"Tôi tuyệt vọng cùng cực": Người bán kêu trời vì sàn thương mại Trung Quốc giữ 7 tỷ tiền hàng không trả
Phát triển quá nóng, nền tảng thương mại điện tử Temu từ Trung Quốc gặp nhiều vấn đề bất cập khiến thương nhân phản ứng.
- 04-09-202410 năm lụi tàn: Thảm cảnh ngành bán đàn piano tại Trung Quốc, giảm giá kỷ lục nhưng chẳng ai mua, từ biểu tượng thượng lưu thành thứ phí tiền
- 04-09-2024Giới trẻ chi tiêu tiết kiệm, trà sữa siêu rẻ lên ngôi tại Trung Quốc
- 04-09-2024‘Né’ lệnh trừng phạt, một số ngân hàng Trung Quốc tiếp tục xử lý giao dịch với Nga bằng cách thức không ngờ
Tuyệt vọng vì bị giam 7 tỷ tiền hàng
Đang phải đối mặt với những câu hỏi khó về hoạt động kinh doanh, Temu – nền tảng thương mại điện tử đang lên của Trung Quốc lại gặp phải một vấn đề mới: phản ứng dữ dội từ người bán.
Đầu tháng trước, hàng trăm thương nhân hoạt động trên nền tảng đã tổ chức một cuộc tụ tập phản đối trước văn phòng trực thuộc Temu ở thành phố Quảng Châu vì tiền phạt "bất công" do công ty áp dụng, tranh cãi quanh việc khóa tài khoản thanh toán, cùng với nhiều khiếu nại khác.
Cuộc biểu tình nêu bật vô số thách thức mà Temu, thuộc sở hữu của gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc PDD, phải đối mặt khi tiếp tục mở rộng quy mô toàn cầu đầy tham vọng và tốn kém. Nền tảng này mới đây cũng thâm nhập vào thị trường mới nhất là Thái Lan.
Temu hoạt động như một cửa hàng trực tuyến, cung cấp hàng hóa giá rẻ từ những người bán hàng tự do. Theo Marketplace Pulse, có hơn 100.000 thương nhân trên sàn đến từ Trung Quốc.
Theo hình ảnh và video được ghi lại, những người biểu tình tụ tập để hô vang khẩu hiệu đòi tiền. Hai người cho biết họ phàn nàn về khoản tiền phạt "cao vô lý" mà Temu tính cho dịch vụ khách hàng kém như giao hàng trễ, mô tả sản phẩm không chính xác hoặc gửi nhầm sản phẩm. Khoản tiền phạt dao động từ một đến năm lần giá bán buôn của sản phẩm.
Một thương nhân bán đồ gia dụng cáo buộc nền tảng đóng băng khoảng hai triệu nhân dân tệ (gần 7 tỷ) tiền hàng mà người này muốn rút về để trả lương và chi trả chi phí kinh doanh.
Người bán hàng cho biết Temu thông báo sản phẩm của mình "vi phạm các quy tắc" nhưng không giải thích gì thêm. "Tôi tuyệt vọng cùng cực. Tôi nghĩ mình sắp mất gia đình và công việc kinh doanh. Tôi thực sự hối hận khi tham gia nền tảng này", người phụ nữ nói với CNN.
Về phần mình, người phát ngôn của Temu giải thích rằng người bán không hài lòng với cách công ty xử lý các vấn đề sau bán hàng liên quan đến chất lượng và sự tuân thủ của sản phẩm, cũng như từ chối giải quyết tranh chấp thông qua các kênh trọng tài và pháp lý thông thường được nêu trong thỏa thuận của người bán.
"Tình hình vẫn ổn định và công ty đang tích cực làm việc với các thương gia để tìm giải pháp", người này cho biết.
Mỗi người một phách
Với khẩu hiệu "mua sắm như một tỷ phú", Temu ra mắt tại Mỹ không mấy rầm rộ vào tháng 9/2022, nhưng nhanh chóng thu hút được lượng người theo dõi với các sản phẩm như đồ bơi giá 6,50 USD và máy tỉa lông mày giá 90 xu. Vài tháng sau, công ty trở thành tâm điểm khi có quảng cáo xuất hiện tại Super Bowl.
Kể từ khi ra mắt, ứng dụng Temu đã được tải xuống hơn 600 triệu lần, theo Sensor Tower. Đây là ứng dụng được tải xuống nhiều thứ tám trên toàn cầu vào năm ngoái và vẫn giữ vị trí số một tại Mỹ. Trong năm qua, ứng dụng đã mở rộng mạnh mẽ ở Châu Mỹ Latinh, Trung Đông và Đông Nam Á.
Abe Yousef, nhà phân tích thông tin cấp cao tại Sensor Tower, nói với CNN rằng trong ngắn hạn, Temu có thể sẽ quan tâm nhiều đến tiếp thị bản thân với người tiêu dùng hơn là lợi nhuận mà công ty kiếm được, một chiến lược đã hiệu quả đối với Amazon và Wayfair.
Để thu hút người mua sắm, Temu cung cấp dịch vụ giao hàng miễn phí, miễn phí trả hàng trong vòng 90 ngày và điều chỉnh giá trong vòng 30 ngày.
Vào tháng 6, Goldman Sachs cho biết họ kỳ vọng Temu sẽ tạo ra 45 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa vào năm 2024, tăng từ mức 18 tỷ USD của năm ngoái và khoảng 300 triệu USD vào năm 2022.
Ivy Yang, nhà phân tích công nghệ Trung Quốc và là người sáng lập công ty tư vấn Wavelet Strategy, cho biết sự mở rộng mạnh mẽ của Temu đã tạo ra "sự mất cân bằng" về động lực.
Người tiêu dùng thì muốn hàng hóa tốt hơn, rẻ hơn, nhanh hơn, trong khi người bán muốn bán nhiều hơn với biên lợi nhuận cao hơn, còn Temu lại muốn thấy doanh thu định kỳ để biện minh cho khoản đầu tư tiếp thị khổng lồ của mình.
"Sự bất mãn đã âm ỉ trong một thời gian và cuối cùng đã đạt đến điểm bùng phát. Những người bán đã không chịu đựng nổi", Yang chỉ ra. "Họ tức giận vì thiếu minh bạch và giao tiếp liên quan đến các khoản tiền phạt lớn… và thực tế phũ phàng là gần như không thể kiếm được lợi nhuận khi bán trên Temu".
Một người bán hàng họ Peng, bán quần áo phụ nữ trên nền tảng, và một người khác họ Mi, bán các mặt hàng như dây câu và tinh dầu trong hai tuần trước khi đóng cửa cửa hàng, nói với CNN rằng khoản tiền phạt khiến họ khó có thể kiếm được lợi nhuận.
Công ty phản đối nhận định này và cho biết hầu hết các thương gia trên nền tảng đều thành công và được hưởng lợi từ doanh số tăng và phản hồi tích cực từ khách hàng.
Theo người phát ngôn của Temu, "Mặc dù hình phạt là cần thiết để duy trì thị trường chất lượng cao, chúng tôi cam kết thực thi công bằng và giải quyết tranh chấp".
Đời sống & pháp luật