MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Toan tính của Synopsys

02-09-2022 - 07:54 AM | Doanh nghiệp

Toan tính của Synopsys

Trước lệnh cấm xuất khẩu phần mềm thiết kế chip sang Trung Quốc của Bộ Thương mại Mỹ mới đây, “gã khổng lồ” chip Mỹ Synopsys đang tìm đường sang Việt Nam để mở rộng đầu tư.

Synopsys là một công ty thuộc S&P 500, đối tác lớn của các công ty sáng tạo đang phát triển các sản phẩm điện tử và ứng dụng phần mềm. Công ty chuyên về tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) và IP bán dẫn, đồng thời cung cấp danh mục dịch vụ và công cụ kiểm tra bảo mật ứng dụng rộng nhất trong ngành.

Toan tính của Synopsys  - Ảnh 1.

Tiến sĩ Robert Li (trái), Phó Giám đốc Kinh doanh của Synopsys khu vực Đài Loan và Nam Á, ký Biên bản ghi nhớ (MoU) vào ngày 26 tháng 8 với Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi (phải), Chủ tịch SHTP tại Việt Nam.

Động thái mới

Trên thực tế, tự động hóa thiết kế điện tử, hay còn gọi là EDA, là một phân khúc thị trường bao gồm phần mềm, phần cứng và dịch vụ với mục tiêu chung là hỗ trợ định nghĩa, lập kế hoạch, thiết kế, triển khai, xác minh và sản xuất các thiết bị bán dẫn hoặc chip. Các nhà cung cấp chính của dịch vụ này là các xưởng đúc bán dẫn hoặc FAB (nhà máy sản xuất chất bán dẫn). Quy mô thị EDA toàn cầu được định giá 10,20 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 9,1% từ năm 2022 đến năm 2030.

Mặc dù, các giải pháp EDA không liên quan trực tiếp đến việc sản xuất chip, nhưng chúng lại đóng một vai trò quan trọng trong ngành chế tạo chất bán dẫn. Tuy nhiên, vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã mở rộng danh mục các sản phẩm và công nghệ không được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Phần mềm thiết kế chip là một trong số đó. Và Việt Nam là một trong những nước được Synopsys đánh dấu đầu tư sau khi công ty tổ chức cuộc họp báo cáo tài chính nội bộ.

Rõ ràng, động thái của Synopsys là một điều đáng mừng với Việt Nam. Có một thực tế là mặc dù các nhà sản xuất lớn như Apple, Samsung hay là Panasonic đang coi Việt Nam là điểm đến hứa hẹn cho các lĩnh vực sản xuất của mình, nhưng ngành công nghiệp chip của đất nước vẫn chưa được đầu tư và phát triển một cách xứng tầm.

Cơ hội của Việt Nam

Mặc dù Synopsys không tiết lộ con số đầu tư tại Việt Nam, nhưng họ đã tặng 30 giấy phép cho Khu Công nghệ Cao Sài Gòn (SHTP) để nâng cao tài năng thiết kế vi mạch tại Việt Nam trị giá hơn 20 triệu USD; đồng thời Synopsys hỗ trợ SHTP thành lập trung tâm thiết kế chip thông qua các khoản tài trợ từ Chương trình Phần mềm Đại học. Sự hợp tác này nhằm mục đích trau dồi tài năng thiết kế vi mạch tiên tiến và tạo điều kiện phát triển chất bán dẫn tại Việt Nam.

Trên thực tế, điều này được coi là rất quan trọng bởi theo đánh giá của ông Robert Li, Phó chủ tịch kinh doanh Synopsys khu vực Đài Loan và Nam Á, thách thức lớn nhất hiện nay của ngành sản xuất chip toàn cầu là vấn đề nguồn nhân lực, trong khi đó Việt Nam lại có thế mạnh này và chi phí còn thấp so với các nước khác trong khu vực như Singapore, Malaysia,…

“Giờ đây, Việt Nam có thể bắt đầu thiết kế các chip tầm trung, chẳng hạn như cho tủ lạnh và các máy điều hòa không khí và sau đó nâng cao chuỗi giá trị. Có rất nhiều công ty muốn đến Việt Nam để tìm kiếm nhân tài. Họ sẽ mang đến những dự án thiết kế vi mạch. Và một khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm, Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo”, ông Robert Li cho biết.

Có thể thấy, việc Synopsys mở rộng đầu tư tại Việt Nam sẽ giúp ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam trau dồi tài năng thiết kế vi mạch của mình thông qua hợp tác liên tục với cả học viện và doanh nghiệp. Synopsys có lẽ sẽ tạo ra một động lực mới, thúc đẩy những nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc tìm kiếm chỗ đứng trong lĩnh vực bán dẫn toàn cầu.

Theo Nguyễn Chuẩn

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên