TS Nguyễn Đình Cung đề nghị bỏ quy hoạch cán bộ với lãnh đạo chủ chốt doanh nghiệp Nhà nước
Ngày 4/12, Ban Kinh tế trung ương và Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp tổ chức hội thảo "Xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại các doanh nghiệp nhà nước ngang tầm nhiệm vụ: Thực trạng và giải pháp".
- 05-12-2021Có thể có gói hỗ trợ 244.000 tỷ đồng dành riêng doanh nghiệp trong 2 năm tới
- 05-12-2021TS. Bùi Sỹ Lợi: 'Mục tiêu cấp bách lúc này là phải khẩn trương phục hồi thị trường lao động!'
- 05-12-2021Hàng không kiến nghị tiếp tục được hỗ trợ vốn để duy trì, sau khi lâm vào khủng hoảng chưa từng có kể từ Thế chiến II
Đề nghị xem xét bỏ quy hoạch cán bộ với lãnh đạo chủ chốt
Tại hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đặt vấn đề phải nhìn nhận khách quan về vai trò, đóng góp cũng như sự thay đổi tích cực của các DNNN cũng như lãnh đạo của các DNNN đối với sự phát triển của nền kinh tế trong những năm vừa qua.
Bên cạnh đó, khi đánh giá về những vi phạm, sai phạm liên quan đến doanh nghiệp nhà nước ngoài việc chỉ ra sai phạm cho thấy mỗi người lãnh đạo, quản lý DNNN thì phải đề cập đến sự liên quan các cơ quan khác có liên quan.
"Mỗi cán bộ lãnh đạo được bổ nhiệm đều qua nhiều khâu. Vì vậy, trong trường hợp để xảy ra vi phạm, sai phạm, thì đó là cả quá trình với nhiều bên liên quan, mà trước hết những cơ quan quản lý trực tiếp phải chịu trách nhiệm đầu tiên".
Ngoài ra, TS. Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, lâu nay khi xem xét các sai phạm, vụ án vẫn chưa tách bạch giữa pháp nhân và cá nhân, đặc biệt là trong tài sản. Cụ thể, đối với tài sản cá nhân có thể sử dụng vật chứng nhưng tài sản pháp nhân không thể đưa ra làm vật chứng. Tuy nhiên, thực tế vừa qua, việc nhập nhằng này đã dẫn đến tình trạng có những dự án hàng chục nghìn tỷ được sử dụng làm vật chứng để đấy, dầm mưa dãi nắng nhiều năm, gây tốn kém, lãng phí.
Đánh giá về nguyên nhân của sự "chậm tiến", kém đổi mới, sáng tạo của một bộ phận lãnh đạo doanh nghiệp, TS. Nguyễn Đình Cung chia sẻ: "Tôi gặp nhiều anh em, chia sẻ, cũng mong muốn đóng góp, hành động nhưng cảm nhận sự rủi ro, nên sự lựa chọn tốt nhất là không hành động, đảm bảo an toàn cho cá nhân nhiều nhất, một việc xin ý kiến nhiều người. Chính thứ này gây mất mát, chậm trễ, thiếu năng động của hệ thống DNNN hiện nay."
Kiến nghị giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt trong DNNN, TS. Nguyễn Đình Cung cho hay, đánh giá cán bộ trong DNNN không thể tách rời vai trò, sứ mệnh, mục tiêu nhiệm vụ và khuôn khổ quản trị của hệ thống DNNN nói chung và từng DNNN nói riêng, đặc biệt quản trị theo thông lệ quốc tế gồm HĐQT, thành viên HĐQT, giám đốc điều hành và các bộ phận cấu thành.
Ông Nguyễn Đình Cung nói thêm, cần nghiên cứu học hỏi bài học kinh nghiệm của các tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn tư nhân trong việc tuyển chọn, bổ nhiệm, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật các lãnh đạo, cán bộ chủ chốt. Theo đó, Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp ngoài việc chú trọng tổng kết thực tiễn từ các DNNN còn phải đánh giá đúng mức việc tổng kết bài học kinh nghiệm từ quá trình vận hành thành công của nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước.
"Tôi tin rằng ông Tổng Giám đốc VinFast không có trong quy hoạch từ trước của ông Phạm Nhật Vượng. Họ không có quy hoạch cán bộ nhưng họ có cán bộ giỏi chuyên môn và đạt được mục tiêu tốt hơn nhiều doanh nghiệp trong khu vực nhà nước. Vì vậy, đề nghị xem xét bỏ quy hoạch cán bộ với lãnh đạo chủ chốt DNNN", TS. Nguyễn Đình Cung đề xuất.
Thay vì quy hoạch, hãy làm chương trình tìm kiếm tài năng
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, với cách quy hoạch cán bộ tại DNNN như hiện nay sẽ không chọn được người tài, không chọn được những người lãnh đạo đổi mới, sáng tạo, dám chấp nhận rủi ro người giỏi mà chỉ chọn được những người biết tuân thủ.
"Thay vì quy hoạch hãy làm chương trình kế hoạch tìm kiếm tài năng, tìm kiếm người tài thì mới tốt hơn nhiều, đừng bỏ cơ hội tìm người tài về làm việc cho chúng ta".
Cùng với đó, ông cũng đề nghị xem xét bãi bỏ bổ nhiệm cán bộ DNNN theo cơ chế hành chính xin cho mà trao quyền tự chủ cho cơ quan chủ sở hữu là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và SCIC thực hiện hậu kiểm kèm theo.
"Người bổ nhiệm theo tiêu chuẩn, tiêu chí không nghiễm nhiên ngồi ở đó trong nhiệm kỳ tiếp theo, nếu không đạt được mục tiêu thì miễn nhiệm", TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, cần thực sự có thay đổi mang tính bước ngoặt, dứt khoát chuyển đổi sang cơ chế thị trường và công tác cán bộ, quản trị DNNN phải thực hiện đúng nguyên tắc theo thông lệ quốc tế.
"Với hơn 100 tỷ tài sản của DNNN hiện nay, nâng cao hiệu quả thì chắc chắn tăng thêm 2- 3 điểm % tăng trưởng về kinh tế và làm DNNN cũng không phải bị phê phán, chê trách, DNNN có hình ảnh đẹp trên thương trường", TS. Nguyễn Đình Cung kết luận.