MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Toan tính lớn của VinFast

08-01-2022 - 10:13 AM | Thị trường

Các chuyên gia ô tô tại Việt Nam cho rằng, việc VinFast tuyên bố dừng xe xăng từ năm 2022 để tập trung sản xuất xe điện nằm trong toan tính của VinFast.

Nằm trong lộ trình

Tại sự kiện VinFast Global EV Day trong khuôn khổ CES 2022 (Triển lãm điện tử tiêu dùng ở Las Vegas Mỹ), bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm Tổng Giám đốc VinFast toàn cầu, tuyên bố: “VinFast sẽ chính thức trở thành hãng xe điện 100% vào cuối năm 2022”. Hãng ngừng sản xuất xe xăng. Cùng với đó, hãng xe Việt công bố tên các sản phẩm xe điện lần lượt là VinFast VF5 đến VF9 thay thế cho tên gọi VF e32 đến VF e36, bao trọn phân khúc SUV (xe thể thao đa dụng) từ hạng A đến E. Trong đó, VF8 và VF9 chính là 2 mẫu xe VF e35 và VF e36 đã ra mắt tại triển lãm ôtô Los Angeles hồi tháng 11/2021.

Toan tính lớn của VinFast - Ảnh 1.

Khách hàng thế giới khám phá các mẫu xe điện của VinFast


Ông Hoàng Chí Trung, Tổng giám đốc VinFast Trading Việt Nam, khẳng định hãng đã dự trù đầy đủ lượng linh kiện đến hết vòng đời xe xăng, với số lượng gấp 1,5 lần so với thông lệ thị trường. Ngoài ra, hãng xe này đã triển khai dịch vụ sửa chữa lưu động (Mobile Service) nhằm mang đến tiện ích vượt trội và sự an tâm cho tất cả khách hàng dù là sử dụng xe xăng hay xe điện. Do đó, ông Trung khẳng định, không những không quay lưng với khách hàng cũ mà sẽ luôn nỗ lực để bổ sung giá trị gia tăng cho khách hàng.

Trong khi đó, chuyên gia ô tô Nguyễn Thanh Hải (Hải Kar) tỏ ra vô cùng bất ngờ với việc VinFast tuyên bố dừng hẳn sản xuất xe xăng trong năm 2022. Theo ông, giá xe điện của VinFast khá thấp so với mặt bằng xe điện từ trước tới nay, kể cả với xe xăng. Khách Việt chưa kịp làm quen với một mẫu xe điện giá gần 700 triệu đồng, thì đến lượt hai mẫu xe mới được VinFast công bố giá trên 1 tỷ đồng.

Theo PGS TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, VinFast có sự khác biệt trước hết ở tầm nhìn vươn tới toàn cầu, sự dũng cảm, dám chấp nhận thách thức. Thứ nữa là trong hành trang của VinFast còn có nội lực công nghệ, tài chính, nguồn nhân lực tầm cỡ, mạng lưới đối tác lớn...Tuy nhiên, theo ông Tuấn, cần tạo thành một hệ sinh thái hỗ trợ giúp doanh nghiệp có thể thi tài trên thế giới.

Bình luận về việc vì sao 5 mẫu xe điện mới ra mắt tại CES 2022 của VinFast đều thuộc dòng SUV, ông Hải Kar cho rằng, VinFast đã tận dụng lợi thế sản xuất dựa trên nền tảng (platform) chung, dễ dàng hơn khi nhảy sang làm dòng xe sedan (xe du lịch), hatchback (xe cửa sau). Dòng SUV có thể thu ngắn hoặc kéo dài kích thước dễ dàng, từ đó giúp giá thành xe cũng giảm. Hơn nữa, theo ông Hải Kar, kể cả ở châu Âu, châu Mỹ, hay Việt Nam, dòng SUV và tốc độ cao phù hợp với đại đa số người dùng.

Toan tính lớn của VinFast - Ảnh 3.

Lãnh đạo VinFast công bố tên các sản phẩm xe điện lần lượt là VinFasf VF5 đến VF9


Theo ông Hải Kar, ngày nay, ô tô không chỉ là phương tiện mà còn thể hiện phong cách sống. Đặc biệt là mẫu VF7 rộng rãi, phù hợp với cuộc sống đô thị, gia đình.

Một vấn đề vô cùng quan trọng với ô tô điện được vị chuyên gia chỉ ra là pin. Theo chuyên gia Hải Kar, pin là mối quan tâm lớn nhất với người dùng. “Chẳng hạn mới đây một chủ xe ở nước ngoài đã cho nổ xe điện Tesla vì hãng đòi tận 20.000USD cho việc thay bộ pin mới. Như vậy, khách hàng lo ngại khi đến thời điểm phải thay pin thì giá thành pin quá cao, còn xe sau khoảng 5 năm sử dụng đã trượt giá rất nhiều”, ông Hải Kar dẫn chứng.

Để giảm bớt lo ngại cho người dùng, theo vị chuyên gia, chính sách cho thuê pin của VinFast đã gạt bỏ lo ngại đó, đồng thời giúp giá xe hấp dẫn hơn.

Đánh giá về sự tăng trưởng của thị trường xe điện ở Việt Nam trong 3 năm tới, chuyên gia Hải Kar cho rằng, thị trường chỉ mới khởi sắc từ khi VinFast bắt tay vào làm. Ở Việt Nam, vị này nhận định, trong vòng 3 năm tới xe điện có thể chiếm tới 10% thị phần ô tô. Tuy nhiên, để đạt được điều đó còn phụ thuộc rất lớn vào chính sách của Chính phủ, cơ sở hạ tầng…

“Ở Việt Nam chính sách còn chậm so với sự phát triển của xã hội, chưa nói đến việc ủng hộ, trợ giúp cho các doanh nghiệp. Chẳng hạn, mấy hôm trước tôi chạy xe VF e34, chủ xe vẫn phải treo biển tạm, phải ghi rõ lộ trình đi đâu tới đâu. Như vậy có thể thấy, chưa có chính sách lệ phí trước bạ cho xe điện để họ đi đăng ký. Thực tế, VinFast hiện đang tự xây dựng cơ sở hạ tầng. Đáng nhẽ, Chính phủ nên ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cho xe điện, có hành lang pháp lý, chẳng hạn giao cho Petrolimex, PVOil… chia sẻ hạ tầng để lắp đặt các trạm sạc điện”, ông Hải Kar nói. Ông cho rằng, Chính phủ có thể hỗ trợ trước mắt bằng chính sách miễn lệ phí trước bạ cho xe điện.

“Bỏ bát cơm để có nhiều bát thịt”

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Whatcar, một chuyên gia về ô tô, cũng nhận định, VinFast không hề làm màu. Hai năm qua, nhờ 3 mẫu xe xăng gồm Fadil, Lux A và Lux SA, VinFast đã vươn lên trở thành đơn vị chiếm thị phần thứ 4 tại Việt Nam. “Thực sự, tôi cũng rất sốc khi nghe câu này bởi họ đang bán xe xăng rất tốt tại Việt Nam, và đây đang là mỏ tiền nhưng tại sao VinFast lại dừng sản xuất xe xăng?”, ông Thắng bày tỏ.

Theo ông Thắng, rõ ràng VinFast chấp nhận “bỏ bát cơm để kiếm nhiều bát thịt” bởi xe điện là xu hướng toàn cầu hóa. Dù doanh số xe điện chưa lớn bằng xe xăng nhưng có sự dịch chuyển mạnh, làm cho giá trị thương hiệu các hãng xe điện gia tăng mạnh. Chẳng hạn, giá trị thương hiệu của hãng xe xăng lớn nhất thế giới là Toyota khoảng vài chục tỷ USD, trong khi đó vốn hóa trên thị trường chứng khoán của Tesla đã trên dưới 100 tỷ USD, dù Tesla mới chỉ xuất hiện khoảng 10 năm nay. “Điều đó cho thấy VinFast đã nắm bắt được thời cuộc, không co cụm ở Việt Nam mà tiến ra toàn cầu. Rõ ràng VinFast không làm màu, bởi làm màu chỉ cần làm ở Việt Nam, cần gì ra toàn cầu. Xu hướng này cũng là canh bạc rất lớn của VinFast”, Giám đốc Whatcar nhận định.

Vậy làm sao để VinFast chiến thắng canh bạc lớn này? Theo ông Thắng, đầu tiên, VinFast phải gia tăng hệ thống trạm sạc, lắng nghe và thay đổi các chính sách sử dụng trạm sạc làm sao cho người dùng tiếp cận dễ dàng nhất. “Ở các vùng sâu vùng xa, khách hàng rất lăn tăn. Trong khi ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, khách hàng ở chung cư rất nhiều, do đó VinFast cũng cần để ý tới chính sách quy hoạch khu vực đỗ xe điện, cung cấp ổ cắm xe điện tới các vị trí đó để người sử dụng xe có thể cắm đúng sạc, tiện sử dụng”, ông Thắng gợi ý.

Theo ông Thắng, thị trường Việt Nam vẫn là nền tảng, là thị trường cạnh tranh dễ dàng nhất cho VinFast. Để làm được điều đó, VinFast phải chứng minh bằng việc không một hãng nào làm dịch vụ sau bán hàng tốt hơn họ.

Quan trọng hơn hết, ông Thắng cho rằng, Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm các nước tiên tiến để có chính sách hỗ trợ phát triển xe điện từ phía Chính phủ và cả doanh nghiệp.

Theo Tuấn Nguyễn

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên