí địa lý tiếp giáp giữa nước này với Triều Triên là một con đường để tiến ra thị trường toàn cầu rộng lớn hơn”, tờ CNBC dẫn lời nhà phân tích Anthony Rinna thuộc Viện Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương, Đại học Nottingham.

Kịch bản thỏa thuận tại Thượng đỉnh Nga-Triều

Vẫn chưa rõ sẽ có bất kỳ tuyên bố chính thức hay thỏa thuận chung tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Triều hay không. Theo chuyên gia Artyom Lukin, nếu có thì đó sẽ là những văn bản rất chung chung, tái khẳng định quan hệ tốt đẹp và tình hữu nghị giữa Nga và Triều Tiên.

Tại cuộc gặp, nhà lãnh đạo Kim Jong Un nhiều khả năng đề nghị Nga hỗ trợ về kinh tế và giúp nới lỏng các biện pháp trừng phạt đơn phương. Tuy nhiên, ông Putin khó có thể cung cấp cho ông Kim gói viện trợ lớn, vì Nga có nhiều ưu tiên cấp bách hơn ở Trung Á và Đông Âu. Đó có thể là lý do nổi lên nhiều đồn đoán từ năm 2018, Hội nghị Thượng đỉnh vẫn chưa xảy ra. Thậm chí ngay cả khi Tổng thống Putin nhất trí với đề nghị của Triều Tiên thì gói viện trợ kinh tế sẽ rất hạn chế, chẳng hạn như Nga sẽ tài trợ xây dựng một cây cầu nối giữa hai nước bắc qua sông Tumangan.

Về phía Nga, Tổng thống Putin có thể kêu gọi Triều Tiên dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa, kêu gọi theo đuổi giải pháp ngoại giao, tán thành ý tưởng hợp tác 3 bên Moscow-Seoul-Bình Nhưỡng. Tóm lại, cuộc gặp Thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Triều sẽ mang ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn và ít đi sâu vào các vấn đề cụ thể. “Đây sẽ là một Hội nghị thú vị và hữu ích nhưng không phải nơi khởi nguồn của những chính sách lớn nhằm đưa đến giải pháp triệt để cho cuộc khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Bình Nhưỡng và Washington vẫn là những nhân vật chính, ngay cả Bắc Kinh cũng khó có được vai trò này”, chuyên gia Lankov nhận xét./.


Theo Hồng Anh

VOV

Trở lên trên