MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tơi tả sau cuộc chiến lưỡng bại câu thương, Nhật – Hàn tìm lối thoát cho tranh chấp thương mại

02-12-2019 - 11:41 AM | Tài chính quốc tế

Trong bối cảnh triển vọng kinh tế mờ mịt, hai nền kinh tế lớn của Đông Á đang nỗ lực tìm cách giải quyết những tranh chấp thương mại khiến cả hai cùng chịu tổn hại.

Ngay sau khi Seoul tuyên bố Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ tổ chức đàm phán thương mại cấp cao, một số nhà phân tích cho rằng có sự tiến triển trong mối quan hệ giữa hai cường quốc Đông Á. Đây cũng được coi là dấu hiệu tan băng trong mối quan hệ thương mại giữa hai nước.

Waqas Adenwala, chuyên gia phân tích tình hình chauya Á của The Economist Intelligence Unit tin rằng căng thẳng thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã hạ nhiệt so với hồi mùa hè. Chia sẻ với CNBC, Adenwala cho rằng tình hình trở nên khả quan hơn khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cố gắng gặp gỡ bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Trung – Nhật – Hàn đang diễn ra tại Thành Đô, Trung Quốc.

Theo thông báo của Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc cuối tuần trước, đàm phán thương mại cấp cao Hàn – Nhật sẽ diễn ra vào tuần thứ 3 của tháng 12. Hai nước sẽ thảo luận về các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm vào nhau. Cuộc tranh chấp thương mại giữa Hàn và Nhật bùng lên vào tháng 7 khi Tokyo hạn chế xuất khẩu 3 loại hóa chất vốn rất quan trọng trong việc sản xuất chất bán dẫn và màn hình, sang Hàn Quốc.

"Quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc có rất nhiều chỗ phải sửa chữa. Cả hai bên đang nỗ lực nhằm bình thường hóa quan hệ. Mặc dù quan điểm khác nhau về các sự kiện lịch sử vẫn tồn tại nhưng chủ nghĩa thực dụng trên chính sách kinh tế và thương mại có thể khiến hai nước gác lại những khác biệt", ông Jesper Koll, cố vấn cao cấp tại WisdomTree Investments, nhận định.

Căng thẳng thương mại gây ra những hệ lụy với cả kinh tế Hàn Quốc và Nhật Bản. Hôm 2/12, Reuters cho biết hoạt động sản xuất ở hai nước đều không tốt. "Triển vọng của cả hai nền kinh tế không có gì sáng sủa. Một cuộc chiến thương mại khốc liệt và gay gắt hơn chắc chắn sẽ không mang đến lợi ích gì cho cả hai quốc gia", một nhóm phân tích cho biết.

Đối với Nhật Bản, việc tăng thuế tiêu thụ cùng với việc nhu cầu toàn cầu sụt giảm, đặc biệt trong lĩnh vực ô tô, khiến nền kinh tế thứ 3 thế giới bị ảnh hưởng. Số liệu xấu tháng 10 bắt nguồn từ nhiều yếu tố trong đó quan trọng nhất là việc tăng thuế tiêu thụ.

Ngày 1/10, Nhật Bản tăng thuế tiêu thụ từ 8% lên 10% với hầu hết các loại hàng hóa. Đây là điều làm dấy lên nhiều tranh cãi ở Nhật Bản, dẫn đến sự sụt giảm mạnh mẽ về số liệu kinh tế. Điều này khiến nhu cầu của người tiêu dùng sụt giảm, hoạt động công nghiệp trong nước cũng bị ảnh hưởng khi các nhà sản xuất tăng quy mô trở lại.

Đối với Hàn Quốc, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã gây nhiều tác động tới Hàn Quốc, quốc gia vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng các chỉ số của Trung Quốc đã chạm đáy và mọi thứ có thể tốt hơn vào năm tới. Giải quyết căng thẳng thương mại sẽ giúp mọi thứ ổn định hơn.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên