Tội đồ nào khiến VN-Index bay gần 26 điểm, vốn hóa HoSE mất gần 103.000 tỷ đồng ngay trong phiên đầu tuần?
Phiên giảm 18/4 đã "thổi bay" hơn 102.908 tỷ đồng vốn hóa của sàn HoSE, giá trị còn lại khoảng 5.678.439 tỷ đồng.
Sắc đỏ bao trùm thị trường chứng khoán trong phiên đầu tuần 18/4, VN-Index có thời điểm đánh rơi tới hơn 31 điểm dưới áp lực bán tháo ồ ạt đẩy hàng loạt cổ phiếu nằm sàn la liệt. Độ rộng thị trường nghiêng hoàn toàn về bên bán, tính chung trên toàn thị trường hôm nay, có tới 828 mã cổ phiếu giảm điểm, trong đó có tới 150 mã giảm hết biên độ.
Theo đó, hàng loạt cổ phiếu bất động sản dưới áp lực bán mạnh đã giảm sàn "trắng bên mua" như HUT, HQC, IDJ, HHV, DPG, LCG, FCN, DRH, VCG, CTD, TDC, QCG, LDG... Bên cạnh đó, các cổ phiếu chứng khoán cũng không tránh khỏi tình trạng giảm hết biên độ, EVS, VIG, HBS, APS, BSI, AGR, VCI, CTS, ORS, VIX, FTS... chìm trong sắc "xanh sàn".
Cổ đông nhóm ngân hàng cũng có một phiên không mấy vui vẻ khi mức tăng trên 3% xuất hiện tại hầu hết các mã, thậm chí LPB có thời điểm trong phiên còn giảm sàn, các "ông lớn" như CTG, BID, VCB, MBB, TCB, STB, ACB, VIB,... đồng loạt chìm trong sắc đỏ.
Diễn biến tiêu cực còn được ghi nhận tại các cổ phiếu ngành thép khi VIS giảm hết biên độ, HPG, HSG, TLH, NKG, TVN, POM đều giảm trên 3%. Tại nhóm dầu khí, duy nhất GAS giữ được sắc xanh khi tăng 0,2%; còn lại BSR, OIL, PVD, PVB, PVS, POS, PGC... đồng loạt giảm điểm.
Phiên giảm 18/4 đã "thổi bay" hơn 102.908 tỷ đồng vốn hóa của sàn HoSE, giá trị còn lại khoảng 5.678.439 tỷ đồng.
Xét về mức độ đóng góp, bộ ba cổ phiếu nhà băng gồm VCB, CTG và VPB trở thành "tội đồ" lớn nhất khiến VN-Index đánh rơi tới hơn 7 điểm trong phiên đầu tuần. Cụ thể, VCB giảm mạnh 3,1% về mức giá 77.700 đồng/cổ phiếu, khiến VN-Index giảm 2,97 điểm; CTG giảm 5,8% về 29.200 đồng/cp, khiến VN-Index giảm 2,17 điểm và VPB giảm 4,8% xuống 36.650 đồng/cp khiến chỉ số sàn HoSE giảm 2,06 điểm.
Bên cạnh đó, HPG và BID tiếp tục là hai nhân tố đè mạnh lên thị trường khi lần lượt lấy đ i1,74 điểm và 1,71 điểm của chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam. Hai ông lớn đầu ngành thép và ngân hàng này trong phiên hôm nay cũng kết phiên với mức giảm mạnh, trong khi HPG điều chỉnh tới 3,5%, về mức 42.650 đồng/cp thì BID cũng giảm 2,4% xuống 37.950 đồng/cp.
Top 15 cổ phiếu tác động tiêu cực đến VN-Index trong phiên giảm mạnh này này còn có những cổ phiếu như VHM, VIC, NVL, SSI, PLX; trong đó SSI có thời điểm trong phiên đã chạm mức giá sàn 37.200 đồng trước phục hồi nhẹ về mức 37.500 đồng/cp khi đóng cửa.
Ngoài ra, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng khác cũng nằm trong nhóm cổ phiếu tác động tiêu cực đến thị trường hôm nay như TCB, MBB, STB, ACB, EIB,...
Việc những nhóm trụ cột của thị trường như "bank, chứng thép" cùng bluechips dòng bất động sản điều chỉnh đã khiến các chỉ số nhanh chóng lao dốc không phanh. Cộng thêm lực cầu tại các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ hay các nhóm đầu cơ cũng bị triệt tiêu đáng kể trong bối cảnh những tin đồn tiêu cực tác động lớn đến tâm lý nhà đầu tư, từ đó gây ra những phiên giảm sâu trong thời gian qua.
Ở chiều ngược lại, sắc xanh le lói tại một số cổ phiếu GVR, DIG, VJC, PNJ, VNM hay DGW tăng kịch trần cũng không thể giúp thị trường tránh một phiên giảm mạnh. Theo đó, GVR ngược dòng tăng 2,2% lên mức 36.800 đồng/cổ phiếu đã trở thành "công thần" lớn nhất giúp VN-Index tăng 0,8 điểm. DIG bất ngờ đi ngược xu hướng điều chỉnh của dòng bất động sản, tăng mạnh 5,6% cũng giúp thị trường chung bớt phần ảm đạm.
Báo cáo mới đây của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá việc VN Index ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ từ mức hỗ trợ 1.450 điểm trong tuần trước là điểm tích cực, tuy nhiên thanh khoản tương đối “eo hẹp” và sụt giảm khá rõ nét so với những phiên trước cho thấy một phần dòng tiền đã tạm thời rút lui - đặc biệt là ở các cổ phiếu có tính đầu cơ cao.
Theo VCBS, trong bối cảnh nhiều cổ phiếu đã ghi nhận mức tăng “phi mã” kể từ giữa năm 2021 - đặc biệt là ở nhóm bất động sản - thì chu kỳ điều chỉnh như hiện tại là diễn biến dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu nhìn sang phần còn lại của thị trường thì những cổ phiếu sản xuất duy trì được mạch tăng trưởng lợi nhuận kể từ năm ngoái cho đến quý 1/2022 vẫn đang là điểm sáng của thị trường, ví dụ như nhóm dệt may, phân bón, đồ gỗ,…
Dù vậy, những nhóm ngành này có vốn hóa không lớn và do đó khó thu hút được dòng tiền quay trở lại dồi dào như giai đoạn trước. Do đó, VCBS tiếp tục cho rằng xu hướng của chỉ số trong tuần sau sẽ là kiểm định lại vùng kháng cự 1.480 điểm (quanh đường trung bình động 20 ngày trên đồ thị ngày) và chờ đợi cân bằng cung – cầu được thiết lập. Mặt khác, diễn biến phân hóa trên thị trường sẽ tiếp tục rõ nét hơn với sự bứt phá của các cổ phiếu công bố kết quả kinh doanh của quý 1/2022 tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm ngoái.