MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Tôi là một cỗ máy biết nói': Cảm xúc của các thiên tài nhí sở hữu chỉ số IQ thuộc nhóm 2% đỉnh nhất thế giới là như thế nào?

18-05-2020 - 06:22 AM | Sống

Sở hữu một bộ óc vượt trội sẽ dẫn đến những thử thách đặc biệt về mặt xã hội, cảm xúc và cả học thuật. Thông minh hơn hàng tỷ người, rốt cuộc đây là một phúc lành hay gánh nặng? Hãy cùng lắng nghe câu chuyện của các "siêu trí tuệ" được chú ý hàng đầu thế giới hiện nay.

Hầu hết mọi người chẳng có "diễm phúc" hiểu được cảm xúc thật sự của một thiên tài. Tuy nhiên trong 5 năm trở lại đây, các thành viên dưới 17 tuổi của Mensa (cộng đồng những người có IQ thuộc nhóm 2% thế giới) đã tăng lên đáng kể, từ 1.334 lên tới 1.991 thanh thiếu niên. Sự mở rộng này một phần do Mensa nỗ lực tiếp cận nhiều hơn đến các trường học trên khắp thế giới.

Tuy nhiên, một thực trạng khó giải quyết là những đứa trẻ thiên tài vẫn không phù hợp với hệ thống giáo dục đại trà. Nhiều thần đồng gặp khó khăn về mặt xã hội, cảm xúc và học thuật. Cụ thể, 3 câu chuyện được tờ Guardian ghi lại ở Anh Quốc sẽ hé lộ cho chúng ta biết về những đặc ân và thiệt thòi của các thiên tài.

Jeeva Jandu (4 tuổi): Ít bạn bè vì... biết nói quá sớm!

Tôi là một cỗ máy biết nói: Cảm xúc của các thiên tài nhí sở hữu chỉ số IQ thuộc nhóm 2% đỉnh nhất thế giới là như thế nào? - Ảnh 1.

Jeeva là thành viên nhỏ tuổi nhất của tổ chức Mensa ở Vương quốc Anh khi "nhập hội" từ lúc lên 3 tuổi (dù đến năm 2020 kỷ lục của cô bé đã bị đánh bại bởi Muhammad Haryz Nadzim).

Từ bé, Jeeva đã khiến bố mẹ vô cùng ấn tượng và tự hào. Chỉ mới 7 tháng tuổi, Jeeva đã phát âm được những từ như "cat" và "grandma"; đến 11 tháng tuổi biết tự kể truyện cổ tích trước khi ngủ; đến 15 tháng tuổi đã đọc sách trôi chảy. Hiện giờ, chỉ số IQ của cô bé ở mức 160+, tương đương với Einstein và Stephen Hawking. Trong lúc bạn bè trang lứa đang học đánh vần thì cô bé đã đọc sách bằng mắt suốt 4 tiếng mỗi ngày.

Mẹ của Jeeva là một nha sĩ trong khi bố là chuyên viên định phí bảo hiểm. Ở tuổi 32, cả bà Malveen và ông Hardeep đều đạt được những nấc thang cao trong sự nghiệp. Ngoài ra, Jeeva còn có một chị họ cũng là thành viên của "tổ chức thiên tài" Mensa.

Thần đồng 4 tuổi hiện có khả năng đọc hiểu và làm tính với độ khó gấp 2 lần so với bạn bè cùng trang lứa. Em cho biết: "Cháu thích đọc sách, tìm hiểu về các sự vật trên thế giới và cách chúng hoạt động".

Jeeva thích trò chuyện và khá hòa đồng, mặc dù trong suốt thời thơ ấu, em là đứa trẻ duy nhất... đủ từ ngữ để nói chuyện! "Ước gì các bạn mẫu giáo của cháu cũng có thể, vậy thì cháu đã có nhiều bạn bè hơn" - Jeeva chia sẻ.

Mẹ Malveen luôn nhớ về những lần con gái nhỏ tháo tung đồ chơi để xem cách thức chúng được lắp ráp. "Chúng tôi quyết định ngay từ đầu là sẽ mặc kệ các hướng dẫn độ tuổi. Điều đó áp đặt giới hạn về khả năng của bọn trẻ". 

Tuy nhiên, nữ nha sĩ khẳng định luôn muốn con gái trở thành người tử tế. "Chúng tôi không muốn con bé được xếp vào 1 nhóm duy nhất - thông minh. Mục tiêu nuôi dạy con của tôi là Jeeva được cảm thấy đủ đầy, hạnh phúc. Không phải lúc nào cũng đòi hỏi sự hoàn hảo. Mỗi ngày, tôi đều hỏi con gái về những thành công lẫn thất bại và đề cao giá trị của tất cả".

Nathan Kai (10 tuổi): Càng thấu hiểu về hoàn cảnh khó khăn, lại càng buồn bã và khó chấp nhận

Tôi là một cỗ máy biết nói: Cảm xúc của các thiên tài nhí sở hữu chỉ số IQ thuộc nhóm 2% đỉnh nhất thế giới là như thế nào? - Ảnh 2.

Nathan có IQ thuộc nhóm 0,01% dân số toàn cầu. Ở tuổi lên 3, cậu bé đã tự học chơi bản Clair de Lune (Ánh trăng) trên nhạc cụ đồ chơi. 6 tuổi, Nathan bước vào trường trung học. Hai năm sau, cậu bé là đồng tác giả quyển sách Be Your Best Self: Life Skills For Unstoppable Kids (Hãy là phiên bản tốt nhất của chính mình: Kĩ năng dành cho những đứa trẻ không thể dừng lại).

Nathan cho biết: "Khi cháu 6 tuổi, mẹ đã cho cháu chọn quà Giáng sinh. Cháu muốn 1 quyển sách nói về việc phát triển hết mức khả năng của mình, nhưng hai mẹ con tìm hết các nhà sách lẫn trên mạng mà chẳng thấy quyển sách nào như thế. Cháu biết rằng, đây chính là một cơ hội để bản thân viết ra quyển sách ấy".

Theo nữ phóng viên của tờ Guardian, Nathan là một cậu bé gan dạ, phát biểu hùng hồn và lịch thiệp xuất chúng hơn hầu hết người lớn mà cô biết. Bên cạnh khả năng thiên phú trong ngôn ngữ và âm nhạc, tế bào thần kinh vận động của Nathan còn rất phát triển. Cậu bé nằm trong đội tuyển bơi lội của nhà trường, thường xuyên tập thiền, yoga và là nhà vô địch một giải đấu châu Âu trong môn nhu thuật.

Cách đây 2 năm, bố của Nathan đã bỏ nhà đi, để lại cậu bé cùng mẹ và 2 em trai. Nathan chia sẻ thẳng thắn: "Cháu nghĩ rằng việc có IQ cao khiến tình cảnh càng trở nên khó chịu hơn. Cháu cảm thấy như mình nêu hiểu được hoàn cảnh hiện tại, nhưng cháu lại không thể. Mỗi người trong chúng ta đều lưu giữ một câu chuyện khó giãi bày".

Anna, mẹ của ba anh em Nathan, là một luật sư kiêm nhà trị liệu tâm lý. Từ nhỏ, bà cũng là người thông minh xuất chúng và hiểu rõ những gánh nặng của một thiên tài ở trường học bình thường. Vì vậy, người mẹ 40 tuổi quyết định tự giáo dục các con ở nhà.

Về chuyện đi học, Nathan cho biết: "Cháu đã thử môi trường này nhưng không ai có thể hiểu được các câu nói đùa hay về con người cháu. Mỗi người đều khác biệt và cháu không muốn tốn sức cho những việc nhỏ nhặt. Hiện giờ, cháu có những người bạn tốt hơn, cũng như tập trung theo đuổi đam mê của mình thay vì chạy theo đám đông. Với những người bạn hiện giờ, cháu có thể thảo luận vật lý và đại dương học. Với họ, cháu không cảm thấy mình lập dị".

Luca Manfredi (12 tuổi): Một "cỗ máy tính toán" nhưng đầy nỗi cô đơn

Tôi là một cỗ máy biết nói: Cảm xúc của các thiên tài nhí sở hữu chỉ số IQ thuộc nhóm 2% đỉnh nhất thế giới là như thế nào? - Ảnh 3.

Luca được phát hiện có IQ 158, khi học viện của cậu kiểm tra trí tuệ 8 đứa trẻ xuất chúng nhất. Sau đó, Luca được mời tham gia tổ chức Mensa. "Bài test đã đưa ra 1 từ vựng phức tạp và yêu cầu tìm từ đồng nghĩa" - Luca nhớ lại. "Cháu không nói mọi thứ dễ dàng, nhưng cháu biết câu trả lời". Ngoài ra, cậu bé 12 tuổi mô tả bản thân là một "chiếc máy tính người thật" và đang theo đuổi chương trình toán học GCSE (chứng chỉ THPT được phát triển bởi Cambridge).

"Cháu thích tìm hiểu về nhiều thứ và muốn sử dụng tài năng toán học của mình ở NASA. Mọi người sẽ nghĩ về phi hành gia, nhưng kỳ thực cháu muốn thấu hiểu cách thức hoạt động của tên lửa và công việc lập trình, thiết kế".

"Cháu thích được thử thách trí não. Năm 2 tuổi, cháu đã làm được phép nhân chia phức tạp. Cháu được dạy môn đại số từ sớm và biết rằng mình thông minh".

Luca hiện sống cùng với mẹ Patrizia (42 tuổi), một nhân viên xuất nhập cảnh, bố Mark (45 tuổi), nhân viên vận tải và em trai Simone (7 tuổi). Hồi nhỏ, bà Patrizia cũng rất sáng dạ nhưng không phải thiên tài như con trai hiện giờ. 

Người mẹ chia sẻ: "Tôi luôn cố gắng hỗ trợ con trong các việc thực tế lẫn về mặt xúc cảm. Tôi bảo đảm luôn có thêm sách mới để thỏa mãn sự ham hiểu biết của con. Đồng thời, tôi giải thích rằng bọn trẻ đôi khi có thể tàn nhẫn bởi vì chúng chưa hiểu được tầm quan trọng của các sự việc xung quanh hoặc chưa có hệ giá trị phù hợp. Ước mơ lớn nhất của tôi là nhìn thấy con trai hoàn thành các giấc mơ của mình. Việc tham gia vào Mensa đã mở ra nhiều cánh cửa mới".

Dù có tình yêu thương của gia đình, Luca cho biết sự chín chắn làm cậu cảm thấy cô đơn. "Không ai thích một kẻ biết tuốt cả. Bố mẹ khuyên cháu rằng trí thông minh sẽ có thể gây trở ngại ở hiện tại, nhưng là yếu tố tích cực để có những công việc đem lại niềm hạnh phúc về sau".

(Bài, ảnh: The Guardian)

Theo Jayden

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên