MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tokyo thử nghiệm chiến dịch làm việc ở nhà

25-07-2017 - 11:33 AM | Tài chính quốc tế

Chính phủ Nhật Bản vừa phát động chiến dịch làm việc ở nhà để giúp giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, biện pháp chuẩn bị xa cho Thế vận hội Olympic mùa hè vào năm 2020.

Hôm 24/7 là ngày đầu tiên của “Ngày làm việc qua điện thoại” (TeleworkDay), chiến dịch ra đời nhằm ngăn ngừa tình trạng ùn tắc giao thông ở Tokyo, động thái chuẩn bị cho Thế vận hội mùa hè mà Nhật Bản đăng cai tổ chức năm 2020. Theo đó, nhà chức trách đang tìm cách phục vụ 920.000 người tới Tokyo dự các sự kiện thể thao đỉnh cao mỗi ngày trong suốt dịp diễn ra Olympic.

Azuma Taguchi, giáo sư tại Đại học Chuo, Tokyo, nói: “Không có lựa chọn nào khác ngoài việc yêu cầu những người đi làm không đến công sở mà làm việc tại nhà. Nó có thể ngăn ngừa sự cố và chậm trễ bởi khi họ đi làm, sự gia tăng đột biến người sử dụng hạ tầng giao thông có thể ảnh hưởng tới cả du khách và người dân bản địa”.

Với dân số gần 14 triệu người ở trung tâm, đăng cai tổ chức Olympic sẽ khiến hạ tầng Tokyo quá tải. Thách thức mà thành phố này phải đối mặt lớn hơn rất nhiều so với những gì London trải qua khi đăng cai Thế vận hội năm 2012. Chính vì thế, giải pháp phòng xa là cần thiết.

Theo trang web của TeleworkDay, có 750 công ty đăng ký tham gia sự kiện này ngay khi nó được phát động hôm thứ 2. NTT Data Corp., một trong những công ty tham gia, cam kết yêu cầu 7.600 nhân viên của mình ở nhà trong khoảng thời gian từ 8-10 giờ sáng hàng ngày nhằm giảm thiểu ách tắc giờ cao điểm. Tuy nhiên, Giáo sư Taguchi nhấn mạnh cần 20% số người đi làm ở Tokyo làm việc ở nhà để phục vụ Thế vận hội.


Chia sẻ không gian làm việc chung ở Nhật Bản.

Chia sẻ không gian làm việc chung ở Nhật Bản.

Bên cạnh mục đích giảm thiểu ách tắc, chính phủ Nhật Bản hy vọng chiến dịch mới sẽ giúp môi trường làm việc trở nên linh hoạt hơn. Thủ tướng Shinzo Abe cũng lên tiếng ủng hộ việc thay đổi cách làm việc của người Nhật, cho phép họ có nhiều thời gian hơn để giải trí và chăm sóc gia đình, điều sẽ làm tăng chi tiêu tiêu dùng của đất nước.

Jiro Akama, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho biết: “Tôi nghĩ vẫn nhiều công ty Nhật Bản truyền thống nghĩ rằng họ không phù hợp với phương thức làm việc mới này. Tuy nhiên, chúng tôi muốn họ thử nó”.

Trên thực tế, Nhật Bản đang chứng kiến một số trào lưu làm việc mới mà một trong số đó là chia sẻ văn phòng. Để phục vụ những người không thể làm việc tại nhà, Công ty đường sắt Tokyu Corp đã mở mạng lưới gồm 70 không gian làm việc chung. Công ty này đặt mục tiêu tăng thêm 10% số không gian làm việc chung mỗi năm.

Haruyuki Asada, 51 tuổi, làm việc trong một văn phòng ở trung tâm Tokyo suốt 3 thập kỷ trước. Tuy nhiên, thói quen tới văn phòng của Asada đã thay đổi sau mỗi. Mỗi khi phải ra ngoài, Asada thường không trở về văn phòng mà tới làm ở các không gian chia sẻ chỗ làm việc để tránh những chuyến tàu đông đúc và chật hẹp.

“Đôi lúc, tôi về tới nhà khi trời vẫn sáng”, Asada nói về những thay đổi với phương thức làm việc mới.

Linh Anh

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên