Tốc độ tăng trưởng ngành hàng không chậm lại, miếng bánh thị phần có chia lại khi xuất hiện Vinpearl Air?
Sự xuất hiện của VietjetAir, tuy rằng khiến hoạt động kinh doanh vận tải hành khách của Vietnam Airlines gặp trở ngại, giống một cú hích đối với Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam để thay đổi, tự cải thiện hiệu quả hoạt động. Điều này sẽ lập lại khi có sự xuất hiện của Vinpearl Air.
Báo cáo Sơ kết công tác đảm bảo chất lượng dịch vụ 6 tháng đầu năm 2019 của Phòng Vận tải hàng không cho biết thị trường hành khách hàng không 6 tháng đầu năm 2019 tiếp tục tăng trưởng, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng đã chậm lại so cùng kỳ 2018 với tốc độ tăng trưởng đạt 9,4% so cùng kỳ 2018 và sản lượng đạt 38,5 triệu khách. Sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không, sân bay của Việt Nam đạt 56,8 triệu lượt hành khách tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2018. Vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đạt xấp xỉ 27 triệu hành khách tăng 7,7%. Năm 2019, thị trường hàng không có sự tham gia của hãng hàng không mới, Bamboo Airways.
Hiện tại, có 72 hãng hàng không quốc tế và 4 hãng không Việt Nam khai thác hơn 200 đường bay quốc tế thường lệ và thuê chuyến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đến 08 điểm ở Việt Nam (Hà Nội, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Phú Quốc, Cần Thơ, Cát Bi, Đà Lạt). Tổng thị trường 6 tháng đạt 20,2 triệu khách, tăng 12,5% so cùng kỳ 2018. Các hãng hàng không Việt Nam khai thác 155 đường bay thường lệ và thuê chuyến thường lệ đến 89 điểm của 20 quốc gia và vùng lãnh thổ với thị phần đạt 41%.
Các hãng hàng không Việt Nam khai thác 48 đường bay nội địa kết nối 22 Cảng hàng không trong đó trong đó Vietnam Airlines khai thác 33 đường bay, Vietjet Air khai thác 35 đường bay, Jetstar Pacific khai thác 23 đường bay, Công ty bay dịch vụ hàng không (VASCO) khai thác 09 đường bay, Bamboo Airways khai thác 24 đường bay. Tổng khách vận chuyển: 18,3 triệu khách, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2018, với thị phần như sau: Vietnam Airlines chiếm 35,9%, VASCO là 2%, Vietjet chiếm 44%, Jetstar Pacific chiếm 13,9% và Bamboo Airways chiếm 4,2%.
Thị phần các hãng hàng không
Tính 30/6/2019, các hãng hàng không Việt Nam khai thác đội tàu bay gồm 197 chiếc, tăng 30 chiếc so với cùng thời điểm năm 2018 với độ tuổi bình quân là 5,2 tuổi, tỷ lệ sở hữu đạt 27,4% (54 tàu bay sở hữu).
Cục diện hàng không thay đổi khi có người chơi mới
Theo báo cáo của Công ty chứng khoán MBS, kể từ khi có sự tham gia của Vietjet, cục diện ngành hàng không nội địa đã thay đổi hoàn toàn. Hiệu quả hoạt động ngành vận tải hàng không đã tăng lên rõ rệt sau sự xuất hiện của VietjetAir. Hành khách là nhóm đối tượng được hưởng lợi chính từ sự cạnh tranh trong ngành tăng lên, thế độc quyền được xóa bỏ. VietjetAir với mô hình hàng không giá rẻ, thâm nhập thị trường bằng cách cạnh tranh trực tiếp giá vé, đã hạ thấp mặt bằng giá vé, cụ thể giai đoạn 2014-2017, giá vé bình quân của VNA và VJA lần lượt giảm 7% và 16%/năm. Bên cạnh việc chi phí đi lại hàng không được cắt giảm, mạng lưới đường bay cũng đa dạng hơn, đáp ứng nhiều hơn nhu cầu đi lại của hành khách, đặc biệt là các đường bay quốc tế.
Sự xuất hiện của VietjetAir, tuy rằng khiến hoạt động kinh doanh vận tải hành khách của Vietnam Airlines gặp trở ngại, giống một cú hích đối với Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam để thay đổi, tự cải thiện hiệu quả hoạt động.
Năm 2018, Vietjet trở thành hãng hàng không có thị phần nội địa cao nhất đạt 48,9% thị phần, vượt xa hãng hàng không quốc gia Việt Nam với thị phần đạt 39,0%. Chính sách giá vé giữ vai trò chiến lược cho thành công của Vietjet. Tính trung bình, Vietjet luôn cung cấp giá vé rẻ nhất, đã bao gồm dịch vụ phụ trợ - suất ăn và hành lý ký gửi 20kg. Năm 2018, giá nhiên liệu bay tăng mạnh khoảng 30% gây áp lực khiến các hãng hàng không buộc phải tăng giá vé để bù đắp chi phí nhiên liệu. Trong bối cảnh đó, Vietjet chấp nhận mức tăng giá vé thấp hơn so với các hãng hàng không còn lại, biên lợi nhuận tuy thấp hơn nhưng lượng hành khách vận chuyển tăng đáng kể trong khi thị trường toàn ngành tăng trưởng chậm lại.
Theo MBS trong những năm tới, thị trường nội địa sẽ tiếp tục có thêm những sự xáo trộn đáng kể với sự xuất hiện của Bamboo Airways. Mục tiêu ban đầu của Bamboo là xâm nhập thị trường, tăng nhận diện thương hiệu bằng chiến lược giá rẻ. Hiện tại, Bamboo đang đưa ra mức giá vé thấp nhất trong các hãng hàng không. Do đó, MBS cho rằng Vietjet nhiều khả năng sẽ mất khoảng 3-4% thị phần nội địa trong vài năm tới.
Các nhà ga nội địa sân bay trục chính vượt mức công suất thiết kế đã cản trở các hãng mở thêm đường bay nội địa mới cũng như tiếp tục tăng tần suất chuyến bay. Bamboo Airways gặp khó khăn trong việc gia tăng hiện diện tại các chặng bay này do thiếu hụt slot bay; do vậy, sự thay đổi thị phần nội địa sẽ diễn ra trong khoảng 1-2 năm tới và sẽ duy trì sự cân bằng trong giai đoạn tiếp sau.
Trong trường hợp Vinpearl Air được cấp giấy phép, cuộc đua thị phần hàng không sẽ rất gay cấn bởi Vingroup có truyền thống chơi lớn và rất mạnh về tài chính, Tập đoàn này cũng có lịch sử triển khai dự án thần tốc như trường hợp xây nhà máy Vinfast tại Hải Phòng. Do đó các hãng hàng không khác cần phải dè chừng nếu đại gia này tham gia vào lĩnh vực hàng không. Bên cạnh đó Vingroup có một lợi thế lớn là các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng trải khắp cả nước, do đó nếu bán gói combo du lịch khách sạn kèm vé máy bay sẽ thu hút người dân.
Chuyển hướng ra thị trường quốc tế
Thị trường hành khách nội địa được MBS dự báo tăng trưởng CAGR 5,9%/năm cho giai đoạn 2018-2025 với động lực tăng trưởng đến từ mức thu nhập người dân tăng lên, cơ cấu dân số vàng với tỷ trọng tầng lớp trung lưu tăng lên, và tỷ lệ hành khách nội địa trên tổng dân số vẫn ở mức thấp. Trong khi đó thị trường hành khách quốc tế được dự báo tăng trưởng CAGR 11,4%/năm. Du lịch Việt Nam ngày càng được biết đến nhiều hơn trên thế giới, thể hiện qua sự gia tăng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Theo MBS, sự phát triển của các hãng hàng không trong tương lai sẽ tập trung sang thị trường quốc tế khi thị trường nội địa tăng trưởng chậm lại, rào cản thị phần lớn. MBS đánh giá Vietnam Airlines hưởng ít lợi hơn so với VietjetAir từ nhóm du khách quốc tế đến Việt Nam. VNA tập trung khai thác tại 2 sân bay căn cứ Nội Bài và Tân Sơn Nhất, trong khi đó VJA xây dựng Cam Ranh và hướng tới Đà Nẵng là 2 sân bay căn cứ đối với thị trường quốc tế.
Trong cơ cấu mạng lưới đường bay quốc tế đối với thị trường Đông Bắc Á, VNA dành 55,8%, con số bên VJA là 78,0%. Thị trường du lịch Nha Trang đón phần lớn du khách Trung Quốc, đối với thị trường Đà Nẵng là nhóm du khách Hàn Quốc. Hai nhóm hành khách này có tốc độ tăng trưởng cao nhất, đóng vai trò dẫn dắt thị trường du lịch Việt Nam. Đón đầu xu hướng nay, MBS nhận định phương hướng xây dựng Cam Ranh, Đà Nẵng thành các "international hub" của VJA sẽ giúp VJA tiếp tục gia tăng thị phần hành khách quốc tế trong các năm tới, là động lực tăng trưởng cho VJA.
Trí Thức Trẻ